Bạn đọc viết:

Nên áp dụng biện pháp "chép phạt" để giáo dục học sinh vi phạm kỷ luật

PV

(Dân trí) - Tôi cho rằng các biện pháp nhắc nhở, phê bình; thông báo với gia đình là chưa đủ sức răn đe, giáo dục; nhất là các học sinh hư, thường xuyên vi phạm khuyết điểm trong học tập, rèn luyện.

Theo quy định hiện hành tại Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Ban hành Điều lệ Trường tiểu học thì: "Học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập và rèn luyện thì tùy theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp sau: a) Nhắc nhở, phê bình; b) Thông báo với gia đình". Như vậy, nhà trường, giáo viên thực hiện các biện pháp giáo dục học sinh tiểu học khác, ngoài các biện pháp nêu trên là trái với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tuy nhiên, tôi cho rằng các biện pháp giáo dục như nhắc nhở, phê bình; thông báo với gia đình đối với học sinh tiểu học là chưa đủ sức răn đe, giáo dục, nhất là các học sinh hư, thường xuyên vi phạm khuyết điểm trong học tập, rèn luyện. Thực tế nhiều trường hợp các thầy, cô giáo và nhà trường đành... "bó tay" hoặc buông lỏng trong việc uốn nắn, giáo dục các học sinh hư, học sinh lười học tập, vì nếu đưa ra các biện pháp giáo dục khác nghiêm khắc hơn sẽ vi phạm!

Do đó, theo tôi nên quy định thêm biện pháp giáo dục học sinh vi phạm khuyết điểm, nhất là trong học tập, rèn luyện - đó là "chép phạt"!

Nên áp dụng biện pháp chép phạt để giáo dục học sinh vi phạm kỷ luật - 1

Nhiều giáo viên đã áp dụng hình thức yêu cầu học sinh phải chép phạt khi chưa hoàn thành bài tập về nhà.

Tôi có đứa cháu đang học lớp 4, hôm nọ về quê thấy cháu sau khi đi học về thay vì đi chơi chờ cơm tối thì âm thầm mở tập vở ra cặm cụi viết, viết gì đó khá lâu, gần 2 tiếng đồng hồ. Hỏi thì cháu nói đang làm bài tập do cô giáo giao.

Thấy hiện tượng lạ nên tôi tìm hiểu thêm thì ra cháu đang "chép phạt". Lý do, là không hoàn thành bài tập do cô giáo giao cho trước đó và còn quên không mang theo vở bài tập đến lớp.

Có thể nói, đây đang là hình thức giáo dục đơn lẻ của một số giáo viên, thậm chí là trái quy định hiện hành của ngành giáo dục. Tuy nhiên, tôi cho rằng đây là biện pháp giáo dục phù hợp, không quá nặng nề, nhất là không ảnh hưởng gì đến tâm lý, tinh thần đối với học sinh như ý kiến của một số người.

Thực tế hiện nay một số nơi thầy, cô giáo vẫn áp dụng biện pháp như phạt đứng góc lớp, kể cả dùng thước dọa hoặc gõ nhẹ vào tay các cháu, với mục đích là để các cháu tập trung, học tập tốt hơn mà thôi. Do đó, biện pháp buộc học sinh "chép phạt" do vi phạm khuyết điểm như không làm bài tập hoặc không thuộc bài là bình thường.

Chép phạt chỉ là biện pháp yêu cầu học sinh chép đi, chép lại một đoạn văn, một số câu, từ mà các cháu chưa làm hoặc không hoàn thành, không hiểu, làm chưa đúng mà thôi. Thực ra thì không có gì là quá nặng nề, ảnh hưởng đến tinh thần, tâm lý học sinh như một số ý kiến lo ngại.

Có thể nói, đây là cách khá nhẹ nhàng mà một số các thầy, cô giáo tự sáng tạo ra khá độc đáo. Với biện pháp này học sinh không đau đớn gì về thể chất, không hề cảm thấy bị xúc phạm tinh thần hay bị ức chế vì giao bài cho em nào, em đó biết.

Mục đích biện pháp này là giáo dục học sinh chừa tính lười biếng, có ý thức trong học tập. Điều này hoàn toàn khác với việc bị nêu gương trước lớp, trước trường hoặc bị xúc phạm khi bị trách mắng, chửi bới...

Ngoài ra, việc áp biện pháp giáo dục này cũng không gây cảm giác tự ti, xấu hổ đối với học sinh khi bị "phạt" mà còn rèn luyện các cháu tính kiên trì, tự giác. Và mặc dù là hình "phạt" nhưng lại giúp các cháu có thêm kiến thức, học kỹ những nội dung mà các cháu còn chưa sâu, chưa hiểu.

Thiết nghĩ, ngành giáo dục và đào tạo nên xem xét cho phép thực hiện biện pháp "chép phạt". Theo đó, cho phép các nhà trường, thầy, cô giáo áp dụng và nhân rộng hình thức "chép phạt" khi học sinh không làm bài tập, lười học hoặc vi phạm khuyết điểm khác liên quan đến học tập, sinh hoạt.

Điều này không quá nặng nề nhưng hiệu quả, khoa học, độc đáo; vừa nhẹ nhàng, nhân văn và có tính giáo dục cao, nhất là đối với những học sinh hư, vi phạm nhiều lần, vi phạm có hệ thống mà các biện pháp hiện hành chưa đủ sức răn đe, giáo dục, chấn chỉnh.

    Luật gia Phạm Văn Chung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm