Người đang bị điều tra, nếu mang thai sẽ xử lý thế nào?
(Dân trí) - Một phụ nữ đang bị cơ quan công an điều tra về hành vi tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản số tiền 500 triệu đồng, nếu có thai vào thời gian này liệu có "thoát tội"?
Những trường hợp nào thì phụ nữ có thai được tạm hoãn thi hành án phạt tù? Phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ phạm tội thì được hoãn thi hành án đến khi nào?
Trả lời:
Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc công ty Luật Pháp Trị, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, Điều 26, Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận: Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội.
Do vậy khi xây dựng Bộ luật hình sự, Quốc hội đã cụ thể hóa các quy định này của Hiến pháp. Theo đó phụ nữ có thai khi thực hiện hành vi phạm tội, trong giai đoạn truy tố, xét xử thi hành án sẽ được hưởng những ưu đãi, quyền lợi đặc biệt so với những người khác cùng thực hiện hành vi phạm tội.
Phụ nữ có thai được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
Phụ nữ có thai được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm n, khoản 1, điều 51 Bộ luật hình sự. Khi một người phạm tội có tình tiết giảm nhẹ sẽ là căn cứ để Tòa án quyết định một mức hình phạt thấp hơn nằm trong khung hình phạt. Trường hợp người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ, Tòa án có thể căn cứ khoản 1, điều 54 Bộ luật hình sự để quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn.
Ví dụ như một người bị kết án về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản số tiền từ 500 triệu đồng theo khoản 4 điều 175 Bộ luật hình sự với khung hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Người này có một tình tiết giảm nhẹ "Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải" và kết hợp với tình tiết giảm nhẹ "Người phạm tội là phụ nữ có thai" thì có thể được Tòa án áp dụng hình phạt tù chỉ 10 năm thay vì việc tối thiểu phải 12 năm.
Phụ nữ có thai được hoãn, miễn, không áp dụng một số hình phạt
Không áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng đối với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 06 tháng tuổi theo quy định tại khoản 4, điều 36 Bộ luật hình sự.
Không áp dụng hình phạt tử hình, không thi hành án tử hình với phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng theo quy định tại khoản 2, 3 điều 40 Bộ luật hình sự.
Trường hợp người bị thi hành án tử hình là phụ nữ thì ngay sau khi nhận đủ hồ sơ để đưa bản án tử hình ra thi hành, Hội đồng thi hành án tử hình phải yêu cầu Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh hoặc Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu ra lệnh trích xuất người bị kết án tử hình đến bệnh viện thuộc Sở Y tế hoặc bệnh viện cấp quân khu, nơi đang giam giữ người bị kết án tử hình để kiểm tra, xác định xem người bị kết án tử hình có thai hay không. Nếu xác định người bị thi hành án tử hình có thai thì buộc phải hoãn thi hành án tử hình theo quy định theo khoản 1 Điều 9 Thông tư liên tịch 02/2020/TTLT-BCA-BQP-BYT-BNG-TANDTC-VKSNDTC.
Phụ nữ có thai khi bị kết án phạt tù sẽ được hoãn thi hành án
Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 67 Bộ luật Hình sự.
Thậm chí ngay cả khi người phụ nữ phải thi hành án cố tình có thai liên tục và nuôi con nhỏ dưới 36 tháng thì họ vẫn được hưởng quyền được hoãn thi hành án. Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC giải đáp vấn đề nghiệp vụ do Tòa án nhân dân tối cao ban hành, Tòa án nhân dân tối cao đã khẳng định điều này: "nếu người bị kết án là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi, không phân biệt họ cố tình có thai và sinh con liên tục để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án phạt tù hay không".
Dù quy định pháp luật có những quy định có lợi cho người phạm tội khi có thai khi bị truy tố, xét xử, thi hành án nhưng không có quy định nào miễn trách nhiệm hình sự, không truy tố, kết tội người có thai.