Bình Định:

Nhà máy nước tiền tỷ, xây xong bỏ hoang phí gần 10 năm

Doãn Công

(Dân trí) - Được đầu tư kinh phí xây dựng hơn 7 tỷ đồng, nhà máy nước ở huyện miền núi Vân Canh hoạt động cầm chừng rồi bỏ hoang gần 10 năm nay.

Công trình Nhà máy nước Vân Canh do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư, xây dựng từ năm 2012 với nguồn vốn từ ngân sách trung ương và tỉnh, tổng cộng hơn 7 tỷ đồng. 

Nhà máy nước tiền tỷ, xây xong bỏ hoang phí gần 10 năm - 1

Nhà máy nước Vân Canh đầu tư hơn 7 tỷ đồng nhưng nay rơi vào cảnh "đắp chiếu" (Ảnh: Doãn Công).

Nhà máy nước tiền tỷ, xây xong bỏ hoang phí gần 10 năm - 2

Công trình được đầu tư với số tiền lớn nhưng bỏ hoang gây lãng phí ngân sách nhà nước (Ảnh: Doãn Công).

Công trình được kỳ vọng giải quyết "bài toán" thiếu nước sạch sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân ở thị trấn Vân Canh. Thế nhưng sau khi đưa vào hoạt động từ tháng 1/2013 đến nay, công trình chỉ hoạt động èo uột được 2 năm rồi "đắp chiếu".

Nhà máy nước tiền tỷ, xây xong bỏ hoang phí gần 10 năm - 3

Máy móc đầu tư rồi bỏ không sử dụng (Ảnh: Doãn Công).

Theo ghi nhận của PV Dân trí, Nhà máy nước Vân Canh được đầu tư khá bài bản, gồm 3 khu nhà điều hành, 1 bể chứa nước, 1 bể xử lý nước, nhưng đến nay đều bỏ hoang để cỏ dại mọc.

Hầu hết máy móc, thiết bị, đường ống dù được đầu tư tiền tỷ nhưng không vận hành lâu ngày nên bắt đầu rỉ sét, hư hỏng.

Theo thiết kế, Nhà máy nước Vân Canh có công suất 1.400m3/ngày, dự kiến sẽ cấp nước sinh hoạt cho hơn 10.000 dân ở các xã Canh Thuận, Canh Hiệp, Canh Hiển và thị trấn Vân Canh.

Nhà máy nước tiền tỷ, xây xong bỏ hoang phí gần 10 năm - 4

Bể lọc lâu ngày không được sử dụng nên cỏ cũng mọc um tùm (Ảnh: Doãn Công).

Ông Nguyễn Hoài Nam, Chủ tịch UBND thị trấn Vân Canh, cho biết khi đi vào hoạt động, để có nước, nhà máy phải bơm từ suối Phướng (thị trấn Vân Canh) lên để xử lý. Tuy nhiên, chi phí bơm quá cao nên nhà máy hoạt động không được lâu thì dừng hẳn.

Hiện nay, người dân thị trấn chủ yếu sử dụng nước ăn uống và sinh hoạt bằng nước giếng đào, giếng khoan. Ngoài ra, người dân còn dùng nước sinh hoạt từ hệ thống nước tự chảy qua bể lọc sơ cấp, đến bể thứ cấp tại một nhà máy nước ở thượng nguồn suối Phướng được huyện đầu tư.

Trong khi đó, nhiều người dân ở thị trấn Vân Canh phản ánh, mùa nắng thì họ bị thiếu nước sinh hoạt, còn mùa mưa lớn thì có khi cả nửa tháng không có nước tự chảy do nước suối bị đục do mưa.

Nhà máy nước tiền tỷ, xây xong bỏ hoang phí gần 10 năm - 5

Đường ống dẫn nước lên bể lọc đang rỉ sét (Ảnh: Doãn Công).

Nhà máy nước tiền tỷ, xây xong bỏ hoang phí gần 10 năm - 6

Đường ống nhựa vỡ (Ảnh: Doãn Công).

"Đầu tháng 10 vừa qua, do ảnh hưởng của bão, mưa lớn kéo dài, hệ thống nước tự chảy bị cắt cả nửa tháng nên tôi phải qua bưu điện xin nước về dùng. Mưa làm nước suối đục, nhà máy phải cắt nước, chờ nắng lên vài ngày thì mới cấp lại", bà Liên ở thị trấn Vân Canh nói.

Theo UBND huyện Vân Canh, trước đây, khi đưa vào khai thác, các đơn vị chức năng tỉnh tính toán giá nước sinh hoạt 4.500 đồng/m3. Mức giá quá cao so với đời sống thu nhập của người dân địa phương miền núi nên bà con không đồng tình.

Ông Phan Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, cho biết hiện toàn huyện vẫn chưa có hệ thống nước sạch sinh hoạt đúng tiêu chuẩn phục vụ người dân.

Về cơ bản, các hộ dân và kể cả các trụ sở làm việc, doanh nghiệp chủ yếu dùng nước giếng khoan, nước tự chảy từ suối dẫn về nhà máy để xử lý.

Nhà máy nước tiền tỷ, xây xong bỏ hoang phí gần 10 năm - 7

Mưa to kéo dài, nước trên nguồn đục, người dân không thể dùng được nguồn nước suối (Ảnh: Doãn Công).

Về việc Nhà máy nước Vân Canh đầu tư tiền tỷ nhưng bỏ hoang nhiều năm, ông Cường cho hay: "Do tiền thu không đủ chi, thu chưa đủ chi một nửa tiền điện vận hành nên không thể hoạt động. Huyện sẽ kiến nghị thanh lý, cho tháo dỡ nhà máy này".

Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, trước đây, khi đầu tư xong công trình, dự kiến giao Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn vận hành nhưng huyện Vân Canh kiến nghị để huyện quản lý vận hành.

Vì vậy, việc nhà máy bị bỏ hoang lãng phí, phía huyện cần có thông tin cụ thể, kiến nghị đề xuất để tìm giải pháp khắc phục hoặc bàn giao về Sở để tính toán lại.