Bài 2:
Người uy tín trong đồng bào dân tộc ở Nghệ An: Hãy đi từ cái nhỏ nhất!
(Dân trí) - Đến nay, số người đạt tiêu chí người có uy tín tăng lên 1.822 người và được tuyên dương ở cấp huyện 632 người. Hiện nay, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số chủ yếu là các già làng, trưởng bản, trưởng các dòng họ, những cán bộ đảng viên đã về hưu tiếp tục tham gia công tác xã hội…
Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân
Để tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào dân tộc thiểu số một cách kịp thời.
Trong những năm qua tỉnh Nghệ An đã có chính sách động viên bồi dưỡng, hướng dẫn và phát huy vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng bào các dân tộc trong việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các địa bàn dân cư, vùng dân tộc miền núi.
Và chính những cá nhân già làng, trưởng bản, người uy tín tại bản làng, thôn xóm, khu dân cư… trở thành “cánh tay nối dài” cho người làm công tác mặt trận.
Biểu dương các điển hình tiêu biểu.
Trước hết phải kể đến, sau phong trào "Làm việc tốt" từ những năm trước, bắt đầu từ năm 2006 MTTQ các cơ sở đã thực hiện bình xét và công nhận 315 người có uy tín tiêu biểu của các dân tộc thiểu số.
Đến năm 2007, để phong trào được tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng MTTQ tỉnh Nghệ An đã tổ chức hội nghị tổng kết toàn tỉnh và nâng cuộc vận động trở thành phong trào "Làm nhiều việc tốt".
Trên cơ sở đó hàng năm MTTQ các xã đã tổ chức hội nghị già làng, trưởng bản để phát động đăng ký các chỉ tiêu cụ thể cho từng người có uy tín trực tiếp đăng ký nhận những công việc phù hợp với mình.
Đến nay, số người đạt tiêu chí người có uy tín tăng lên 1.822 người và được tuyên dương ở cấp huyện 632 người. Hiện nay, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số chủ yếu là các già làng, trưởng bản, trưởng các dòng họ, những cán bộ đảng viên đã về hưu tiếp tục tham gia công tác xã hội và có cả những thầy mo, thầy cúng.... là những người có tình yêu quê hương, đất nước và am hiểu về phong tục tập quán ở dân tộc mình, thông qua họ mà đồng bào bày tỏ tâm tư nguyện vọng và giải quyết những khó khăn vướng mắc của mình trong cuộc sống gia đình và cộng đồng.
Những điển hình tiên tiến cần nhân rộng
Điển hình như ông Lộc Văn Lâm (SN 1954) trú tại bản Na Lảnh, xã Diên Lãm, huyện Qùy Châu (Nghệ An) là người uy tín và nhiều năm liền được huyện, tỉnh biểu đương vì những đóng góp của ông cho cộng đồng. Là một giáo viên về hưu, ngay từ ngày đang còn công tác, ông Lộc đã là người được dân bản quý mến và tin tưởng.
Cho nên sau khi nghỉ, ông đã được người dân bầu làm người uy tín cho bản. Không phụ sự kỳ vọng của bà con, ông đã vận động và tập hợp đồng bào vào khối đại đoàn kết các dân tộc, chia sẻ, giúp đỡ và thậm chí “gỡ nút thắt” cho những vụ mâu thuẫn nhỏ trong cộng đồng.
Đơn cử như, ở bản Na Lảnh vào năm 2016 có một con đường vào bản quanh năm lầy lội, khó đi. Khi ấy, xã có chủ trương mở rộng và xây dựng đường, thời điểm đó còn duy nhất 2 gia đình không chịu nhường đất cũng như di dời đi chỗ khác.
Thầy Lộc Văn Lâm (áo đen trong cùng bên trái) - Bản Na Lảnh, xã Diên Lãm, huyện Qùy Châu (Nghệ An) - Người dân vận của bản làng.
Ông Lộc vào cuộc, từ phân tích đến khuyên nhủ rồi huy động bà con trong bản chuyển nhà. Sau nhiều ngày vất vả “dân vận” cuối cùng 2 gia đình ấy đã vui vẻ chuyển đến nơi ở mới, nhường đất cho con đường mới.
Chưa dừng lại ở đó, cũng tại bản Na Lảnh có 2 anh em họ suýt nữa “gấy hấn” với nhau vì chuyện chó nhà này cắn chết bê nhà kia. Nhưng dưới tài “ăn nói” của ông Lộc, mọi chuyện được giải quyết êm đẹp, tình làng nghĩa xóm, tình anh em lại bền chặt.
Vậy nên, từ đó đến nay cứ mỗi khi trong bản có chuyện không giải quyết được, mọi người lại tìm gặp thầy Lộc. Nói như ông Lộc “Làm người uy tín hãy đi từ cái nhỏ như vậy”.
Hay như tại bản Ban, xã Châu Tiến, huyện Qùy Châu (Nghệ An) có già Vi Văn Chuyên năm nay đã 75 tuổi nhưng những lời nói của già ai cũng kính nể. Bởi quan điểm của già Chuyên là “làm cho được rồi hay nói” hay “mình làm trước, vợ con làm sau và dân bản làm theo”.
Nhưng với già Chuyên gương mẫu đi đầu là cái cốt yếu. Già kể: “Như năm rồi, bản ta hệ thống truyền thanh bị hỏng, cả bản hầu như không tiếp cận được với thông tin từ xã truyền xuống. Mọi người ai cũng thắc mắc, nhưng ai cũng không muốn chung sức.
Thế là ta lấy tiền lương, góp trước nhờ đội thanh niên thay mới, ngày sau cả bản đều nghe được chủ trương bên trên. Đến lúc họp bản, thấy được sự tiện ích cũng như hợp lý, nên cả bản mỗi nhà một ít, góp vào có ngay hệ thống loa để nghe thông tin”.
Các đại biểu người có uy tín đã về thăm và dâng hương lên anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Kim Liên.
Làm người uy tín thì đó là câu nói của cấp trên đặt, nhưng già nghĩ cứ gương mẫu đi đầu rồi dân sẽ theo, không những đi đầu về thực hiện chủ trương mà phải đi đầu từ sản xuất, kinh doanh đến sinh hoạt tại địa phương.
Ngoài ra, theo già Chuyên người uy tín là phải tạo được sự đồng thuận, đoàn kết trong nhân dân và thứ nữa là bám sát được dân, biết bà con đang trăn trở điều gì để từ đó có thông tin lên cấp trên.
Ngược miền Tây xứ Nghệ, chúng tôi gặp và trò chuyện với già làng Lầu Xây Phia (SN 1947) trú tại bản Nậm Khiên II, xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An).
Ông Lầu Xây Phia (thứ hai), dân tộc H'Mông (bản Nậm Khiên, xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) - là một người làm kinh tế giỏi, được bà con nhân dân tín nhiệm bầu 3 đời làm đầu dòng họ H"Mông, gia đình có 4 Đảng viên, gương mẫu đi đầu trong việc xoá bỏ cây thuốc phiện, chính ông đã thuyết phục đưa bố 84 tuổi đi cai nghiện đầu tiên và đã đạt kết quả.
Nậm Khiên là một bản nghèo của xã Nậm Càn. Những thập niên trước đây và những năm qua việc trồng cây thuốc phiện rồi di cư sang Lào rất phổ biến. Nhưng, với cách vận động của mình, già làng Lầu Xây Phia đã đến từng nhà vận động, lấy gia đình anh em mình gương mẫu làm trước, sau đó từng bước vận động người dân làm theo.
Nhờ vậy, hiện nay các hộ dân ổn định nơi ở, khai hoang được 20 ha ruộng nước, khoanh nuôi 2.000 ha rừng phòng hộ, mỗi hộ có từ 3-5 con dê, 4-5 con lợn, 2-3 con trâu bò, mỗi nhà có 0,5 ha gừng và các loại hoa mầu khác.
Thậm chí, những năm trước người dân H’Mông ở Nậm Càn, con gái con trai 14-15 tuổi tối đến đi tìm hiểu nhau, ngày thì đi nương rẫy lấy vợ lấy chồng sớm rất ít người biết chữ. Cuộc sống cứ theo cái vòng luẩn quẩn ấy, cái nghèo cái đói cứ nối tiếp nhau từ các gia đình trẻ với con đàn cháu đống.
Thấu hiểu nguyên nhân này, già làng Phia đã lấy gia đình mình làm gương, con cháu già cứ đến tuổi là phải đi học, mà phải học hết. Rồi sau đó, nhiều gia đình người H’Mông ở đây cũng đã có con học thành cô giáo, thầy giáo, bộ đội, kỹ sư, bác sỹ phục vụ cho chính mình.
Ngoài ra, phải kể đến nhiều gương điển uy tín trong vùng dân tộc thiểu số trên các lĩnh vực, là hạt nhân nòng cốt tại địa phương như: Ông Lầu Xái Hờ (bản Huồi Pốc, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn); Moong Phò Ta (bản Xốp Xăng, xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn); Bạch Đình Dung (bản Cao Vều 3, xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn)…
Người uy tin huyện Qùy Châu được tuyên dương.
Trong công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội có các điển hình là: Ông Vi Văn Hoàn (bản Hạt, xã Châu Thái, huyện Quỳ Hợp), Vi Ngọc Duyên (bản Thịnh, xã Châu Đình, huyện Quỳ Hợp), Và Bá Xình (bản Chà Lâng, xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương).
Các điển hình trong giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số là ông Lang Sơn Hán (xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu), bà Quang Thị Toán (bản Tân Hương, xã Yên Khê, huyện Con Cuông)….
Đó là những người uy tín tiêu biểu tại Nghệ An, họ là những người “ăn cơm nhà” nhưng làm việc xã hội với tấm lòng vô tư trong sáng. Chính họ đang hàng ngày xây dựng khối đại đoàn kết trong nhân dân, xây dựng sự đoàn kết từ cơ sở.
(Còn nữa)
Duy Bắc