Hậu Giang:
Ngủ cũng phải đeo khẩu trang vì mùi hôi từ nhà máy phân hữu cơ
(Dân trí) - Hơn chục năm qua, các hộ dân tại khu vực 5, phường Hiệp Thành, TP Ngã Bảy (Hậu Giang) ngày đêm hứng chịu mùi hôi thối và ruồi nhặng bủa vây. Nguyên nhân xuất phát từ một nhà máy sản xuất phân hữu cơ.
Nhà cách bể nước thải của nhà máy sản xuất phân bón khoảng 10m, luôn là điều khiến ông Huỳnh Khì cảm thấy bất an. Ông cho biết, mỗi lần hệ thống nước thải hoạt động, mùi hôi lại tấn công vào nhà, xộc lên mũi rất khó chịu.
"Cả nhà tôi đều làm thuê, đi cả ngày đến tối mới về nhưng hầu như chẳng thể nghỉ ngơi trọn vẹn vì hôi quá không dám thở mạnh. Đóng cửa kín mít hết nhưng chẳng ăn thua.
Ai ở đây cũng muốn dọn đi chỗ khác sống nhưng chẳng biết lấy tiền đâu vì đều là dân lao động chân tay, thu nhập thấp", ông Khì bất lực nói.
Không khí ô nhiễm, kéo theo ruồi nhặng làm đảo lộn cuộc sống của người dân. Mỗi ngày ông Khì phải sử dụng đến 10 tấm miếng dán ruồi nhưng cũng chỉ là "dã tràng xe cát", tốn kém nhưng không hiệu quả.
Nằm ngủ phải đeo khẩu trang
Tương tự ông Khì, cụ Nguyễn Thị Của (88 tuổi) bức xúc nói: "Hôi quá ngủ không được nên phải đeo khẩu trang, mà đeo vào thì thở không được. Cứ hôi quanh năm suốt tháng như vậy không ai chịu nổi hết. Tôi muốn bán nhà cửa chỗ này rồi dọn đi chỗ khác ở cho xong, nhưng chẳng ai dám mua vì biết ở đây ô nhiễm dữ lắm".
Trên bờ là ruồi nhặng và mùi hôi tấn công, còn dưới sông, dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi tanh từ ống xả nước thải của nhà máy khiến người dân vô cùng lo ngại. Anh Trần Văn Minh cho biết, đây là nhánh sông lớn đổ ra sông Ngã Bảy, cứ đến nước ròng nhà máy này lại xả nước trực tiếp ra sông, hoặc mỗi khi phơi nguyên liệu phân hữu cơ phát ra mùi hôi rất khủng khiếp.
"Tình trạng này diễn ra rất lâu rồi, bà con ý kiến nhiều lần nhưng tới nay chưa được giải quyết triệt để. Có lúc mọi người bức xúc quá phản ánh với chủ nhà máy thì mùi hôi và nước dơ giảm được ít ngày nhưng sau đó đâu lại vào đấy. Người dân ở đây chỉ yêu cầu ngành chức năng có biện pháp can thiệp, trả lại môi trường sống yên bình cho mọi người", anh Minh bày tỏ.
Qua tìm hiểu, cơ sở sản xuất phân bón gây ô nhiễm được người dân phản ánh là Công ty TNHH MTV Phân bón hữu cơ Đậm Đặc (gọi tắt Công ty phân bón Đậm Đặc), công ty này nằm trong cụm khu công nghiệp của phường Hiệp Thành.
Trước đó vào ngày 1/2, Công ty phân bón Đậm Đặc đã bị Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Hậu Giang lập biên bản vi phạm các lỗi: không vận hành hệ thống xử lý nước thải; có phát sinh mùi hôi thối ra môi trường; không cung cấp được hợp đồng liên quan đến hoạt động thu gom và xử lý chất thải rắn. Đồng thời đã yêu cầu công ty khắc phục trong 7 ngày kể từ ngày 1/2. Thế nhưng đến nay tình trạng mùi hôi vẫn không cải thiện.
Ông Phạm Hoài Bạch - Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Thành cho biết, trước đây, qua các lần kiểm tra cũng có nhắc nhở xử lý vấn đề môi trường tại công ty này.
"Trước mắt địa phương tiếp tục đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra để xử lý theo đúng quy định. Việc sản xuất gây ô nhiễm môi không đảm bảo yêu cầu ngành chức năng cấp trên phối hợp xử lý đúng theo quy định hiện hành", ông Bạch thông tin thêm.
Công ty thừa nhận có gây ô nhiễm
Liên quan đến vụ việc, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Nam Bình - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Phân bón hữu cơ Đậm Đặc thừa nhận việc người dân phản ánh là đúng sự thật.
Ông Bình phân trần: "Nguyên nhân thời điểm đó công ty tiếp nhận nguyên liệu đầu vào quá tải, đồng thời máy đảo trộn phụ phẩm từ vỏ, hạt xoài bị hỏng nên số nguyên liệu đầu vào không được xử lý kịp thời dẫn đến việc mùi hôi trong 15 ngày".
Còn về phía nước thải, công ty cho rằng lượng nước thải trong quá trình ủ phân hữu cơ là có, nhưng không đáng kể nên chưa thể khẳng định nước sông bị đen từ đơn vị gây ra. Mặt khác, doanh nghiệp hiện đang áp dụng hệ thống xử lý nước thải theo đúng quy định.
"Sự việc trên là sự cố ngoài ý muốn, công ty nhìn nhận thiếu sót, đồng thời sẽ thành lập đoàn đến gặp người dân để xin lỗi.
Về phía mùi hôi, chúng tôi sớm cải tạo lại bãi phơi trộn nguyên liệu đầu. Hiện bãi này có diện tích 7.000m2, sức chứa 300 tấn, hiện đang ủ phụ phẩm từ trái xoài làm phân hữu cơ.
Trước mắt sẽ lắp hệ thống tưới tự động men vi sinh để đẩy nhanh quá trình phân hủy. Đồng thời, nâng cấp thêm phần tường bao quanh để ngăn nước thải rịn ra môi trường trong quá trình phơi ủ nguyên liệu đầu vào", ông Nguyễn Nam Bình cho hay.