Bình Định:

Nhà máy nước sạch tiền tỷ "đắp chiếu", cần 15-20 tỷ đồng để khắc phục

Doãn Công

(Dân trí) - Nhà máy nước sạch hơn 7 tỷ đồng ở huyện Vân Canh (Bình Định) "đắp chiếu" 10 năm qua. Hiện tại, để nhà máy hoạt động cấp nước cho khoảng 10.000 hộ dân, cần kinh phí 15-20 tỷ đồng.

Trao đổi về dự án máy nước sạch hơn 7 tỷ đồng ở huyện Vân Canh bỏ hoang, gây lãng phí, ngày 14/4, ông Nguyễn Tấn An - Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS-VSMTNT) tỉnh Bình Định cho biết, đơn vị đã đề xuất UBND tỉnh bổ sung kinh phí 15 - 20 tỷ đồng để khắc phục, đưa vào phục vụ người dân.

Nhà máy nước sạch tiền tỷ đắp chiếu, cần 15-20 tỷ đồng để khắc phục - 1

Nhà máy nước sạch Vân Canh hoạt động không hiệu quả, gây lãng phí đã được giao cho Trung tâm NS-VSMTNT tỉnh Bình Định quản lý (Ảnh: Doãn Công).

"Quá trình xây dựng hệ thống không đồng bộ, không đúng quy trình. Qua thời gian dài sử dụng, hệ thống đường ống nằm sâu dưới nền đường bị hư hỏng nghiêm trọng, rò rỉ nước nhưng không biết chỗ khắc phục. Khi bàn giao đơn vị quản lý cũng không biết đường ống đi đường nào nên buộc phải đầu tư lại một cách đồng bộ", ông An nói.

Theo Trung tâm NS-VSMTNT tỉnh Bình Định, ngày 9/1, sau khi các cơ quan truyền thông phản ánh, trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định, UBND huyện Vân Canh và Sở NN&PTNT thống nhất và làm thủ tục bàn giao nhà máy nước sạch Vân Canh cho Trung tâm NS-VSMTNT quản lý.

Ông Trần Văn Minh, Phó Giám đốc Trung tâm NS-VSMTNT tỉnh Bình Định cho hay, sau khi tiếp nhận, đơn vị kiểm tra, rà soát toàn bộ các hạng mục công trình. Do không sử dụng lâu năm nên một số hạng mục xuống cấp, hư hỏng, đơn vị phải khắc phục.

Nhà máy nước sạch tiền tỷ đắp chiếu, cần 15-20 tỷ đồng để khắc phục - 2

Nhà máy nước sạch Vân Canh đang khắc phục vận hành, cấp nước được cho 640 hộ dân (Ảnh: Doãn Công).

Riêng đối với công trình nhà máy nước cũ ở đầu nguồn suối Phướn (thị trấn Vân Canh), qua kiểm tra mẫu nước (do Sở Y tế tỉnh thực hiện), có một số tiêu chí không đảm bảo sức khỏe của người dân. Sau khi tiếp nhận, đơn vị đã cho khắc phục, đầu tư thêm hệ thống châm Clo khử trùng để tạm thời đưa nguồn nước sạch vào phục vụ trước mắt được khoảng 640 hộ dân, với giá ban đầu 1.810 đồng/m3.

"Từ tháng 1 đến tháng 3, đơn vị thu được hơn 6 triệu đồng tiền nước, không đủ tiền trả lương cho công nhân. Hiện nay, với giá nước nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Định, nếu tính đủ các chi phí để nhà máy tái sản xuất thì một khối nước phải thu khoảng 8.500 đồng, với điều kiện nhà máy phải hoạt động 70% công suất trở lên", ông Minh cho hay.

Theo ông Minh, vừa rồi, đơn vị tổ chức tham vấn cộng đồng, lấy ý kiến khoảng 2.100 hộ dân để thống nhất điều chỉnh giá nước phù hợp, đảm bảo công trình hoạt động hiệu quả, tái sản xuất. Qua đó, gần 70% người dân thị trấn Vân Canh chấp thuận sử dụng nước sạch với giá nước hợp lý.

Qua tìm hiểu, huyện Vân Canh là một trong những địa phương đầu tiên được tỉnh Bình Định ưu tiên xây dựng công trình nước sạch cho người dân từ những năm 1999. Thế nhưng đến nay, người dân toàn huyện vẫn chưa có nước sạch để dùng mà chủ yếu sử dụng nước giếng, suối tự chảy.

Việc thiếu nước sạch kéo dài khiến tiêu chí phát triển kinh tế - xã hội chung huyện Vân Canh bị ảnh hưởng. Thế nhưng, đến nay, huyện này vẫn chưa có giải pháp can thiệp, khắc phục. Từ đó, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển chung của tỉnh.

"Vấn đề cấp nước sạch cho người dân được lãnh đạo tỉnh rất quan tâm. Tới đây, chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục các tồn tại để nâng chỉ số nước sạch cho huyện Vân Canh. Nếu khắc phục tốt, dự kiến có 10.000 người dân thị trấn Vân Canh và các vùng lân cận được sử dụng nước sạch thường xuyên", ông Minh cho hay.