Vấn đề pháp lý mấu chốt vụ thi thể nữ công nhân bị kéo lê 10km

Hải Hà

(Dân trí) - Luật sư nhìn nhận cần làm rõ việc nạn nhân bị tông ngã ra đường có phải xuất phát từ lỗi của tài xế ô tô con hay không. Đây là căn cứ quan trọng xác định trách nhiệm pháp lý của người này.

Ngày 24/6, ô tô 5 chỗ do một nam tài xế điều khiển tới Công ty TNHH Uil (tại Khu công nghiệp Quế Võ, thị xã Quế Võ, Bắc Ninh) thì được phát hiện có một thi thể nữ công nhân bị kéo lê dưới gầm xe. Danh tính nạn nhân là chị N.M.H. (25 tuổi, quê Thái Nguyên).

Theo cơ quan chức năng, nạn nhân bị tông trên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, sau đó mới bị ô tô 5 chỗ kéo lê khoảng 10 km.

Vấn đề pháp lý mấu chốt vụ thi thể nữ công nhân bị kéo lê 10km - 1

Chiếc xe kéo lê nạn nhân (Ảnh: CAND).

Khai với cảnh sát, tài xế cho biết không biết thi thể chị H. mắc dưới gầm cho đến khi dừng xe ở khu công nghiệp. Qua xét nghiệm, tài xế này âm tính với cồn và ma túy.

Độc giả Dân trí đặt câu hỏi, trong tình huống này, những vấn đề nào cần làm rõ để xác định trách nhiệm pháp lý của tài xế trên?

Luật sư Lưu Thị Kiều Trang (Giám đốc Công ty Luật Khải Hoàn Tâm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận, dựa trên những thông tin lực lượng chức năng đã cung cấp, nạn nhân bị tông trên cao tốc rồi mới bị ô tô 5 chỗ kéo lê. Như vậy, chưa thể khẳng định tài xế xe con có phải chịu trách nhiệm pháp lý với việc nạn nhân tử vong hay không.

Trường hợp này, vấn đề pháp lý mấu chốt cần làm sáng tỏ là yếu tố lỗi của tài xế và mối quan hệ giữa vấn đề này (nếu có) với việc nạn nhân tử vong. Từ đó, sự việc có thể xảy ra theo 2 chiều hướng như sau:

Thứ nhất, nếu cơ quan chức năng xác định tài xế hoàn toàn không liên quan tới việc nạn nhân gặp tai nạn và cũng hoàn toàn không biết về việc có thi thể nạn nhân kẹt dưới gầm xe, yếu tố lỗi của người này trong vụ việc có thể được loại bỏ. Khi đó, cơ quan chức năng có thể xem xét loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người này và phải củng cố chứng cứ, truy tìm người gây ra vụ tai nạn cho chị H. (nếu có).

Về trách nhiệm dân sự, do ô tô con được coi là nguồn nguy hiểm cao độ nên theo Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015, chủ sở hữu, người sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ sẽ phải bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại kể cả khi không có lỗi, trừ trường hợp lỗi hoàn toàn thuộc về người bị thiệt hại hoặc thiệt hại xảy ra trong tình huống bất khả kháng.

Vấn đề pháp lý mấu chốt vụ thi thể nữ công nhân bị kéo lê 10km - 2

Luật sư Lưu Kiều Trang (Giám đốc Công ty Luật Khải Hoàn Tâm).

Đối chiếu với tình huống này, để xác định trách nhiệm bồi thường của tài xế, có 2 câu hỏi cần làm rõ. Đó là: có xảy ra thiệt hại cho nạn nhân hay không. Nếu có, đó là thiệt hại về vấn đề gì, mức độ thiệt hại ra sao, căn cứ nào để xác định những thiệt hại đó? Ngoài ra, cần xác định đây có phải tình huống bất khả kháng hay không?

Thứ hai, nếu kết quả xác minh của công an cho thấy chiếc ô tô 5 chỗ đã va chạm, dẫn tới việc nạn nhân bị ngã, kéo lê trên đường và tử vong, vụ việc có dấu hiệu hình sự. Khi đó, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục lấy lời khai của tài xế, thu thập, củng cố các chứng cứ tại hiện trường để làm rõ hàng loạt vấn đề như việc va chạm xảy ra như thế nào; yếu tố lỗi của các bên trong vụ tai nạn ra sao; ý chí chủ quan, nhận thức của tài xế này ở thời điểm nạn nhân bị kéo lê như thế nào và người này có biết về việc thi thể nạn nhân bị mắc kẹt dưới gầm xe suốt quãng đường đó hay không…

Đây sẽ là những chứng cứ quan trọng để xác định trách nhiệm hình sự của tài xế xe con nếu tình huống này xảy ra. Tùy thuộc kết quả xác minh, người này có thể bị xử lý về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (Điều 260) hoặc Giết người (Điều 123) tại Bộ luật Hình sự 2015.