Nghệ An: Bức xúc ở nơi hơn 20 năm chưa có "sổ đỏ"
(Dân trí) - 10 hộ gia đình được HTX cắt đất ở cố định, lâu năm… Thế nhưng 23 năm trôi qua đến nay 10 hộ dân này vẫn chưa có bìa đất (GCNQSDĐ). Vụ việc kéo dài qua năm này qua năm khác, khiến các hộ dân bức xúc.
Năm 1992, cửa hàng mua bán HTX Nghĩa Hưng do làm ăn thua lỗ nên đã cắt 10 suất đất bán cho 10 hộ xóm 14 cùng xã đến ở. Thấm thoát đã 23 năm (từ 1992 - 2015) 10 hộ gia đình xóm 14 thuộc xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An vẫn không có mảnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt bìa đỏ).
Mới đây 10 hộ lại tá hỏa khi biết đất mình đang ở thuộc về xã Nghĩa Hiếu (giáp ranh xã Nghĩa Hưng cùng huyện Nghĩa Đàn). Thì họ như ngồi trên đống lửa, 10 hộ viết đơn kêu cứu gửi cơ quan chức năng và PV báo Dân trí phản ánh về sự việc này.
Nhận được đơn của 10 hộ, chúng tôi đã vào cuộc tìm hiểu. Xã Nghĩa Hưng nói chung là vùng đất của người dân đi khai hoang từ 1962. Năm 1989, xã Nghĩa Hưng có xây một dãy cửa hàng mua bán HTX nhằm phục vụ dân sinh.
Đến năm 1992, do làm ăn thua lỗ, nên cửa hàng đã cắt 10 suất đất bán cho các hộ dân có nhu cầu mua để làm nhà ở. Do khu đất ở dọc quốc lộ 48 và sát với khu chợ của xã Nghĩa Hưng nên 10 hộ chạy đôn, chạy đáo, vay mượn anh em, bán tài sản trâu bò để mua đất ở, kinh doanh, buôn bán...
Những năm đầu người dân có hỏi lãnh đạo địa phương đến chuyện bìa đỏ nhưng chính quyền cứ khất lần khất lừa. Năm tháng trôi qua 10 hộ dân tại đây vẫn ráng chờ đợi… Tuy nhiên, mọi người ngạc nhiên là vào năm 1995, khi phân chia địa giới hành chính, thì phần đất của 10 hộ đang ở từ năm 1992 nói trên, sơ đồ 364 của tỉnh Nghệ An đã chuyển về xã Nghĩa Hiếu.
Đến 2012, đơn vị công nghệ thông tin tỉnh Nghệ An về xã Nghĩa Hưng để đo đạc và hoàn thiện hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính. Thêm một lần nữa, khi hoàn thiện hồ sơ và bàn giao cho xã Nghĩa Hưng thì không thấy danh sách 10 hộ của xóm 14 trong đó. Sự việc bị tòi ra, 10 hộ tiếp tục viết đơn kiện cáo, kiến nghị lên huyện và cơ quan chức năng.
Đến ngày 31/7/2015, xã Nghĩa Hưng có báo cáo gửi huyện Nghĩa Đàn: Về việc giải quyết đơn kiến nghị của 10 hộ gia đình xóm 14 xã Nghĩa Hưng.
Trong báo cáo này viết: “Trong quá trình địa phương thực hiện dự án hoàn thiện hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính, đơn vị công nghệ thông tin Nghệ An trực tiếp đo đạc bản đồ xã Nghĩa Hưng đến từng hộ gia đình năm 2012, khi hoàn thiện bàn giao cho địa phương không có hồ sơ của 10 hộ gia đình xóm 14, xã Nghĩa Hưng. Vì căn cứ sơ đồ 364 (năm 1995) số diện tích của 10 hộ này nằm vào địa giới hành chính của xã Nghĩa Hiếu”.
Để giải quyết ổn thỏa những kiến nghị của công dân cũng như vấn đề cấp bìa đỏ, đã có nhiều cuộc họp được đưa ra. Đơn cử cuộc họp ngày 14/8/2015, huyện Nghĩa Đàn đã chủ trì tại trụ sở xã Nghĩa Hiếu. Cuộc họp có ông Nguyễn Hồng Tuấn - Phó chủ tịch UBND huyện, ông Lê Huy Hòa - Trưởng phòng Nội vụ, ông Lê Đức An - Trưởng phòng Tài nguyên môi trường.
Tại cuộc họp này diễn ra khá căng thẳng và vị chủ trì cũng hỏi ý kiến của 10 hộ dân là ở lại xã Nghĩa Hưng hay chuyển về xã Nghĩa Hiếu?. Thì tất cả các hộ dân mong muốn ở lại nơi mình đã từng “chôn nhau cắt rốn”. Tuy nhiên, tại cuộc họp này có một số cán bộ của xã Nghĩa Hiếu bức xúc với 10 hộ dân khi dùng những lời lẽ khiếm nhã, không được như ưng ý, làm mất lòng tin với các hộ dân.
Sau đó, chúng tôi đã có buổi làm việc với chủ tịch UBND xã Nghĩa Hưng, ông Phan Phúc Vinh. Tại đây, ông Vinh đưa ra một bản báo cáo gửi UBND huyện Nghĩa Đàn, trong đó có danh sách 10 hộ gia đình xóm 14 đều nhất trí ở lại xã Nghĩa Hưng chứ không về Nghĩa Hiếu.
Ông Phan Phúc Vinh cho biết: “Năm 1995, tỉnh Nghệ An ra Quyết định 364 phân chia ranh giới hành chính sai thì bây giờ phải làm lại từ đầu. Muốn làm lại thì UBND huyện Nghĩa Đàn phải có báo cáo lên tỉnh… Đó là quy trình cấp lại đất cho 10 hộ ở xóm 14 của xã Nghĩa Hưng đang ở trên đất xã Nghĩa Hiếu”.
Khi được hỏi, hầu hết các hộ dân bức xúc: “Chúng tôi ở đây từ mấy chục năm, mọi đóng góp xây dựng đều ở xã Nghĩa Hưng, rồi tập tục, sinh hoạt, tình làng nghĩa xóm đã quen biết, bây giờ đùng một cái lại cắt về xã Nghĩa Hiếu chúng tôi thấy không đành lòng. Chúng tôi chỉ muốn ở lại mảnh đất của mình, địa giới của mình đã từng sinh sống bấy lâu mà thôi”.
Cũng theo các hộ dân, thì mỗi khi vay tiền ngân hàng, hoặc những giao dịch khác liên quan đến đất như chuyển nhượng, mua bán đều không thực hiện được.
Thể theo nguyện vọng của dân, UBND huyện Nghĩa Đàn thống nhất phương án để 10 hộ của xóm 14 ở lại xã Nghĩa Hưng.
Nhưng vấn đề bìa đỏ của dân thì bao giờ mới có? Một cán bộ huyện Nghĩa Đàn cho biết: “Sắp tới chúng tôi sẽ gửi báo cáo lên UBND tỉnh Nghệ An xin ý kiến chỉ đạo, 10 hộ xóm 14 xin ở lại xã Nghĩa Hưng thì đất cũng phải là xã Nghĩa Hưng chứ không thế đất lại ở Nghĩa Hiếu được”.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Nhóm PV