Học sinh mất trật tự và thái độ của thầy cô

Là một học sinh THPT, em nhận thấy hiện nay hiện tượng học sinh mất trật tự trong giờ học đã trở thành chuyện thường ngày, làm cho những bạn có ý thức học nghiêm túc rất khó chịu, chứ chưa nói đến thầy, cô.

Còn có những học sinh xem thường và hay cãi lại thầy cô giáo. Cũng có những thầy cô chán nản, chỉ đến lớp dạy cho xong nhiệm vụ mặc kệ lớp ồn ào lộn xộn, không hiểu bài thì mặc kệ chúng nó! việc của thầy cô chỉ là "dạy chữ"?!

 

Ở lớp em cũng có một số bạn xem thường thầy cô (mặc dù trường em là 1 trường điểm của TP), các bạn ngồi trong lớp nói chuyện làm cho những bạn xung quanh cũng khó chịu chứ đừng nói đến thầy cô, các bạn đó bị ghi sổ đầu bài và bị đuổi ra đứng ở 1 góc lớp để cầm vở chép bài... Nhưng có phải 1 lần rồi hết đâu? bị phạt rồi, bị ghi sổ đầu bài rồi, bị mời phụ huynh rồi, bị đưa ra kỉ luật trước lớp rồi... Nhưng chứng nào tật nấy! tiết khác cũng gây rối làm phiền mọi người, một số thầy cô "không thèm" nhắc nhở nữa vì đã chán nản rồi...

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Hồi học lớp 9, em được học một cô giáo nghiêm khắc nhất trường làm chủ nhiệm. Lúc xa cô rồi mới biết, mới hiểu được tấm lòng của cô! Ở xã hội nào, thời đại nào đi nữa thì cũng có người "đặc biệt" mà thôi. Học sinh cá biệt ư? đối với cô thì không có học sinh nào là "cá biệt" mà chỉ có những "người con" chưa ý thức được về những điều mình đã làm và hệ lụy của nó mà thôi. "Học hết sức! chơi hết mình!" đó là khẩu hiệu của lớp em, nhưng đáng tiếc là có những lệch lạc mà cô thấy cần uốn nắn. Không có 1 bạn nào trong lớp em là chưa bị cô đánh đâu ạ! mà cô đã đánh thì đánh rất đau, ba bốn ngày sau vẫn chưa hết dấu! Vì sao chúng em bị cô đánh? Một số bạn thì mất trật tự trong giờ học(lỗi này là bị đánh nặng nhất, nằm lên trên bàn và cô cầm cây thứơc đánh vào mông..); một số thì không học thuộc bài hoặc là lên bảng làm bài tập mà quên một số kiến thức cơ bản thì bị khẻ tay... Lúc bị cô đánh thì chúng em ức lắm ạ (con nít mà, có ai muốn bị đánh đau đâu!) nhưng nhờ những cái đánh đau đó chúng em mới cố gắng làm thế nào để không bị cô đánh nữa! học tốt hơn, nề nếp tốt hơn, hoạt động tốt hơn...Cô không chỉ "dạy chữ" cho chúng em không thôi mà còn dạy cho chúng em "làm người" nữa! Những lúc dạy thì cô rất nghiêm khắc như "người cha" nhưng có những lúc cô lại như một "người mẹ". Cô rất hiểu tâm lý học sinh, hiểu cá tính từng đứa, và biết phải làm gì để dạy cho chúng em nên người. Không chỉ có dạy ở trên lớp mà cô còn nắm rõ được những hành động của những bạn "đặc biệt" nữa... Cô là người giáo viên mà bất cứ ai cũng phải kính nể!

 

Qua những bài viết mà em đã đọc về thầy Bình ở Trường Lê Quý Đôn (TPHCM) thì em thấy nếu ngành giáo dục để mất đi một thầy giáo như thầy Bình thì đã làm mất đi một nhà giáo "vừa có tầm, vừa có tâm"! Không thể chỉ vì một tai nạn ngoài ý muốn như thế mà buộc thầy phải thôi việc! như thế thì liệu các nhà giáo khác có còn phạt học sinh khi học sinh vô lễ hay làm mất trật tự trong giờ học nữa không? hay là mặc kệ?Như thế thì ngành giáo dục sẽ đi lên hay đi xuống? nếu cứ đà này thì Giáo Dục sẽ như thế nào? nhân đây thì em cũng xin nói luôn. Các môn học "chính" như toán lý hoá...(TN), văn...(XH) và môn "phụ" như Giáo Dục Công Dân... GDCD là 1 môn "phụ" ư? chắc chắn răng không chỉ các học sinh mới cho đó là môn phụ mà các thầy cô cũng nghĩ là như thế đó ạ! Thiết nghĩ dạy để làm gì và học để làm gi??? (em xin lỗi vì đã đi quá xa với vấn đề)  Em mong Hội đồng kỉ luật trường THPT Lê Quý Đôn  xem xét và rút lại quyết định kỷ luật thầy Võ Hải Bình.

 

                                                                            Nguyễn Thị Hồng Phước

 

LTS Dân trí - Đọc bài viết trên thấy mừng vì một học sinh THPT (không biết là lớp 11 hay 12) mà có suy nghĩ chín chắn như thế, câu văn lại khá mạch lạc, ý tứ chặt chẽ. Các thầy cô giáo có được một học sinh như vậy chắc hẳn phải vui lòng.

 

Qua bài viết này, cũng làm nổi lên một điều hệ trọng là Cái Tâm của Thầy Cô. Nếu thật lòng thương yêu học sinh, coi học sinh như con của mình, hết lòng hết sức vì sự tiến bộ của chúng thì sẽ cảm hóa và răn dạy được học sinh của mình bằng sự nghiêm khắc của “người cha” và tấm lòng yêu thương của “người mẹ”. Chỉ có như vậy thì người giáo viên mới làm tròn trách nhiệm “trồng người”.

 

Em học sinh viết bài trên đây cũng tỏ rõ thái độ rất bất bình đối với những bạn học sinh hay gây mất trật tự trong giờ học và vô lễ với thầy cô giáo; em cũng không đồng tình với thái độ tiêu cực của một số thầy cô, mặc cho học sinh muốn làm gì thì làm, miễn là dạy hết nội dung quy định của mỗi giờ học. Như vậy là chỉ quan tâm “dạy chữ” mà coi nhẹ việc “dạy người”.

 

Với suy nghĩ đúng đắn như vậy, em đã mạnh bạo lên tiếng bênh vực Thầy Võ Hải Bình, một thầy giáo “vừa có tầm, vừa có tầm”. Buộc những thầy giáo như vậy thôi việc thì nền giáo dục của nước nhà sẽ đi lên hay đi xuống ?!

 

Đấy là câu hỏi thuộc về trách nhiệm trả lời của những người làm nhiệm vụ quản lý ngành giáo dục ở TPHCM.

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm