Người mua giấy khám sức khỏe giả có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
(Dân trí) - Tình trạng mua, bán giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội và giấy khám sức khỏe không phải mới diễn ra. Tuy nhiên, người dân chưa thực sự hiểu được đây chính là hành vi vi phạm pháp luật.
Như đã đưa tin, ngày 31/5, Công an TP Biên Hòa (Đồng Nai) đã bắt 2 người khi họ đang thực hiện việc tàng trữ các giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, giấy khám sức khỏe đã được làm khống nội dung chuẩn bị giao cho những người đặt mua.
Độc giả Dân trí băn khoăn rằng, người bán đã bị bắt, vậy người mua có phải chịu trách nhiệm trước pháp luật mặc dù việc giao dịch chưa hoàn thành (chưa bị bắt quả tang trong quá trình giao nhận)?
Phân tích vụ việc trên, TS LS Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật Chính Pháp khẳng định, các đối tượng đã vi phạm quy định về khám chữa bệnh, giả mạo trong công tác để trục lợi, tiếp tay giúp sức cho người khác trục lợi bảo hiểm y tế trái pháp luật.
Theo quy định của pháp luật thì việc khám chữa bệnh là hoạt động nghề nghiệp đặc thù, có điều kiện theo quy định của luật khám chữa bệnh. Đối với giấy khám sức khỏe, chứng nhận sức khỏe thì người bệnh phải thực hiện các thủ tục và hoạt động khám theo quy định. Kết quả khám được ghi vào từng mục trong giấy khám chữa bệnh và có kết luận cuối cùng.
"Đối với các giấy khám sức khỏe đã điền sẵn nội dung, có sẵn kết quả, chỉ thiếu thông tin của người khám thì đây là giấy tờ giả, vi phạm quy định về khám bệnh", luật sư Cường nhận định.
Trường hợp nếu người thực hiện hành vi làm, cấp giấy tờ giả mà là người có chức vụ quyền hạn thì người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về tội giả mạo trong công tác theo quy định tại Điều 359 Bộ luật hình sự với chế tài cao nhất có thể tới 20 năm tù.
Theo đó, với trường hợp các đối tượng cấp giấy tờ giả với số lượng 11 giấy tờ giả trở lên thì hình phạt sẽ là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm tù, đây là khung hình phạt cao nhất của tội danh này.
Đối với các loại giấy tờ khác được cấp theo luật khám chữa bệnh mà cơ sở y tế không thực hiện quy trình thủ tục khám chữa bệnh nhưng vẫn cấp giấy tờ khống như vậy để bán kiếm lời thì đây cũng là hành vi giả mạo trong công tác, người thực hiện hành vi này cũng sẽ bị xử lý hình sự theo điều 359 Bộ luật hình sự.
"Đặc biệt, cán bộ có chức vụ quyền hạn, không trực tiếp thực hiện hành vi làm giả giấy tờ nhưng đã thiếu trách nhiệm để sự việc xảy ra thì cũng có thể bị xem xét xử lý hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", ông Cường cho hay.
Người mua giấy khám chữa bệnh giả có bị xử lý?
Luật sư Cường cho biết, đối với người dân, các công nhân mua giấy tờ về khám chữa bệnh, giấy tờ về xác nhận sức khỏe để điền thông tin vào sử dụng thì đây cũng là hành vi làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức. Nếu sau khi điền thông tin để sử dụng vào mục đích trục lợi bảo hiểm y tế thì hành vi này là hành vi sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức, người thực hiện hành vi sẽ bị xử lý hình sự theo điều 341 bộ luật hình sự.
Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức nêu rõ:
Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 2 lần trở lên;
c) Làm từ 2 đến 5 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm;
đ) Thu lợi bất chính 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm:
a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;
b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
"Như vậy, với hành vi sử dụng tài liệu con dấu giả của cơ quan tổ chức thì đối tượng thực hiện hành vi có thể phải chịu mức hình phạt tới 7 năm tù", luật sư Cường cho hay.