Người dám phạt HS mới là người thầy dũng cảm

Hiện nay có nhiều thầy cô sợ HS, giống như xã hội có nhiều công an sợ kẻ cắp, trong gia đình bố, mẹ sợ con v.v.. vì thế giờ đây những người dám phạt HS mới là những thầy cô dũng cảm và đang làm hết trách nhiệm của mình. (Bạn đọc Nguyễn Đức Ngọc)

 

Vụ việc thầy giáo Võ Hải Bình bị HĐKL trường Lê Quý Đôn kỷ luật buộc thôi việc không chỉ gây bất bình cho bạn đọc và hiện nay nó đã trở thành đề tài “nóng” trên Diễn đàn Dân trí.

 

Không chỉ những những đồng nghiệp giáo viên ở khắp mọi nơi lên tiếng bênh vực thầy Bình mà ngay cả những bạn đọc là học sinh, là nhân viên văn phòng, là phụ huynh học sinh đều nhất trí rằng mức kỷ luật với thầy là quá nặng.

 

Chúng tôi xin trích đăng một vài ý kiến điển hình:

 

Bạn đọc: Nguyễn Đức Ngọc 

 

Tôi là hiệu trưởng Trường THPT Gia Bình số 1 Bắc Ninh. Nếu thầy Bình là giáo viên trường tôi, tôi không chọn một hình thức kỉ luật quá nặng như vậy. Đây là một người thầy vừa có trách nhiệm dạy chữ, dạy người, sự việc xảy ra ngoài ý muốn của thầy. Trong nhà trường hiện nay có nhiều thầy cô sợ HS, giống như XH có nhiều công an sợ kẻ cắp, trong gia đình bố, mẹ sợ con v.v.. vì thế giờ đây những người dám phạt HS (tất nhiên phải chọn hình thức cho phù hợp) mới là những thầy cô dũng cảm và đang làm hết trách nhiệm của mình. Đề nghị HĐKL trường Lê Quí Đôn xem lại và kiến nghị với Sở GD&ĐT TPHCM kỷ luật thầy Bình với mức phù hợp.  

 

Bạn đọc: Quang Huy

 

Ngành giáo dục Việt Nam dường như đang mắc chứng bệnh dị ứng với chuyện ngược đãi học đường. Thế nên giờ đây hễ có chuyện gì xảy ra là họ lập tức mạnh tay  “xử lý” để rũ bỏ trách nhiệm, để chứng tỏ rằng họ luôn “trong sạch” và sẵn sàng đuổi việc bất kì “kẻ nào” dám làm “hoen ố” cái sự trong sạch đó.

 

Ừ thì họ đúng về cái lý khi họ đuổi việc thầy Bình. Nhưng về tình thì sao ??? Rồi đây khi trong lớp học sinh hư, hỗn láo với thầy cô thì sao? Có thầy cô nào dám la mắng trách phạt không? Đảm bảo là không vì cái “gương” của thầy Bình còn sờ sờ ra đó... Xót thì xót thế thôi, cảm thông thì cũng chỉ được đôi ba dòng chia sẻ cùng thầy Bình như vậy thôi. Thực tế mà nói tôi thấy hình phạt của thầy là bình thường, chỉ có điều thầy không lường được thể lực của học sinh bây giờ quá yếu mà thôi. Có một điều giờ tôi thắc mắc là: “Học sinh hư nhà trường đuổi học sẽ dễ dàng xin qua một trường khác, không học công lập thì bán công, tư thục. Nhưng giáo viên mắc “khuyết điểm” như thầy bình liệu có xin được việc ở một trường khác hay không? 

 

Bạn đọc: Trần Ngọc Linh 

 

Tôi là một giáo viên trẻ rất nghiêm túc đối với học trò. Với những học trò không ngoan tôi cũng hay sử dụng hình phạt như thầy Bình và sau đó thấy học sinh có tiến bộ. Các em ngồi học trong giờ ngoan và học bài, làm bài khi tới lớp. Tuy nhiên thời gian gần đây có khá nhiều giáo viên bị kỷ luật do phạt học sinh nên tôi cũng không sử dụng các hình phạt như trước, lúc này thái độ học tập của các em khác rất kém, nhất là những em cá biệt.

 

Tôi cũng đã từng là học sinh lười học lại hay phá trong lớp. Cũng nhờ nhưng lần bị phạt nghiêm khắc của thầy cô giáo mà tôi đã cố gắng vươn lên trong hoc tập.

 

Tôi thấy thật đau lòng khi các thầy cô giáo có tâm, nghiêm khắc với học sinh lại bị kỷ luật.

 

Bạn đọc: Nguyễn Xuân Mạnh 

 

Mẹ tôi là giáo viên tiểu học, hồi lớp 3 (năm 1995), tôi học lớp bên cạnh mẹ tôi dạy. Một lần do vay tiền của bạn mua đồ chơi (1.000đ thì phải) mà quên không trả, bạn ấy sang mách mẹ tôi, thế là tôi bị 1 phát tát hộc máu mũi trước mặt cả trăm học sinh giữa giờ ra chơi. Trong khi đó, một cô giáo viên trạc tuổi mẹ tôi vừa mới đây đã phải chịu kỷ luật của phòng đào tạo chỉ vì bắt học sinh nói chuyện riêng úp mặt vào tường.

 

Giáo viên hiện nay chịu quá nhiều sức ép từ phụ huynh học sinh, từ cơ chế của nhà nước. Thế hệ chúng tôi sợ cô giáo hơn sợ cọp nên đã trưởng thành, đã được mấy sếp Hàn Quốc phê là VERY GOOD chỉ vì đã chấp hành đúng nội quy đề ra. Tôi chẳng thông minh gì nhưng nhờ sự nghiêm khắc của bố mẹ, của giáo viên nên bây giờ sắp trở thành kỹ sư. Trong khi đó rất nhiều bạn được bố mẹ nuông chiều thì trượt dốc.

 

Các vị phụ huynh cần hiểu là thương con thì phải nghiêm khắc. Hiện nay nhiều giáo viên tầm tuổi mẹ tôi (xấp xỉ 50) đang phải về hưu non chỉ vì không chịu được áp lực từ học sinh, phụ huynh và cơ chế.

 

Thiết nghĩ từng vị phụ huynh hãy dạy dỗ, nghiêm khắc với con mình hơn là trách cứ thầy cô giáo. Giáo viên chỉ cần phẩy tay 1 cái là học sinh lên lớp luôn, nhưng ra đời người ta chỉ cần phẩy tay 1 cái là đời mình chấm hết.  

 

Bạn đọc: Phi Dai 

 

Đọc tin thầy Bình buộc phải thôi việc, tôi cảm thấy tức và buồn. Buồn cho cả thế hệ dìu dắt học sinh đã và sẽ là trụ cột nước nhà, buồn cho những nhà giáo có tâm với nghề. Tôi cảm thấy sở giáo dục và hội đồng trường Lê Quý Đôn nên xem lại chính bản thân mình tại sao lại ra một quyết định quá đáng tước đi cuộc sống của Thầy. Công đạo và truyền thống Tôn Sư Trọng Đạo, Thương cho roi cho vọt đâu mất rồi? Chính sự không đưa con em chúng ta vào nề nếp, nghiêm khắc dạy dỗ sẽ phá hỏng cả một thế hệ tương lai. Ngẫm nghĩ tôi càng thầm cảm ơn các thầy cô xưa, dù chúng tôi ngày xưa có bị đòn roi, bị la mắng nhưng chính giờ đây khi lớn lên chúng tôi mới thấu hiểu và thương các thầy cô.

 

Chúng ta phải nhìn thẳng vào vấn đề là học sinh ngày nay một phần khó dậy là do một số gia đình chưa thật sự quan tâm đến các em, hay nói cách khác là nuông chiều nên các em quá mức, không cho các em làm bất cứ việc gì dù chỉ là rửa một cái chén, quét một cái nhà, giặt một cái khăn… nên các em không còn biết phụ giúp gia đình hay mở lời chào thầy cô khi bước vào trường.

 

Bộ giáo dục & đào tạo nên xem xét lại rằng ngoài kiến thức, chúng ta nên dạy cho các em thêm cả về đạo đức... chứ đừng để hỏng đi một thế hệ tương lai.

 

Thầy Bình mong thầy sẽ vượt qua khó khăn này, công đạo ở trong lòng người, xin mọi người hãy ủng hộ thầy…