Bình Định:
Nghịch lý cảnh dân không có nước sạch, nhà máy nước 7 tỷ đồng bị bỏ hoang
(Dân trí) - Vân Canh là huyện duy nhất ở Bình Định đến nay người dân không có nước sạch để dùng. Gần 10 năm trước, tỉnh này đầu tư nhà máy nước sạch hơn 7 tỷ đồng nhưng hoạt động được 4 tháng rồi "đắp chiếu".
Ngày 14/12, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bình Định, cho biết đang phối hợp với UBND huyện Vân Canh để tập hợp hồ sơ, lấy ý kiến báo cáo UBND tỉnh vụ việc Nhà máy nước sạch Vân Canh đầu tư hơn 7 tỷ đồng nhưng bỏ hoang nhiều năm qua.
Theo ông Phúc, năm 2012, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư một hạng mục của công trình nước sạch Vân Canh là nhà máy xử lý nước sạch với công suất 1.400m3/ngày, cấp nước ra mạng đường ống bằng máy bơm.
Tổng mức đầu tư cho nhà máy này là hơn 7 tỷ đồng từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh nông thôn, vốn Trung ương hỗ trợ và vốn của tỉnh. Mục tiêu nhà máy cấp nước sạch khoảng 12.000 dân ở thị trấn Vân Canh và các xã lân cận như Canh Thuận, Canh Hiệp, Canh Hiển.
Trong hệ thống nước này còn 2 hạng mục là đầu mối Suối Phướng và hệ thống mạng đường ống dẫn nước thô. Ống dẫn nước sạch và phân phối nước sạch thì do UBND huyện Vân Canh đầu tư, quản lý và vận hành.
Năm 2013, sau khi hạng mục nhà máy xử lý nước hoàn thành, chất lượng nước sau xử lý đạt tiêu chuẩn chất lượng nước sạch. Tuy nhiên, UBND huyện Vân Canh không thống nhất được phương án xây dựng giá nước sạch (thời điểm 2013 giá nước sạch khoảng 4.500 đồng/m3), chỉ thống nhất ngang bằng với mức giá nước sinh hoạt mà huyện đang thu là 750 đồng/m3.
Các bên liên quan đã thống nhất báo cáo UBND tỉnh giao hạng mục nhà máy xử lý nước cho UBND huyện Vân Canh tổ chức vận hành cấp nước sạch từ tháng 12/2013. Đến tháng 4/2014, nhà máy xử lý nước sạch dừng hoạt động, chỉ thực hiện cấp nước sinh hoạt cho đến nay.
Theo ông Phan Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, hiện toàn huyện vẫn chưa có hệ thống nước sạch sinh hoạt đúng tiêu chuẩn phục vụ người dân. Các hộ dân, kể cả các trụ sở làm việc, doanh nghiệp chủ yếu dùng nước giếng khoan, nước tự chảy từ suối dẫn về nhà máy ở Suối Phướng để xử lý.
Lý giải việc Nhà máy nước Vân Canh bỏ hoang, ông Cường cho rằng thời điểm năm 2013 giá nước mà các đơn vị chức năng của tỉnh tính toán giá nước sinh hoạt 4.500 đồng/m3. Trong khi đó, Vân Canh là huyện miền núi, người dân đa phần là dân tộc thiểu số còn khó khăn nên bà con không mua nước sạch với giá đó để sử dụng.
"Tiền thu được không đủ để trả một nửa chi phí tiền điện dùng để bơm nước nên nhà máy phải dừng hoạt động cho đến nay", ông Cường nói.
Như Dân trí đã phản ánh thông tin, Nhà máy nước sạch Vân Canh được đầu tư nhiều tỷ đồng nhưng bỏ hoang gần 10 năm qua. Công trình này hiện đã xuống cấp, máy móc, thiết bị gỉ sét, hư hỏng nghiêm trọng.
Vụ việc được đưa ra thảo luận tại kỳ họp HĐND tỉnh Bình Định ngày 9/12 vừa qua, nhiều đại biểu đề nghị Sở NN&PTNT giải trình, có giải pháp khắc phục và làm rõ trách nhiệm.