Bộ Văn hóa đề nghị chấn chỉnh quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật
(Dân trí) - Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nêu, thời gian qua xuất hiện tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật, không đúng công dụng.
Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở ký công văn số 338/VHCS- QCTT ngày 21/5 về kiểm soát, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Công văn được gửi đến Đài Truyền hình Việt Nam; Đài Phát thanh và Truyền hình các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cục Văn hóa cơ sở nêu, trong thời gian qua xuất hiện tình trạng một số quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật, không đúng công dụng làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạnh, tài sản và niềm tin của người tiêu dùng.
"Nhằm kiểm soát, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo, Cục Văn hóa cơ sở đề nghị các cơ quan, đơn vị kiểm soát chặt chẽ nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và các sản phẩm tương tự trên các phương tiện, đảm bảo nội dung phải trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo theo quy định tại Khoản 1 Điều 19 Luật Quảng cáo", công văn nêu rõ.
Lãnh đạo Cục Văn hóa cơ sở cũng đề nghị các đơn vị kiểm tra các điều kiện quảng cáo được quy định tại Luật Quảng cáo, Luật An toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn thi hành đối với hồ sơ quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và các sản phẩm tương tự trước khi thực hiện quảng cáo.
Đồng thời tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến các tổ chức, cá nhân có liên quan về quy định đối với quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo (Điều 12, Điều 13, Điều 14, Điều 15, Điều 16 Luật Quảng cáo).
Cục Văn hóa cơ sở cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; xác định hành vi vi phạm của chủ sở hữu sản phẩm quảng cáo, chủ phương tiện quảng cáo, chủ doanh nghiệp quảng cáo để phối hợp với cơ quan thanh tra chuyên ngành thuộc lĩnh vực có liên quan xử lý vi phạm theo quy định hiện hành.
Trước đó, ngày 20/5, Ban Tuyên giáo TPHCM cũng gửi công văn tới các hội Văn học Nghệ thuật TP nhằm chấn chỉnh việc một số nghệ sĩ tham gia quảng cáo trên các trang mạng xã hội sai quy định của pháp luật.
Nội dung công văn của Ban tuyên giáo nêu rõ: "Trong thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng và các trang mạng xã hội phản ánh về một số nghệ sĩ tại TPHCM có tham gia bằng nhiều hình thức như đăng bài viết, video clip trên mạng xã hội, trực tiếp giới thiệu quảng cáo về hiệu quả sử dụng một số mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh, tiền ảo… không đúng với quy định pháp luật, làm ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng, tài sản, niềm tin của người tiêu dùng và hình ảnh của các nghệ sĩ".
Ban Tuyên giáo Thành ủy đề nghị các hội Văn học Nghệ thuật thành phố kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng một số hội viên tham gia quảng cáo các sản phẩm không đúng với chất lượng thực tế, vận động hội viên không tham gia quảng cáo nếu nội dung quảng cáo sai lệch, không đúng với chất lượng sản phẩm hàng hóa, gây thiệt hại và ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật trong lĩnh vực quảng cáo qua việc cập nhật thường xuyên các quy định của pháp luật và đăng trên các trang thông tin điện tử, trên website của các hội Văn học nghệ thuật để tuyên truyền cho các hội viên…