Bài 1:

Người uy tín trong đồng bào dân tộc ở Nghệ An: Điểm tựa vững vàng tại cơ sở!

(Dân trí) - Nghệ An là tỉnh có địa bàn rộng, trong đó diện tích tự nhiên vùng dân tộc miền núi có 13.745 km2 (chiếm 83%). Dân số vùng dân tộc miền núi có hơn 1,1 triệu người (chiếm 41%), trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số có 442.787 người (chiếm 15,2%) và chiếm 36% dân số trên địa bàn miền núi.

Khu vực này có 39 đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó 7 dân tộc có trên 500 người, gồm: Dân tộc Thái, dân tộc Thổ, dân tộc Khơ Mú, dân tộc Mông, dân tộc Ơ Đu, dân tộc Tày, dân tộc Mường. Đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống xen kẽ cùng với dân tộc Kinh ở 12 huyện, thị và tiếp giáp với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Người uy tín trong đồng bào dân tộc ở Nghệ An: Điểm tựa vững vàng tại cơ sở! - 1

Những già làng uy tín tại huyện Kỳ Sơn được biểu dương vì có nhiều đóng góp giúp ổn định khu vực miền núi, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và tình hữu nghị biên giới Việt - Lào.

Khu vực miền núi Nghệ An - là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái; có nhiều tiềm năng về tài nguyên đất đai. Đồng bào các dân tộc thiểu số Nghệ An có truyền thống yêu nước, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đoàn kết một lòng, tương thân tương ái, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cùng với sự nổi lực vươn lên của đồng bào các dân tộc đã làm thay đổi cơ bản bức tranh vùng dân tộc thiểu số trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc không ngừng được nâng lên.

Tuy nhiên, đây cũng là vùng có thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên bị lũ ống, lũ quét, sạt lở, bão, lốc, hạn hán, dịch bệnh. Địa hình, địa bàn phức tạp, đi lại rất khó khăn; diện tích đất phục vụ sản xuất không nhiều.

Người uy tín trong đồng bào dân tộc ở Nghệ An: Điểm tựa vững vàng tại cơ sở! - 2

Già làng Vi Văn Chuyên bản Ban, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu (Nghệ An): “Hãy gương mẫu đi đầu, mình làm trước, vợ con làm sau và dân bản làm theo”.

Tuy nhiên, khu vực này cũng là nơi tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vẫn chứa đựng nhiều tiềm ẩn phức tạp như việc di dịch cư trái phép; tệ nạn xã hội; buôn bán, tràng trữ và sử dụng chất ma túy; truyền đạo trái pháp luật; hồi cư do Lào trao trả, tái định cư các công trình thủy điện,…

Do đó, việc phát huy vai trò của già làng, người có uy tín đã được các cấp ủy đảng, chính quyền và các ngành, đặc biệt hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Nghệ An quan tâm, triển khai thực hiện thông qua tổ chức các hội nghị, các lớp tập huấn, gặp gỡ trực tiếp... đã tổ chức quán triệt và phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, qua người có uy tín để tuyên truyền đến đồng bào các dân tộc.

Hàng năm, MTTQ các cấp tỉnh Nghệ An đã lựa chọn những người có uy tín tiêu biểu để tổ chức đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở một số tỉnh; tổ chức thăm hỏi, chúc mừng già làng, người uy tín trong các dịp lễ tết, ốm đau...

Người uy tín trong đồng bào dân tộc ở Nghệ An: Điểm tựa vững vàng tại cơ sở! - 3

Ngày 24/01/2019, tại xã Tri Lễ, huyện Quế Phong đã tổ chức Hội nghị gặp mặt biểu dương già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Mông và Khơ Mú năm 2018. 

Ngoài ra, hàng năm, MTTQ một số huyện phối hợp tổ chức hội nghị gặp mặt, biểu dương già làng, người uy tín nhân dịp tết cổ truyền để kịp thời tuyên truyền, động viên khen thưởng và tiếp tục phát huy vai trò của những người có uy tín trong phong trào thi đua yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

MTTQ các cấp phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, đoàn thể, các dòng họ, cộng đồng dân cư để phát hiện, lựa chọn và động viên những người có uy tín tham gia vào các hoạt động chung của dòng họ, thôn bản, cộng đồng dân cư.

Điền hình như năm 2017, toàn tỉnh Nghệ An có 1.252 người có uy tín, gồm nhiều thành phần: Già làng, trưởng bản, trưởng thôn, bí thư chi bộ bản, bí thư chi bộ thôn, trưởng các dòng họ, cựu chiến binh, cán bộ hưu trí, người sản xuất giỏi… đến từ các dân tộc thiểu số như: Thái, Thổ, Mông, Khơ Mú, Ơ Đu, Nùng, Hoa và Đan Lai.

Người uy tín trong đồng bào dân tộc ở Nghệ An: Điểm tựa vững vàng tại cơ sở! - 4

Ngày 18/01/2019, tại các huyện Kỳ Sơn và huyện Tương Dương đã tổ chức Hội nghị gặp mặt biểu dương già làng, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số năm 2018.

Riêng MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An trực tiếp lựa chọn 72 già làng, người uy tín tiêu biểu để trực tiếp vận động, phát huy. Với những hoạt động thiết thực trên đã kịp thời động viên, khuyến khích già làng, người có uy tín tích cực phát huy vai trò, vị trí, thế mạnh của mình và đã có nhiều kết quả khả quan trên nhiều lĩnh vực.

Nổi bật là phong trào “Quần chúng tham gia xây dựng, bảo vệ đường biên cột mốc hòa bình hữu nghị” được các tầng lớp nhân dân vùng biên giới hưởng ứng thực hiện. Cụ thể: đã có 96 Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới; 824 Tổ tự quản an ninh trật tự thôn, bản; có 19 cặp bản thực hiện Kết nghĩa cụm dân cư hai biên giới;….

Đặc biệt, trong những năm qua (từ 2013 - 2017) MTTQ các cấp đã vận động được 1.200 người uy tín đăng ký, ký cam kết với nhiều nội dung ở các lĩnh vực khác nhau như không di dịch cư tự do; không xâm canh, xâm cư; không truyền đạo trái pháp luật, tham gia bảo vệ đường biên cột mốc…

Kết quả, già làng, người uy tín đã giúp được 5039 đối tượng, hộ gia đình, hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết 215 nhà, xoá đói giảm nghèo được 633 hộ, 251 gia đình được công nhận gia đình văn hoá, cảm hoá, giáo dục được 340 đối tượng vi phạm các tệ nạn xã hội, giúp hàng trăm cháu có hoàn cảnh khó khăn phải bỏ học trở lại trường.

Ngoài ra, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là vận động nhân dân hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng, làm nông thôn mới.

Người uy tín trong đồng bào dân tộc ở Nghệ An: Điểm tựa vững vàng tại cơ sở! - 5

Đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống xen kẽ cùng với dân tộc Kinh ở 12 huyện, thị và tiếp giáp với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc. Phối hợp cùng lực lượng công an giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở. Nhiều người bằng kinh nghiệm của mình đã chủ động tham gia giải quyết kịp thời những vướng mắc từ cơ sở, không để xảy ra điểm “nóng”.

Không những vậy, già làng, người có uy tín luôn là chỗ dựa quan trọng của cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp trong việc tuyên truyền, vận động tổ chức đồng bào dân tộc thiểu số tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng.

Đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc miền núi giảm còn 15,86%, giảm 4% so với năm 2016; thu nhập bình quân đầu người năm 2017 ước đạt 25,7 triệu đồng, tăng hơn 12% so với năm 2016 và bằng 80% thu nhập bình quân toàn tỉnh. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư, hưởng ứng các cuộc vận động do mặt trận phát động.

(Còn nữa)

Duy Bắc

 

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm