Người từ tỉnh, thành khác đến Hà Nội, TPHCM cần lưu ý gì?

Khả Vân

(Dân trí) - Ngày 16/11, TP Hà Nội và TPHCM cùng ban hành Công điện khẩn số 23/CĐ-UBND và Quyết định số 3900 về việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch trong tình hình mới.

Người từ các địa phương khác tới Hà Nội 

Tại Công điện số 23/CĐ-UBND ngày 16/11/2021 của UBND TP Hà Nội về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn Thủ đô trong tình hình mới quy định, tất cả các trường hợp từ tỉnh, thành phố khác ngay khi về đến Hà Nội phải khai báo y tế và thông báo, cam kết với chính quyền địa phương.

Người từ tỉnh, thành khác đến Hà Nội, TPHCM cần lưu ý gì? - 1

Hà Nội yêu cầu tất cả mọi người khi đến Hà Nội phải khai báo y tế, thông báo, cam kết với chính quyền (Ảnh: Mạnh Quân).

Cụ thể, các biện pháp kiểm soát người dân đi lại đến/về Hà Nội nêu tại Công điện này như sau:

- Đối với người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc người đã khỏi bệnh đi về từ khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao (cấp 3 và 4 tương đương khu vực màu đỏ và màu da cam) và người về từ các tỉnh, thành có số ca mắc cao như TPHCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai…: Cách ly tại nhà/nơi lưu trú trong vòng 07 ngày - có quyết định cách ly của địa phương (thay cho tự theo dõi sức khỏe tại nhà); Xét nghiệm 02 lần ngày thứ nhất và thứ bảy (thay cho chỉ xét nghiệm 01 lần).

- Đối với người chưa tiêm đủ liều/chưa tiêm vaccine đi từ khu vực có nguy cơ cao (cấp 3 tương ứng màu da cam): Cách ly tại nhà/nơi lưu trú 07 ngày, có quyết định cách ly của địa phương; Tự theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú trong vòng 07 ngày tiếp theo; Luôn thực hiện 5K; Xét nghiệm vào ngày thứ nhất và thứ bảy từ khi tới Hà Nội (thay cho tự theo dõi sức khỏe tại nhà, không xét nghiệm).

- Đối với người tiêm đủ liều vaccine/đã khỏi Covid-19 về Hà Nội từ khu vực nguy cơ (Cấp 2 - màu vàng): Tự theo dõi sức khỏe tại nhà 07 ngày, xét nghiệm 01 lần vào ngày đầu tiên.

- Đối với người chưa tiêm, tiêm chưa đủ liều vaccine đi về từ khu vực nguy cơ (Cấp 2 - màu vàng): Tự theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày, xét nghiệm 02 lần vào ngày đầu tiên và thứ bảy.

Trong đó nhấn mạnh: Tất cả mọi người khi đến Hà Nội phải khai báo y tế, thông báo, cam kết với chính quyền. Trong suốt thời gian cách ly, tự theo dõi phải luôn thực hiện 5K.

Nếu có bất cứ triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 như ho, sốt, đau rát họng, mất hoặc giảm khứu giác, vị giác… thì phải báo ngay cơ quan y tế để xét nghiệm.

Những biện pháp này áp dụng từ ngày 17/11/2021.

Người dân tại vùng dịch cấp độ 3, 4 ở TPHCM khi di chuyển liên tỉnh cần lưu ý điều gì?

Ngày 16/11/2021, TPHCM cũng đã ban hành Quyết định 3900/QĐ-UBND quy định các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19 tại địa bàn Thành phố. Trong đó, với việc đi lại của người dân, quyết định này nêu rõ:

- Với người ở vùng cấp độ 1, cấp độ 2: Không bị hạn chế việc di chuyển, đi lại.

- Người ở vùng dịch cấp độ 3: Khi di chuyển liên tỉnh, người dân phải đáp ứng yêu cầu về tiêm vaccine và xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế và các biện pháp phòng, chống dịch của tỉnh, thành phố nơi người dân đến.

- Người ở vùng dịch có cấp độ 4: Hạn chế đi liên tỉnh; khi đi, người dân phải đáp ứng yêu cầu về tiêm vaccine, xét nghiệm và tuân thủ các biện pháp giám sát y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế hoặc tỉnh, thành phố nơi đến.

Người từ tỉnh, thành khác đến Hà Nội, TPHCM cần lưu ý gì? - 2

Lưu ý gì khi sử dụng phương tiện vận chuyển hành khách công cộng đường bộ tại TPHCM?

- Vùng cấp độ 1: Được hoạt động theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống Covid-19 trên địa bàn Thành phố (trừ giãn cách chỗ ngồi trên phương tiện).

- Vùng cấp độ 2: Hoạt động có điều kiện theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống Covid-19 trên địa bàn Thành phố; Thực hiện giãn cách chỗ ngồi.

 - Vùng cấp độ 3: Hoạt động hạn chế theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống Covid-19 trên địa bàn Thành phố; Hoạt động tối đa không quá 50% số chuyến hoặc không quá 50% phương tiện hoạt động trừ xe chở công nhân viên, xe chở người bệnh, người dân đi cách ly…

- Vùng cấp độ 4: Dừng xe khách, tuyến cố định, xe trung chuyển, xe hợp đồng, du lịch, chở khách theo đường thủy nội địa, hàng hải; Hoạt động taxi, xe dưới 09 chỗ công nghệ, xe chở công nhân viên và chuyên gia, xe chở người bệnh, người dân đi cách ly… theo hướng dẫn của Sở Giao thông Vận tải (đáp ứng Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống Covid-19 trên địa bàn Thành phố đặc biệt tuân thủ 5K và chở không quá 50% số người trên xe).

Trong đó, người dân khi đi lại phải đáp ứng điều kiện:

- Tiêm ít nhất 01 liều vaccine (với vaccine yêu cầu tiêm hai liều) sau 14 ngày hoặc đã khỏi Covid-19.

- Nếu không thể tiêm do chống chỉ định thì phải có giấy xác nhận của cơ quan y tế.

- Trẻ em, nếu tham gia giao thông thì phải đi cùng người lớn đã tiêm vaccine.

Ngoài ra, với loại hình xe ôm công nghệ chở khách thì ở các xã, phường cấp độ 1 được hoạt động nếu đáp ứng yêu cầu phòng dịch; ở cấp độ 2 thì không được hoạt động quá 50% số xe; ở cấp độ 3 và cấp độ 4 thì không được phép hoạt động.

Với xe ôm truyền thống, tại TP. HCM chỉ cho phép hoạt động ở xã, phường cấp độ 1 và đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.