Bài 24:

Nguyên cớ gì dẫn đến vụ thi hành án kiểu “sống chết mặc bay” lạ kỳ giữa thủ đô?

(Dân trí) - Mua trúng đấu giá tài sản là nhà đất cách đây gần 15 năm và cũng từng ấy thời gian gia đình bà Lê Thị Hồng Hạnh tuyệt vọng cầu cứu các cơ quan chức năng để được bàn giao tài sản nhưng vụ việc vẫn dậm chân tại chỗ. Cho tới nay, điều trớ trêu một phần tài sản bà Hạnh mua trúng đấu giá đã bị hủy hoại, phần còn lại do người khác chiếm giữ trái pháp luật.

Liên quan đến việc cơ quan THADS huyện Đông Anh “om” tài sản của người trúng đấu giá là bà Lê Thị Hồng Hạnh gần 15 năm nay chưa bàn giao, trong quá trình giải quyết vụ án, VKSND huyện Đông Anh đã có Quyết định số 07/KN-KS ngày 22/12/2002 kháng nghị việc định giá, bán đấu giá tài sản của THADS huyện Đông Anh. Theo nội dung kháng nghị này, Viện kiểm sát nhân dân huyện Đông Anh yêu cầu Đội trưởng Đội THADS huyện Đông Anh hủy bỏ biên bản định giá tài sản và ra quyết định hủy bỏ quyết định bán đấu giá tài sản đã kê biên.

Vậy yêu cầu hủy bỏ các văn bản có liên quan đến việc bán đấu giá của VKSND huyện Đông Anh trong kháng nghị có căn cứ pháp luật hay không và kháng nghị này có ảnh hưởng như thế nào tới việc bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá?

Trao đổi về vấn đề này với PV Dân trí, Luật sư Nhâm Mạnh Hà - Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội cho rằng yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá của VKSND huyện Đông Anh là hoàn toàn không có căn cứ pháp lý. Yêu cầu trái pháp luật này cũng đã được các cơ quan có thẩm quyền xem xét theo hướng không chấp nhận nên cần phải khẩn trương bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá theo đúng quy định pháp luật, cụ thể:

Thứ nhất, kháng nghị của Viện trưởng VKSND huyện Đông Anh cho rằng cả hai lần định giá, cơ quan thi hành án không cho hai bên đương sự tự thỏa thuận về giá trị là hoàn toàn không đúng với thực tế của vụ việc, bởi trong quá trình thi hành án, cơ quan thi hành án đã nhiều lần mời người có tài sản lên làm việc để thoả thuận giá nhưng bà Xuân, ông Dương đã cố tình không đến. Điều này vừa thể hiện sự coi thường pháp luật, sự cố tình trốn tránh nghĩa vụ thi hành án và cũng là việc họ tự ý từ bỏ quyền của mình trong việc thoả thuận giá với người được thi hành án, theo quy định pháp luật.

Nguyên cớ gì dẫn đến vụ thi hành án kiểu “sống chết mặc bay” lạ kỳ giữa thủ đô? - 1
Nguyên cớ gì dẫn đến vụ thi hành án kiểu “sống chết mặc bay” lạ kỳ giữa thủ đô? - 2

Kháng nghị của VKSND huyện Đông Anh liên quan đến vụ thi hành án kiểu sống chết mặc bay.

Kháng nghị của VKSND huyện Đông Anh liên quan đến vụ thi hành án kiểu "sống chết mặc bay".

Tại Quyết định giải quyết khiếu nại số 09//QĐ-CCTHA ngày 28/9/2015 của Chi cục THADS huyện Đông Anh cũng đã khẳng định rõ: “bà Xuân, ông Dương đã cố tình không có mặt để thỏa thuận giá với người được thi hành án nên THADS huyện Đông Anh đã thành lập Hội đồng định giá tài sản kê biên nói trên”.

Như vậy, THADS huyện Đông Anh vẫn thực hiện đúng quy định tại Điều 31 Pháp lệnh THADS 1993, nhưng do sự không phối hợp của bên phải thi hành án dẫn tới việc không thể thoả thuận giá giữa bên phải thi hành án và bên được thi hành án, vì vậy chấp hành viên đã mời Hội đồng định giá để định giá. Điều này là hoàn toàn phù hợp với quy định tại Điều 31 của Pháp lệnh THADS 1993, do vậy nhận định của VKSND huyện Đông Anh là hoàn toàn không đúng với thực tế cũng như không đúng với các quy định của pháp luật.

Thứ hai, kháng nghị của VKSND huyện Đông Anh cho rằng Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản Hà Nội mở phiên bán đấu giá mà duy nhất chỉ có một người mua (bà Hạnh) là vi phạm quy định pháp luật – đây là một nhận định hoàn toàn không có căn cứ, không đúng với sự thật khách quan bởi:

Tại Công văn số 2043/PLDSK1 của Bộ tư pháp ngày 13/11/2000 Hướng dẫn bán đấu giá tài sản đã chỉ rõ trường hợp chỉ có một người mua trong phiên bán đấu giá thì vẫn được công nhận kết quả bán đấu giá: “Trong trường hợp trung tâm đã niêm yết và thông báo công khai việc bán đấu giá tài sản phù hợp với quy định tại Điều 11 và Điều 12 Quy chế bán đấu giá tài sản ban hành kèm Nghị định số 86/CP ngày 19/12/1996 và sau khi hết hạn niêm yết và thông báo công khai chỉ có một khách hàng đăng ký và đồng ý mua với giá khởi điểm thì Trung tâm cần trao đổi với người bán tài sản, nếu người này đồng ý thì trung tâm bán tài sản cho người đăng ký mua”.

Mặt khác, trong tất cả các văn bản giải quyết vụ việc sau đó và trong văn bản trả lời VKSND huyện Đông Anh về việc kháng nghị, Đội THADS huyện Đông Anh cũng đã thể hiện rõ quan điểm việc bán đấu giá không có vi phạm quy định và không đồng ý với nội dung kháng nghị. Trên thực tế cả nước qua các thời kỳ, có rất nhiều vụ đấu giá chỉ có một người tham gia đấu giá vẫn được triển khai thực hiện và nhờ đó quá trình thi hành án cũng được hoàn tất, bởi điều quan trọng nhất là pháp luật đã quy định hành lang pháp lý để cơ quan thi hành án và cơ quan bán đấu giá được phép triển khai thực hiện.

Vì vậy, khẳng định của Viện kiểm sát về sai phạm trong quá trình bán đấu giá nêu trên là không có căn cứ. Không hiểu dựa vào đâu mà ông Viện trưởng VKSND huyện Đông Anh thời kỳ đó lại có thể ban hành một Kháng nghị trái pháp luật như vậy. Rõ ràng chỉ vì một Kháng nghị không hề có căn cứ pháp lý mà đã khiến cho quá trình thi hành án bị kéo dài suốt mười lăm năm qua, đẩy người mua trúng tài sản đấu giá hợp pháp vào cảnh không nhà không cửa, đẩy các cơ quan chức năng liên quan vào cảnh dở khóc dở cười vì đã không thể thực hiện tốt nhiệm vụ, chức năng của mình, khiến cho người dân mất niềm tin vào các cơ quan chức năng, đơn thư khiếu kiện kéo dài gây mất an ninh trật tự trên địa bàn địa phương.

Thứ ba, sau khi có kháng nghị của VKSND huyện Đông Anh, Đội THADS huyện Đông Anh đã thực hiện đúng quy trình: gửi ý kiến không nhất trí với quyết định kháng nghị, họp và được sự thống nhất của các cơ quan có liên quan về việc tiếp tục bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá, cụ thể:

Ngày 25/12/2002, THADS huyện Đông Anh đã có Công văn số 60/CV-THA gửi VKSND huyện Đông Anh và VKSND thành phố Hà Nội với nội dung không nhất trí với quyết định kháng nghị, đồng thời THADS huyện Đông Anh cũng có các văn bản đề nghị Viện trưởng VKSND thành phố Hà Nội xem xét rút hoặc hủy bỏ kháng nghị. Rõ ràng cơ quan THADS huyện Đông Anh đã thực hiện tuân thủ đúng chức năng, nhiệm vụ của mình trong vấn đề này.

Thêm vào đó, ngày 24/9/2004 đại diện các cơ quan bao gồm Vụ 10 VKSNDTC, Cục THADS TP Hà Nội, VKSND thành phố Hà Nội, Ban chỉ đạo THADS huyện Đông Anh, cơ quan THADS huyện Đông Anh và VKSND huyện Đông Anh cũng đã tiến hành họp bàn biện pháp thi hành án. Tại cuộc họp đều thống nhất phải bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá.


Trúng đấu và và nộp tiền từ gần 15 năm trước, bà Lê Thị Hồng Hạnh vẫn chưa được bàn giao tài sản.

Trúng đấu và và nộp tiền từ gần 15 năm trước, bà Lê Thị Hồng Hạnh vẫn chưa được bàn giao tài sản.


Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đông Anh.

Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đông Anh.

Tất cả các nội dung trên đều được khẳng định tại Quyết định giải quyết khiếu nại số 09//QĐ-CCTHA ngày 28/9/2015 của Chi cục THADS huyện Đông Anh. Vì vậy không có căn cứ để hủy bỏ kết quả bán đấu giá. Việc triển khai và hoàn tất quá trình thi hành án này là điều tất yếu, buộc các cơ quan liên quan phải gấp rút tiến hành để bảo vệ quyền – lợi ích hợp pháp cho người mua trúng tài sản đấu giá đã phải chịu quá nhiệu thiệt hại trong suốt mười lăm năm qua.

Thứ tư, cho tới thời điểm này kết quả bán đấu giá vẫn còn nguyên giá trị nên việc không bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá là lỗi từ phía các cơ quan có liên quan:

Căn cứ theo quy định tại Điều 25, Điều 26 Quy chế bán đấu giá tài sản ban hành kèm Nghị định số 86/CP ngày 19/12/1996 thì ngay sau khi bà Hạnh thanh toán xong tiền mua tài sản Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản phải giao ngay tài sản cho bà Hạnh.

Bên cạnh đó, tại Hợp đồng uỷ quyền bán đấu giá tài sản số 29/2002/HĐUQ ký ngày 03/6/2002 giữa Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản và Đội THADS huyện Đông Anh ký cũng đã nêu rõ: “…bàn giao tài sản cho người mua chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày người trúng đấu giá nộp đủ tiền cho bên B”. Điều này có nghĩa là theo thỏa thuận trong Hợp đồng ủy quyền bán đấu giá tài sản thì việc bàn giao tài sản phải được thực hiện chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày bà Hạnh nộp đủ tiền mua tài sản.

Việc Đội THADS huyện Đông Anh và Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản không tiến hành bàn giao lại tài sản trúng đấu giá cho bà Hạnh, không làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu cho người mua trúng đấu giá trong khi bà Hạnh đã hoàn thành việc nộp tiền mua tài sản đấu giá ngày 17/07/2002 là vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật. Đây là lỗi từ phía các cơ quan có liên quan nên không thể vì lý do này để xác định bà Hạnh chưa có quyền sở hữu tài sản và không ghi nhận các quyền lợi hợp pháp của bà Hạnh đối với tài sản sau khi mua trúng đấu giá. Vì vậy, bất cứ ai có hành vi huỷ hoại khối tài sản mà bà Hạnh đã mua trúng đấu giá một cách hợp pháp đều phải bị trừng trị theo đúng quy định của pháp luật hình sự.

Thứ năm, việc có kháng nghị trên của VKSND huyện Đông Anh đã kéo theo một loạt các sai phạm về sau của ông Đào Xuân Mai, cộng thêm việc không quyết liệt trong quá trình xử lý các vấn đề phát sinh của các cơ quan thi hành án và các cơ quan liên quan đã làm chậm quá trình bàn giao tài sản, cụ thể:

Theo thông tin tại hồ sơ thì ngày 10/11/2004, THADS huyện Đông Anh đã phối hợp với các ban ngành và chính quyền địa phương tổ chức cưỡng chế thi hành án nhưng ông Mai tổ chức lực lượng khoảng hơn 50 người để cản trở, chống đối nên việc cưỡng chế không thực hiện được. Việc cản trở việc thi hành án của lực lượng do ông Mai tổ chức đã có dấu hiệu của hành vi chống người thi hành công vụ. Câu hỏi đặt ra là tại sao với lực lượng chống đối như trên cùng hành vi cản trở tại buổi cưỡng chế, ông Mai và những đối tượng liên quan không bị xử lý về hành vi chống người thi hành công vụ?

Thêm vào đó, việc ngang nhiên cư trú của gia đình ông Mai tại căn nhà đã được bà Hạnh mua trúng đấu giá (được pháp luật bảo vệ quyền lợi hợp pháp với tư cách người thứ ba ngay tình) suốt nhiều năm qua cộng thêm việc huỷ hoại tài sản đã được bán đấu giá cho bà Hạnh là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật nhưng các hành vi này vẫn không hề bị xử lý vì lý do Cơ quan điều tra - Công an huyện Đông Anh và VKSND huyện Đông Anh đang xác minh, điều tra.

Rõ ràng từ việc kháng nghị không đúng pháp luật, không có căn cứ pháp lý của VKSND huyện Đông Anh và sự thiếu quyết liệt, dứt khoát trong việc cưỡng chế bàn giao tài sản của cơ quan THADS huyện Đông Anh và các đơn vị có liên quan đã kéo theo hàng loạt các hành vi vi phạm pháp luật sau này của ông Mai, nhất là khi các hành vi đó lại không hề bị cơ quan chức năng xử lý, trừng trị. Điều này không khỏi khiến cho dư luận phải đặt ra câu hỏi: liệu có điều gì khuất tất phía sau khiến cho ông Mai dám “một tay che khuất bầu trời”?

Có thể thấy rõ, sau khi có hành vi vi phạm xảy ra thì việc xử lý các hành vi vi phạm và việc bàn giao tài sản theo quy định pháp luật cho người trúng đấu giá là hai quy trình độc lập. Vậy lý do tại sao cho tới thời điểm này các cơ quan chức năng vẫn chưa bàn giao lại tài sản cho người trúng đấu giá? Câu trả lời cho câu hỏi này đã “bỏ ngỏ” hơn 15 năm qua, khiến cho cả gia đình bà Hạnh phải chịu biết bao thiệt thòi, uất ức, đến nay vẫn chưa có bất cứ một cơ quan chức năng nào lên tiếng để trả lại sự công bằng cho gia đình bà Hạnh.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vụ việc này.

Anh Thế (thực hiện)