Ngang nhiên “cướp” đường công cộng tại Kiên Giang: Công an "quên" xử lý hành vi huỷ hoại tài sản?

(Dân trí) - (Dân trí)- Liên quan đến vụ người dân bị hủy hoại tài sản trên tuyến đường dân sinh mà Công ty Hải Lưu ngang nhiên xây dựng lấn chiếm, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Kiên Giang cho rằng, do có 3 lần phá hoại nhưng không ai bị xử lý hành chính nên không có căn cứ để khởi tố vụ án hình sự. Vậy, vấn đề đặt ra là Công an huyện Phú Quốc có "bao che" cho sai phạm, khi "ngó lơ" những lần phá hoại này.

Có bao che cho sai phạm ?

Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) tỉnh Kiên Giang vừa có Quyết định số 229/QĐ-VKS-KT (gọi là QĐ 229) về việc giải quyết khiếu nại liên quan đến ông Phạm Văn Sỹ (ngụ huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) có đơn yêu cầu xem xét Quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Công an huyện Phú Quốc và Quyết định công nhận Quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Viện KSND huyện Phú Quốc trong vụ “Hủy hoại tài sản” xảy ra trên tuyến đường dân sinh từ đầu đường Trần Hưng Đạo xuống biển tại tổ 8, khu phố 7, thị trấn Dương Đông (con đường bị Công ty Hải Lưu ngang nhiên xây dựng lấn chiếm từ nhiều năm qua mà Dân trí đã có nhiều bài phản ánh).

Theo đó, Viện KSND tỉnh Kiên Giang đã bác đơn khiếu nại của ông Phạm Văn Sỹ; công nhận các Quyết định của Công an huyện Phú Quốc và Viện KSND huyện Phú Quốc là có căn cứ, đúng pháp luật.

Ngang nhiên “cướp” đường công cộng tại Kiên Giang: Công an "quên" xử lý hành vi huỷ hoại tài sản? - 1
Quyết định 229 của Viện KSND tỉnh Kiên Giang bác đơn khiếu nại của ông Phạm Văn Sỹ. Trong quyết định này, cả người bị thiệt hại và luật sư đều nhận định chưa thỏa đáng, gây thiệt thòi cho người dân.
Quyết định 229 của Viện KSND tỉnh Kiên Giang bác đơn khiếu nại của ông Phạm Văn Sỹ. Trong quyết định này, cả người bị thiệt hại và luật sư đều nhận định chưa thỏa đáng, gây thiệt thòi cho người dân.

Trong QĐ 229, Viện KSND tỉnh Kiên Giang viện dẫn: Theo Điều 143 BLHS, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này, hoặc đã bị kết án về tội này nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì cấu thành tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”.

Theo Viện KSND tỉnh Kiên Giang, trong vụ việc của ông Sỹ, về định giá thiệt hại tài sản, đối chiếu theo Quyết định năm 2012 về đơn giá xây dựng của UBND tỉnh Kiên Giang, thì các lần đập phá nền bê tông chân trụ điện mà ông Sỹ yêu cầu khởi tố có giá trị tài sản bị hủy hoại không đủ 2 triệu đồng, do đó, không đủ định lượng cấu thành tội phạm.

Đồng thời, sau khi có hành vi vi phạm vào ngày 29/7/2015 (đập phá lần 1), ông Trương Công Niệm (Giám đốc Công ty Dịch vụ Bảo vệ Quang Minh) đã bị Công an huyện Phú Quốc xử phạt hành chính 7 triệu đồng và ông Niệm đã chấp hành xong. Các lần sau đó, ông Niệm không có tham gia, còn những người tham gia thì không ai bị xử lý hành chính nên không có căn cứ khởi tố vụ án.

Ngang nhiên “cướp” đường công cộng tại Kiên Giang: Công an "quên" xử lý hành vi huỷ hoại tài sản? - 3
Việc cơ quan chức năng khi định giá thiệt hại nhưng không tính đến tiền thuê nhân công, để rồi ra quyết định giá trị thiệt hại không đủ để khởi tố vụ án hình sự là không thuyết phục.
Việc cơ quan chức năng khi định giá thiệt hại nhưng không tính đến tiền thuê nhân công, để rồi ra quyết định giá trị thiệt hại không đủ để khởi tố vụ án hình sự là không thuyết phục.

Nhận định về QĐ 229 của Viện KSND tỉnh Kiên Giang, theo một Luật sư ở Kiên Giang khẳng định, QĐ 229 trả lời khiếu nại của ông Phạm Văn Sỹ là không thuyết phục. Bởi, sự việc các lần đập phá tài sản xảy ra vào năm 2015, nhưng các cơ quan chức năng lại áp giá của đơn giá xây dựng năm 2012 là không thể chấp nhận được.

Ngoài ra, cũng theo Luật sư, khi định giá, các cơ quan chức năng chỉ áp giá vật liệu (bê tông,…) mà không tính toán đến tiền thuê nhân công để xác định giá trị thiệt hại về tài sản là chưa chính xác.

Những việc áp dụng quy định, định giá một cách tùy tiện như thế này đã gây thiệt thòi cho người bị thiệt hại, nên cần phải được xem xét lại để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân cũng như xử lý thích đáng những người coi thường pháp luật.

Nhiều lần phá hoại nhưng chỉ một lần công an xử lý hành chính những người phá hoại, sau đó lại cho rằng không đủ cấu thành tội phạm là không chấp nhận được.
Nhiều lần phá hoại nhưng chỉ một lần công an xử lý hành chính những người phá hoại, sau đó lại cho rằng không đủ cấu thành tội phạm là không chấp nhận được.

Trong khi đó, một vấn đề đặt ra ở đây là tại sao lần phá hoại vào ngày 29/7/2015 (lần thứ 1), cơ quan công an xử phạt vi phạm hành chính đối với người hủy hoại tài sản (ông Trương Công Niệm- PV), nhưng các lần sau (3 lần vào các ngày: 6/9, 29//9 và 20/10) thì công an không xử lý hành chính, dù những người phá hoại được người dân xác định là lực lượng của Công ty Dịch vụ Bảo vệ Quang Minh.

“Liệu ở đây, các cơ quan chức năng của huyện Phú Quốc có ngó lơ, bao che cho những hành vi sai phạm của nhóm người này hay không. Việc này, chúng tôi cần sự vào cuộc của cơ quan cấp trên có thẩm quyền xem xét, làm rõ”, người bị thiệt hại đặt nghi vấn và yêu cầu trách nhiệm của cấp quản lý.

Video: Một lần phía ông Sỹ bị phá hoại trụ điện.

Như Dân trí đã có loạt bài phản ánh, vào ngày 4/7/2015, ông Phạm Văn Sỹ (ngụ khu phố 7, thị trấn Dương Đông) thuê người chôn 5 trụ điện để kéo đường điện phục vụ sinh hoạt, kinh doanh. Sau khi làm xong thì một nhóm người của Công ty Dịch vụ Bảo vệ Quang Minh do ông Trương Công Niệm làm Giám đốc, đến ngăn cản, đe dọa rồi nhổ bỏ hết các trụ điện của phía ông Sỹ. Nhóm người này nói là được bà Ngô Thị Phượng (chủ dự án Hải Lưu) thuê ngăn cản không cho ông Sỹ kéo điện.

Ngày 6/9/2015, ông Sỹ tiếp tục thuê đội thợ điện chôn các trụ điện thì nhóm bảo vệ khoảng 9, 10 người từ phía Công ty Hải Lưu đi ra tự ý cắt điện từ ngoài đồng hồ chính rồi nhổ bỏ các trụ điện. Sau đó, phía ông Sỹ gọi cho Công an thị trấn Dương Đông đến lập biên bản khoảng lúc hơn 10h sáng cùng ngày.

Một lần phía ông Sỹ bị hủy hoại tài sản.
Một lần phía ông Sỹ bị hủy hoại tài sản.

Ngày 29/9/2015, ông Sỹ thuê đội thợ điện tiếp tục chôn các trụ điện trên đường dân sinh. Đến khoảng 9h sáng ngày 4/10/2015 thì một nhóm người đến hủy hoại số trụ điện đã chôn.

Ngày 15/10/2015, ông Sỹ tiếp tục thuê đội thợ điện chôn trụ điện chiếu sáng trên tuyến đường dân sinh. Khoảng hơn 9h ngày 20/10/2015, khi đội thợ điện bàn giao cho ông Sỹ 7 trụ điện đã hoàn thành (dưới chân các trụ điện đều có đỗ bê-tông) thì bị một nhóm người từ trong Công ty Hải Lưu đi ra phá bỏ các trụ điện vừa chôn xong.

Theo ông Sỹ, tổng giá trị 4 lần thuê người chôn trụ điện là trên 30 triệu đồng, bao gồm tiền vật liệu và tiền nhân công.

Một hợp đồng thuê người chôn trụ điện của ông Sỹ có giá trị tiền thuê trên 10 triệu đồng.
Một hợp đồng thuê người chôn trụ điện của ông Sỹ có giá trị tiền thuê trên 10 triệu đồng.

Điều đáng nói, với nhiều lần hủy hoại tài sản người khác nêu trên, nhưng cơ quan Công an huyện Phú Quốc lại cho rằng, hành vi của nhóm người trực tiếp hủy hoại (trong đó người bị hại tố do bà Ngô Thị Phượng, ông Trương Công Niệm chỉ đạo) và những người có liên quan lại… không cấu thành tội phạm.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.

H.H