Người dân “kêu trời” vì mía "trổ cờ" trắng đồng tại Nghệ An!

(Dân trí) - Đã quá thời gian thu hoạch 2 tháng nhưng Công ty CP Mía đường Sông Con (Nghệ An) vẫn rất chậm trong thu mua mía. Trước thực trạng trên, không chỉ thấp thỏm lo sợ trọng lượng mía giảm, người trồng mía tại huyện Tân Kỳ còn mất ăn mất ngủ, xót xa nhìn hàng trăm ha mía trổ cờ trắng đồng, xốp ruột... và có nguy cơ không bán được .

Hàng trăm ha mía của người dân đã trổ bông nhưng nhà máy vẫn chưa thu mua.
Hàng trăm ha mía của người dân đã trổ bông nhưng nhà máy vẫn chưa thu mua.

"Kêu trời” vì mía đã trổ bông

Theo thời vụ, cứ đến khoảng giữa tháng11 hàng năm, người trồng mía đã thu để bán cho Công ty CP Đường Sông Con. Năm nay, gần đến tháng 3/2018, người dân vẫn thấp thỏm lo sợ nhìn mía trổ cờ trắng đồng.

Có mặt tại các đồng mía của 2 xã Giai Xuân, Tân Xuân, huyện Tân Kỳ theo ghi nhận của PV nhận thấy hàng trăm ha mía đã trổ cờ trắng xóa bạt ngàn.

Mặc dù đang là thời kì mùa vụ nhưng trên các cánh đồng vẫn im lìm, tiếng xe cộ vắng tanh, lâu lâu mới thấy bóng dáng của người dân kéo xe chặt tỉa ít ngọn về cho trâu bò.

Theo chân anh Nguyễn Văn V. (SN 1971, trú ở xóm Vạn Xuân, xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ) ....ra rẫy mía nhìn mía đã trổ cờ, xốp ruột, anh không khỏi xót xa.

Anh V. gia đình anh có hơn 2 ha mía nhưng hiện nay gia đình anh chưa bán được một cây nào, thời điểm này đã cuối tháng 3 rồi nên anh rất nóng lòng .

m3

Chưa có lệnh thu mua nên người dân phải chặt tỉa vì mía đã quá tuổi.

Cùng cảnh ngộ với anh Bùi Ngọc S. trú tại xã Giai Xuân thì gia đình anh S..năm nay do có chính sách của xã đồn điền đổi thửa nên diện tích tăng gấp đôi, gia đình anh trồng được khoảng 5 ha.

Với đà thu mua hiện nay, anh V. không biết lúc nào nhà anh mới bán hết các đám mía. “Chắc chắn trọng lượng mía sẽ giảm rất nhiều, nhưng lo nhất vẫn là nguy cơ cháy mía, bên cạnh đó nếu khi nhà máy có lệnh thì không gì riêng tôi và toàn thể nhân dân phải hối hả chặt gấp thì lúc đó chẳng khác gì nhà máy làm khó chúng tôi”, anh V. chia sẻ.

Khác với gia đình anh V.và anh S. thì gia đình ông Trương Văn H. (SN 1971, trú ở xóm Hoàng Trang, xã Tân Xuân, huyện Tân Kỳ) cho biết: “Gia đình ông trồng mía từ nhiều năm nay với hơn 10 sào , thế nhưng khi cây mía thu mua không đảm bảo, giá cả bấp bênh nên gia đình ông chuyển sang trồng cây sắn. Chỉ còn khoảng 2 sào để trồng mía giống vì theo ông V. ông đã sợ cảnh trồng mía nhiều để rồi phụ thuộc, ăn ngủ không yên”.

Người dân bức xúc vì nhà máy thu mua mía quá chậm.

Nhà máy đổ lỗi do trục trặc kỹ thuật.

m1

Do nhà máy chậm thu mua nên số lượng mía của dân tồn đọng khá nhiều.

Chia sẻ với PV, Ông Lê Hồng Văn - Chủ tịch UBND xã Tân Xuân cho biết: “Toàn xã Tân Xuân có 422 ha trồng mía, hiện còn gần 100 ha vẫn chưa thu hoạch. Mặt khác, ông Văn cũng chia sẻ, khi thu hoạch, phía nhà máy đường dồn lệnh thu hoạch nên số lao động để thu hoạch mía không thể đáp ứng được”.

“Trước Tết, lao động về ăn Tết cũng nhiều, ra giêng cũng thế , vì thế phía nhà máy nên ưu tiên cho vùng trồng mía ở địa phương thu hoạch đùng dịp để đáp ứng lao động” - ông Văn đề xuất.

Còn ông Nguyễn Hữu Triển - Phó chủ tịch UBND xã Giai Xuân cho biết: “Toàn xã Giai Xuân hiện còn khoảng 24.000 tấn với hơn 400 ha mía chưa thu hoạch. Khi đến kỳ thu hoạch, việc dồn lệnh của nhà máy, một ngày khoảng 60 xe nên không đủ nhân lực để làm việc”.

“Vừa rồi UBND xã đã có báo cáo việc này trực tiếp lên huyện, hi vọng công ty sẽ có giải pháp tốt nhất cho bà con”, ông Triển mong muốn.

m2

Anh V. rất lo sợ vì mía đã trổ bông quá nhiều mà nhà máy lại thu mua quá chậm.

Trước tình hình trên, nhiều hộ dân bức xúc cho biết, trong thời gian tới sẽ chuyển diện tích trồng mía sang trồng sắn hoặc loại cây trồng khác.

“Đã nhiều năm gắn bó với cây mía nhưng với đà này, sắp tới tôi sẽ chuyển sang trồng sắn. Trồng sắn đỡ lo lắng hơn, nhiều công ty, nhiều người thu mua, hợp giá thì mình bán, còn trồng mía phải lệ thuộc vào công ty mà năm nào cũng gây khó dễ ” – chị H. ở xã Giai Xuân cho biết.

Trao đổi vế vấn đề này, ông Nguyễn Công Trung - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Kỳ cho biết: “Về phía huyện đã nhận được phản ánh của nhiều bà con trồng mía trên toàn địa bàn huyện. Trước mắt huyện đã xuống trực tiếp để chỉ đạo bà con đồng thời yêu cầu nhà máy đường phải có trách nhiệm thu mua kịp thời cho người dân không để tình trạng mía phải chặt ra rồi dồn ứ”.

“Mặc dù từ ngày 13/3 nhà máy đã có lệnh thu mua cho người dân nhưng vẫn còn lẻ tẻ. Nếu tình trạng thu mua như hiện nay thì đến khoảng giữa tháng 4 thì sợ nguồn mía của dân vẫn còn tồn đọng”, anh Trung cho biết thêm.

m4

Nhà máy đường Sông Con, nơi được cho là đã thu mua mía quá chậm khiến bà con bức xúc.

Với những bức xúc của bà con, PV có buổi làm Công ty Cổ phần đường Sông Con để tìm hiểu nguyên nhân.

Giải thích việc phản ánh của người dân, ông Nguyễn Bá Quý - Phó Giám đốc nhà máy đường Sông Con cho biết: “Vào ngày 19/2, do trục trặc về vấn đề kỉ thuật của lò ép, đến ngày 12/3 thì tiếp tục lò hơi của nhà máy bị hư nên ảnh hưởng đến công việc thu mua mía cho người dân”.

“Trong thời gian tới, về phía công ty sẽ có biện pháp tốt nhất để thu mua mía cho người dân. Chỉ còn hơn một tháng nữa là hết mùa nên chúng tôi sẽ cố gắng”, ông Qúy nhấn mạnh.

Nguyễn Tú