Hai tình huống pháp lý vụ trung tá CSGT bị tông tử vong

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo luật sư, cần làm rõ ý chí chủ quan của nam thanh niên khi lao xe vào công an là gì. Đây sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng nhằm xác định trách nhiệm của người này.

Như Dân trí thông tin, khoảng 11h ngày 27/5, trung tá Phan Trần Anh Phương (40 tuổi) đang làm nhiệm vụ tại Trạm Cảnh sát giao thông Ninh Hòa (TX Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) thì bị Cao Nhật Trường (22 tuổi, ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) lao xe máy vào người. Cú tông mạnh khiến anh P. bị chấn thương sọ não và tử vong chiều cùng ngày. 

Nam thanh niên tông anh P. cũng bị thương, đang được điều trị tại bệnh viện. Kết quả kiểm tra nhanh cho thấy Trường âm tính với nồng độ cồn và ma túy. Vụ việc đang tiếp tục được công an điều tra làm rõ. 

Trường hợp này, với hành vi điều khiển phương tiện gây hậu quả chết người, Trường có thể bị áp dụng chế tài ra sao theo quy định của pháp luật? 

Hai tình huống pháp lý vụ trung tá CSGT bị tông tử vong - 1

Trung tá Phan Trần Anh Phương (Ảnh: Công an Khánh Hòa).

Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá đây là sự việc hết sức đau xót, gây hậu quả nghiêm trọng làm một chiến sĩ tử vong. Từ những thông tin hiện có, ông Giáp đánh giá đây là vụ việc có dấu hiệu hình sự, cơ quan điều tra sẽ sớm có các biện pháp tố tụng nhằm giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Trong đó, trách nhiệm pháp lý của Trường sẽ là vấn đề cần đặc biệt lưu tâm. 

"Với những thông tin được cơ quan công an cung cấp, chưa thể vội quy kết trách nhiệm pháp lý dành cho Trường. Thời gian tới, các hoạt động tố tụng sẽ tiếp tục được tiến hành nhằm củng cố hồ sơ, làm rõ trách nhiệm của nam thanh niên này. Trong đó, ý chí, động cơ và mục đích của Trường khi lao xe vào trung tá Phương sẽ là vấn đề được tập trung khai thác, làm sáng tỏ", ông Giáp phân tích. 

Từ điểm mấu chốt nêu trên, luật sư nhìn nhận có 2 tình huống pháp lý có thể xảy ra như sau: 

Thứ nhất, Trường lái xe với tốc độ cao, khi phát hiện CSGT thì có thể đã hoảng sợ, mất bình tĩnh, dẫn tới mất kiểm soát phương tiện và lao xe vào cán bộ CSGT. Nếu rơi vào tình huống này, lỗi của nam thanh niên là lỗi vô ý, gây ra hậu quả nghiêm trọng do sự chủ quan, cẩu thả. Đây là hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ và có thể bị xem xét xử lý hình sự theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015. 

Theo Điều này, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây hậu quả chết người thì bị xử lý về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ với khung hình phạt cơ bản của tội danh này là phạt tiền 30-100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1-5 năm. 

Ngoài ra, nếu hành vi thuộc trường hợp không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông, khung hình phạt có thể áp dụng là 3-10 năm tù. 

Hai tình huống pháp lý vụ trung tá CSGT bị tông tử vong - 2

Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Ảnh: Hải Nam).

Thứ hai, nếu Trường đang điều khiển phương tiện với tốc độ cao thì bị lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe nhưng không chấp hành mà tăng ga, lao xe thẳng vào cán bộ CSGT dẫn tới hậu quả chết người, luật sư Giáp đánh giá đây là hành vi có dấu hiệu của tội Giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015. 

"Theo pháp luật dân sự, xe máy được coi là nguồn nguy hiểm cao độ. Một người trưởng thành, có đầy đủ nhận thức cần và phải hiểu rằng việc lao xe vào người khác ở tốc độ cao là hành vi rất nguy hiểm, có khả năng lập tức tước đoạt tính mạng của người khác. Do đó, nếu tình huống này xảy ra, bất kể nam thanh niên có chủ đích tước đoạt mạng sống của trung tá Phương hay không, đây vẫn là hành vi có dấu hiệu của tội Giết người", ông Giáp bình luận. 

Nếu bị quy kết hành vi phạm tội về tội danh này, với tình tiết định khung phạm tội với người đang thi hành công vụ, khung hình phạt có thể áp dụng là 12-20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.