Bài 22:

Vụ thi hành án kiểu “sống chết mặc bay”: Chuyện khó tin ngay giữa Thủ đô!

(Dân trí) - Liên quan đến việc một người dân trúng đấu giá hơn 10 năm nhưng vẫn chưa được bàn giao tài sản, trong khi khối tài sản này lại bị một người không hề có liên quan gì đến cuộc bán đấu giá tài sản hợp pháp này chiếm giữ, phá huỷ toàn bộ, ngang nhiên xây mới và cho người khác sinh sống nhưng không hề bị bất cứ một cơ quan chức năng huyện Đông Anh (Hà Nội) ngăn chặn, xử lý.

Ngày 15/7/2002, bà Lê Thị Hồng Hạnh đã tham gia đấu giá và trúng đấu giá tài sản là nhà đất tại địa chỉ nhà 14B, tổ 1, Khối 3C Thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh. Sau khi trúng đấu giá, ngày 17/07/2002, bà Hạnh đã chuyển toàn bộ số tiền mua tài sản là 88.523.720 đồng cho Trung tâm bán đấu giá tài sản - Sở Tư pháp Hà Nội. Tuy nhiên, đến nay bà Hạnh vẫn chưa nhận được tài sản trúng đấu giá theo quy định pháp luật. Mặt khác, khối tài sản của bà Hạnh đã bị ông Đào Xuân Mai phá huỷ toàn bộ và xây dưng lên một ngôi nhà 04 tầng bề thế như thách thức chính quyền huyện Đông Anh.

Là người có quyền lợi liên quan tới nhà đất trên, ngay sau khi phát hiện ra hành vi vi phạm pháp luật của ông Mai, năm 2005, bà Hạnh đã có Đơn tố cáo hành vi huỷ hoại tài sản và xây nhà trên đất của ông Mai gửi đến các cơ quan chức năng nhưng hơn 11 năm qua bà Hạnh vẫn chưa nhận được văn bản trả lời về việc khởi tố vụ án của công an huyện Đông Anh. Về phía Chi cục thi hành án huyện Đông Anh, rất nhiều lần bà Hạnh gửi đơn từ đề nghị tiếp tục thi hành án nhưng cũng chỉ nhận được trả lời phải “chờ đợi” kết quả điều tra, xác minh của Công an huyện Đông Anh.


Luật sư Nhâm Mạnh Hà: Không thể để sự thách thức pháp luật tiếp tục tồn tại trong vụ thi hành án thập kỷ ngay tại thủ đô Hà Nội.

Luật sư Nhâm Mạnh Hà: Không thể để sự thách thức pháp luật tiếp tục tồn tại trong vụ thi hành án thập kỷ ngay tại thủ đô Hà Nội.

Đánh giá về vấn đề này, Luật sư Nhâm Mạnh Hà - Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội cho rằng chính quyền huyện Đông Anh đã không thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình để vụ việc kéo dài hơn chục năm nay và hiện tại các cơ quan có liên quan dường như đang “bất lực” trước các sai phạm của gia đình ông Mai, cụ thể:

Thứ nhất, hành vi phá dỡ nhà và xây dựng trái phép của ông Mai đã quá rõ ràng, chủ tịch UBND huyện Đông Anh và các cơ quan có liên quan có quyền cưỡng chế công trình vi phạm mà không phải chờ kết quả điều tra, xác minh, khởi tố hình sự của Công an huyện Đông Anh nhưng đã không thực hiện:

Căn cứ theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 62 Luật xây dựng 2003, quy định tại Quyết định số 109/2001/QĐ-UB ngày 08/11/2001 của UBND thành phố Hà Nội thì việc ông Mai xây dựng bắt buộc phải được cấp Giấy phép xây dựng từ phía các cơ quan có thẩm quyền. Mặt khác, theo hồ sơ tới thời điểm hiện tại không có bất cứ văn bản nào của cơ quan có thẩm quyền khẳng định việc xây dựng căn nhà 04 tầng của ông Mai đã được cấp phép xây dựng.

Như vậy, chưa xét đến việc phá dỡ nhà ở, rõ ràng chỉ riêng hành vi xây dựng của ông Mai đã được xác định là hành vi trái pháp luật và phải bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 121/2013/NĐ-CP mới là đúng quy định của pháp luật.

Cũng theo quy định tại Điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP, Nghị định 180/2007/NĐ-CP và Điều 2 Thông tư số 02/2014/TT-BXD thì đối với các công trình xây dựng sai phạm như trên, khi phát hiện hành vi vi phạm, người có thẩm quyền xử lý theo quy định tại Điều 59 Nghị định 121/2013/NĐ-CP có trách nhiệm lập biên bản (kể cả hành vi vi phạm đang được thực hiện và hành vi vi phạm đã kết thúc), ban hành quyết định đình chỉ thi công và quyết định cưỡng chế phá dỡ. Trường hợp chủ tịch UBND xã không ban hành quyết định thì chủ tịch UBND huyện có trách nhiệm ban hành, Chủ tịch UBND huyện không ban hành quyết định thì Chánh thanh tra Sở xây dựng ban hành quyết định; người có thẩm quyền ban hành quyết định mà không ban hành thì phải bị xử lý vì không ban hành quyết định kịp thời.

Trong vụ việc này, gia đình ông Mai tiến hành xây dựng và hoàn thiện căn nhà 04 tầng đã nhiều năm nay nhưng cho tới thời điểm này mới chỉ có biên bản kiểm tra thực tế của một số cơ quan, chưa có biên bản về hành vi vi phạm của ông Mai đồng thời cũng chưa có bất cứ quyết định nào về việc cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm của bất cứ cơ quan nào.


Trúng đấu và và nộp tiền từ hơn 10 năm trước, bà Lê Thị Hồng Hạnh vẫn chưa được bàn giao tài sản.

Trúng đấu và và nộp tiền từ hơn 10 năm trước, bà Lê Thị Hồng Hạnh vẫn chưa được bàn giao tài sản.


Chi cục Thi hành án huyện Đông Anh.

Chi cục Thi hành án huyện Đông Anh.

Hành vi phá huỷ tài sản đã kê biên, xây dựng trái phép trên thửa đất đã kê biên, bán đấu giá của gia đình ông Mai đã quá rõ ràng và nó thể hiện sự thách thức, coi thường pháp luật nhưng cho tới giờ vẫn chưa bị xử lý.

Vậy trong phạm vi trách nhiệm của mình chủ tịch UBND thị trấn Đông Anh, chủ tịch UBND huyện Đông Anh, Đội thanh tra xây dựng huyện Đông Anh … đã làm gì trước hành vi xây dựng của gia đình ông Mai?

Thứ hai, Trung tâm bán đấu giá tài sản và UBND huyện Đông Anh có trách nhiệm bàn giao tài sản và làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu cho bà Hạnh ngay sau khi có kết quả mua trúng đấu giá nhưng đã không tiến hành theo đúng quy định:

Căn cứ theo quy định tại Điều 20, Điều 21, Điều 25 và Điều 26 Quy chế bán đấu giá tài sản ban hành kèm Nghị định số 86/CP ngày 19/12/1996 thì sau khi bà Hạnh thanh toán xong tiền mua tài sản, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản phải giao tài sản cho bà Hạnh (chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày người mua nộp đủ tiền - Hợp đồng uỷ quyền bán đấu giá tài sản số 29/2002/HĐUQ ký ngày 03/6/2002 giữa Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản và Đội Thi hành án dân sự huyện Đông Anh) và phải có trách nhiệm đăng ký quyền sở hữu tài sản bà Hạnh.

Căn cứ theo quy định tại Nghị định số 17/1999/NĐ-CP, Nghị định 79/2001/NĐ-CP và Thông tư số 1990/2001/TT-TCĐC của Tổng cục địa chính thì thời gian tối đa để cơ quan có thẩm quyền (ở đây là UBND huyện Đông Anh) đăng ký quyền sở hữu tài sản cho bà Hạnh là trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Bà Hạnh trúng đấu giá và đã hoàn thành việc nộp tiền mua tài sản đấu giá ngày 17/07/2002. Như vậy, nếu theo các quy định trên thì bà Hạnh và được bàn giao tài sản và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất từ năm 2002. Tuy nhiên, chính sự chậm chễ trong việc bàn giao tài sản của Trung tâm bán đấu giá tài sản, Đội thi hành án dân sự huyện Đông Anh và sự chậm chễ trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản cho bà Hạnh của UBND huyện Đông Anh đã dẫn tới việc ông Mai phá dỡ và xây dựng nhà trái phép trên đất để vụ việc tới nay vẫn chưa được giải quyết.

Thứ ba, cơ quan quản lý về cư trú trên địa bàn huyện chưa thực hiện đúng nhiệm vụ của mình dẫn tới việc ông Mai cho “người khác” đang sinh sống bất hợp pháp trên diện tích nhà đất bà Hạnh mua trúng đấu giá:

Theo thông tin bà Hạnh và xác nhận của lãnh đạo Chi cục Thi hành án huyện Đông Anh, hiện nay trên diện tích nhà đất bà Hạnh mua trúng đấu giá, người sinh sống trong ngôi nhà này là ông Nguyễn Minh T.

Tại Điều 30 Luật cư trú năm 2006 quy định đăng ký tạm trú là việc công dân đăng ký nơi tạm trú của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký tạm trú, cấp sổ tạm trú cho họ.

Vụ thi hành án kiểu “sống chết mặc bay”: Chuyện khó tin ngay giữa Thủ đô! - 4

Chi cục Thi hành án huyện Đông Anh cho biết Công an huyện Đông Anh vẫn đang điều tra vụ việc.

Chi cục Thi hành án huyện Đông Anh cho biết Công an huyện Đông Anh vẫn đang điều tra vụ việc.

Mặt khác, tại Điều 12 Luật cư trú, Điều 4 Nghị định 107/2007/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 56/2010/NĐ-CP) và sau này là Điều 5 Nghị định 31/2014/NĐ-CP cũng quy định rõ: Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú, chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu, sử dụng của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật.

Xét trong vụ việc này, nhà ở 04 tầng do ông Mai xây dựng trái phép (không có Giấy phép xây dựng, xây dựng trên đất không thuộc quyền sở hữu của mình đồng thời quyền sử dụng đất đã bị bán đấu giá). Như vậy, nhà ở trên không phải là chỗ ở hợp pháp của ông Mai, ông Mai cũng không đủ điều kiện để cho ông T thuê, mượn, ở nhờ nhà ở theo quy định pháp luật.

Việc UBND thị trấn Đông Anh, công an thị trấn Đông Anh để gia đình ông Nguyễn Minh T ngang nhiên sinh sống tại căn nhà ông Mai xây dựng trái phép (dù cho đã đăng ký tạm trú, thường trú hoặc chưa đăng ký) là vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật về cư trú. Vấn đề sinh sống bất hợp pháp của người dân tại căn nhà trên gây nhức nhối trong xã hội hiện nay nhưng việc sinh sống ngang nhiên bất hợp pháp hơn chục năm qua lại không hề bị xử lý là điều rất khó hiểu?

Thứ tư, Chi cục thi hành án huyện Đông Anh có quyền và trách nhiệm tiếp tục quá trình thi hành án để bàn giao tài sản cho bà Hạnh, việc căn nhà đã bị phá bỏ sẽ được xử lý theo quy định về bồi thường khi xác định rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan nhưng đã không thực hiện:

Theo quy định của pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 thì việc cưỡng chế thi hành án chỉ được tạm dừng trong trường hợp để giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại (điểm b, khoản 1 Điều 145 Luật thi hành án dân sự năm 2008).

Xét trong vụ việc này, bà Hạnh là người đã trúng đấu giá nhà đất tại số nhà 14B, tổ 1, Khối 3C Thị trấn Đông Anh. Do sự chậm chễ của các cơ quan chức năng dẫn tới căn nhà không còn. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, chưa xét đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phá dỡ nhà ở của ông Mai thì việc xây dựng nhà ở của ông Mai là trái phép và các cơ quan quản lý về xây dựng có quyền cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm. Vậy tại sao cơ quan thi hành án không phối hợp với các cơ quan liên quan để phá dỡ công trình vi phạm đồng thời tiếp tục việc cưỡng chế bàn giao thửa đất cho bà Hạnh?

Rõ ràng, việc tạm dừng thi hành án với lý do gia đình ông Mai chống đối, “chờ đợi” kết quả điều tra xác minh dấu hiệu tội phạm của Công an huyện Đông Anh là không phù hợp với các quy định pháp luật và đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi hợp pháp của bà Hạnh.

Tại Điều 4 Nghị 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản và Điều 103 Luật thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014 đều quy định rõ quyền, lợi ích hợp pháp của người mua được tài sản đấu giá được pháp luật bảo vệ, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm bảo đảm việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của người mua được tài sản bán đấu giá.

Bà Hạnh là người đã trúng đấu giá, quy trình mua bán đấu giá hoàn toàn hợp pháp vì vậy quyền lợi của bà Hạnh hoàn toàn được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, vì lý do tại sao bà Hạnh không được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản? Lý do tại sao thi hành án tạm dừng việc cưỡng chế hơn 10 năm nay? Lý do tại sao nhà ở không được cấp phép xây dựng vẫn có thể xây dựng hoàn thiện mà không có bất kỳ cơ quan nào xử lý, không bị phá dỡ? Tại sao phải chờ kết quả điều tra, xác minh dấu hiệu tội phạm trong khi vẫn có các biện pháp xử lý khác theo quy định để bảo vệ người mua tài sản? Chính quyền huyện Đông Anh đã làm gì trong suốt hơn 14 năm bà Hạnh có đơn kêu cứu hay chỉ là các văn bản “đẩy” trách nhiệm giữa các cơ quan?

Rất nhiều câu hỏi tại sao không chỉ gia đình bà Hạnh thắc mắc mà dư luận cả nước cũng đang chờ câu trả lời từ phía các cơ quan có thẩm quyền của huyện Đông Anh.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Anh Thế (thực hiện)