Không muốn dính dáng đến chồng cũ, tôi có thể đổi họ cho con?

Khả Vân

(Dân trí) - "Hiện nay hai vợ chồng tôi đã ly hôn và có quyết định của tòa án, tôi được quyền nuôi con. Nay tôi không muốn dính dáng đến chồng cũ nên muốn thay đổi họ cho con, thủ tục này cần những điều kiện gì?".

Trả lời: 

Theo Luật gia Nguyễn Văn Nghĩa - Công ty Luật TNHH LSX thì pháp luật hiện hành quy định chỉ có 3 trường hợp được quyền thay đổi họ cho con, theo Điều 27 Bộ luật Dân sự 2015:

- Thay đổi họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ và ngược lại. Bố, mẹ có thể thỏa thuận về thay đổi họ cho con.

- Khi nhận con làm con nuôi thì cha mẹ nuôi có quyền thay đổi họ con nuôi từ họ của cha mẹ đẻ sang họ của cha mẹ nuôi và trong trường hợp khi cha, mẹ nuôi thôi không nhận con nuôi nữa thì cha, mẹ đẻ có quyền thay đổi từ họ cha mẹ nuôi đã thay đổi trước đó sang họ ban đầu là họ cha, mẹ đẻ.

- Ngoài ra, có thể thay đổi họ cho con theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc yêu cầu của con khi xác định cha, mẹ cho con.

Như vậy, nếu không nằm trong những trường hợp nêu trên thì không được quyền thay đổi họ cho con. Ngoài ra, cũng cần xét trên khía cạnh độ tuổi của con; vì suy cho cùng con cái cũng có quyền quyết định với tên, họ của mình. Về vấn đề này, pháp luật có quy định cụ thể như sau:

- Trường hợp con trên 18 tuổi, sẽ được quyền tự quyết định về thay đổi họ tên của mình;

- Trường hợp con đã đủ từ 09 tuổi trở lên còn cần phải có sự đồng ý của con.

Đổi họ cho con sau khi ly hôn có cần sự đồng ý của người không trực tiếp nuôi dưỡng?

Phải khẳng định rằng việc đổi họ cho con sau khi ly hôn chắc chắn cần sự đồng ý của người không trực tiếp nuôi dưỡng. Căn cứ Điều 7 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định như sau:

Điều 7. Điều kiện thay đổi, cải chính hộ tịch 1. Việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 của Luật Hộ tịch phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong Tờ khai; đối với người từ đủ 9 tuổi trở lên thì còn phải có sự đồng ý của người đó. 2. Cải chính hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch là việc chỉnh sửa thông tin cá nhân trong Sổ hộ tịch hoặc trong bản chính giấy tờ hộ tịch và chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ để xác định có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch.

Có thể thấy rằng, ly hôn chỉ làm chấm dứt mối quan hệ hôn nhân giữa hai vợ chồng. Quan hệ của cha-mẹ-con sẽ không bị thay đổi và luôn tồn tại. Cha mẹ sẽ luôn có nghĩa vụ và trách nhiệm đối với con cái cho đến khi trưởng thành. Chính vì vậy mọi thay đổi hay giao dịch dân sự phát sinh thì đều cần được sự đồng ý của cả hai. Việc người mẹ hoặc người cha muốn tự thay đổi họ cho con sang họ của mình sẽ không được cơ quan nhà nước chấp nhận thực hiện.

Những câu hỏi thường gặp

Con có thể mang họ mẹ được không?

Theo khoản 1 Điều 4 của Nghị định 123/2015/NĐ-CP. Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ; trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì xác định theo tập quán… Như vậy, nếu bố mẹ có thỏa thuận, con có thể khai sinh theo họ mẹ mà không bắt buộc theo họ bố.

Không đăng ký kết hôn, con có được mang họ cha không?

Việc khai sinh cho con mà vợ, chồng bạn chưa đăng ký kết hôn thì không thể khai sinh lấy họ của người cha được, vì phải xuất trình Giấy đăng ký kết hôn. Trong trường hợp này cần phải làm thủ tục cha nhận con trước, sau đó mới khai sinh cho con.