Bình Định:

Nhà máy nước 35 tỷ đồng "quên" lắp đường ống kết nối đến hộ dân?

Doãn Công

(Dân trí) - Hàng ngàn hộ dân sống cạnh nhà máy nước sạch 35 tỷ đồng ở Bình Định nhưng vẫn "khát nước".

Nhiều người dân xã Bình Nghi (huyện Tây Sơn, Bình Định) phản ánh, Nhà máy cấp nước sinh hoạt trên địa bàn xã theo dự kiến được đưa vào sử dụng năm 2021, tuy nhiên đến nay vẫn "bất động", khiến nhiều hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Nhà máy nước 35 tỷ đồng quên lắp đường ống kết nối đến hộ dân? - 1

Nhà máy nước sinh hoạt xã Bình Định được đầu tư 35 tỷ đồng nhưng chậm đưa vào sử dụng, ảnh hưởng đến đời sống người dân (Ảnh: Văn Lâm).

Cứ đến mùa khô hạn, gia đình ông Nguyễn Văn Khương (xã Bình Định, huyện Tây Sơn, Bình Định) phải tốn thêm khoản chi phí mua nước đóng bình để nấu ăn.

Ông Khương cho biết, mặc dù nhà có giếng đào nhưng lại không thể sử dụng vì giếng cạn và nước nhiễm phèn nhẹ nên chỉ sử dụng để tắm, giặt quần áo.

"Cứ tới mùa khô, nước giếng cạn nên phải dùng nước bình để nấu ăn, rất tốn kém. Trong khi đó, nhà máy nước xây dựng xong từ năm ngoái đến nay vẫn chưa hoạt động", ông Khương nói.

Nhà máy nước 35 tỷ đồng quên lắp đường ống kết nối đến hộ dân? - 2

Người dân xã Bình Nghi mòn mỏi chờ nước sạch (Ảnh: Doãn Công).

Theo người dân địa phương, các giếng đào, thậm chí giếng khoan, bị "đứt mạch" nước ngầm vào mùa khô là do việc khai thác quá mức dưới sông Kôn.

Ông Nguyễn Văn Hùng (58 tuổi, thôn Thủ Thiện Thượng, xã Bình Định) cho biết: "Trước đây, gia đình tôi dùng giếng đào, nguồn nước dồi dào. Tuy nhiên, vài năm nay, do việc khai thác cát dưới sông Kôn quá mức nên giếng đào cạn đáy. Bà con phải tốn tiền khoan giếng nhưng có khi trúng mạch phèn, không sử dụng được, buộc phải khoan mới, tốn thêm tiền".

Nhà máy nước 35 tỷ đồng quên lắp đường ống kết nối đến hộ dân? - 3

Cứ đến mùa khô hạn, gia đình ông Nguyễn Văn Khương phải mua nước bình về nấu ăn (Ảnh: Văn Lâm).

Qua tìm hiểu, Nhà máy cấp nước sinh hoạt đóng tại xã Bình Nghi do UBND huyện Tây Sơn làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư 35 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ 2017 đến 2021.

Công trình có trạm xử lý nước công suất 2.500m3/ngày đêm, cung cấp nước sạch cho hơn 4.000 hộ dân. Đến nay, công trình vừa được nghiệm thu, bàn giao nhưng vẫn chưa đưa vào hoạt động vì còn nhiều bất cập.

Nhà máy nước 35 tỷ đồng quên lắp đường ống kết nối đến hộ dân? - 4

Việc khai thác cát quá mức ở sông Kôn được cho là nguyên nhân gây thiếu nước nghiêm trọng ở xã Bình Định (Ảnh: Doãn Công).

Ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, cho hay công trình vừa được nghiệm thu. Huyện đang  rà soát để đăng ký giá nước tạm thời với Sở Tài chính, sau đó công bố giá đến người dân trước khi đấu nối hệ thống cấp nước.

Về nguyên nhân nhà máy chậm cấp nước, ông Hùng cho biết trước đây dự án nhà máy chỉ lắp đường ống 200mm và chỉ lắp đường ống chính dọc quốc lộ 19, không có đường ống kết nối vào ngõ, xóm. Vì vậy, bây giờ phải lắp thêm đường ống nhỏ 60mm, ống 25mm để đưa tới nhà dân.

"Vừa rồi, Hội đồng nhân dân đã phê duyệt chủ trương đầu tư thêm khoảng 5 tỷ đồng cho dự án để xây dựng các tuyến ống nhánh, nhằm cấp nước đến nhiều người dân hơn. Huyện đang khẩn trương triển khai, cố gắng trong năm nay sẽ cấp nước đầy đủ cho bà con", ông Hùng nói.

Ngoài ra, ông Hùng cũng trình bày thêm 3 nguyên nhân khiến nhà máy cấp nước sinh hoạt chậm đưa vào sử dụng. Cụ thể, do quá trình triển khai dự án diễn ra trong khoảng thời gian ảnh hưởng Covid-19; không lường trước được đền bù giải phóng mặt bằng, đưa ra tổng mức đầu tư quá thấp nên phải điều chỉnh; khó khăn về nguồn đất cấp phối cho nhà máy.