Vụ nữ sinh tự tử vì bị kỷ luật: Hành xử trái với đạo đức nhà giáo!

(Dân trí) - "Tôi đã khóc khi thấy cô giáo ấy nhẫn tâm bêu riếu cái chết hụt của em ấy mà nhẽ ra cô ấy phải ân hận mới đúng, phải mừng vì điều không may đã không xảy ra. Vô cảm quá, ác quá!"

Như Dân trí đã thông tin, một nữ sinh lớp 10 của Trường THPT Vĩnh Xương (TX Tân Châu, An Giang) đã để lại thư tuyệt mệnh và uống thuốc tự tử ngay tại trường, để minh chứng mình không vi phạm như quyết định xử lý của trường. Thật may hiện sức khỏe của em đã ổn định.

Theo thông báo về việc học sinh vi phạm điều lệ trường THPT năm học 2020-2021, do Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Xương ký ngày 27/11, em N.T.N.Y (học lớp 10A4) đã mắc sai phạm: Phản ánh không đúng sự thật; Gây hiểu lầm trong quan hệ nhà trường và gia đình; Gây ảnh hưởng không tốt đến danh dự và uy tín nhà giáo; Sử dụng điện thoại di động để ghi âm giáo viên trong giờ học.

Vụ nữ sinh tự tử vì bị kỷ luật: Hành xử trái với đạo đức nhà giáo! - 1

Y đang được điều trị tại BV Nhi đồng 2. Em cho biết: "Em không biết mỗi ngày khi đến trường mọi người sẽ nhìn em như thế nào vì nếu đọc bản kiểm điểm trước toàn trường thì các phụ huynh khác sẽ về hỏi ba mẹ em nữa...". Ảnh: vietnamnet.vn

Trường xử lý Y. phải viết kiểm điểm và thực hiện cấm túc hằng ngày trong vòng 2 tuần kể từ ngày 1/12 đến ngày 12/12. Trong quyết định, Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Xương còn yêu cầu nữ sinh Y. phải có mặt tại trường từ 6h30 đến 6h50 từ thứ 2 đến thứ 7 để các cô của trường luân phiên dạy quy tắc ứng xử đạo đức và tham gia lao động tại trường…

Lãnh đạo Sở GD&ĐT An Giang cho biết, sau khi xác minh, làm rõ các nội dung, tình tiết có liên quan đến vụ việc trên, ngoài các hạn chế, thiếu sót của lãnh đạo Trường THPT Vĩnh Xương, Sở GD&ĐT An Giang nhận thấy, trong công tác tổ chức, quản lý và biện pháp xử lý của nhà trường còn một số sai sót, cụ thể:

- Tổ chức dạy thêm, học thêm trong trường không đúng với quy định của ngành (Dạy thêm học thêm đại trà cho tất cả học sinh theo lớp chính khóa).

- Có hình thức phê bình, kỷ luật học sinh không đúng với quy định của ngành. Cụ thể, lãnh đạo trường đã nêu họ tên học sinh có vi phạm nội quy trường dưới cờ, làm ảnh hưởng đến tâm lý học sinh và là nguyên nhân dẫn đến sự việc nữ sinh có ý định tự tử.

- Biện pháp giải quyết, xử lý học sinh vi phạm nội quy nhà trường chưa phù hợp, hiệu quả, gây bức xúc đối với phụ huynh học sinh và bản thân học sinh.

Xuất phát từ những hạn chế, sai phạm của nhà trường như đã nêu trên, Sở GD&ĐT An Giang quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Việt Hùm - Hiệu trưởng trường và bà Nguyễn Ngọc Hạnh - Phó Hiệu trưởng trường, trong thời hạn 15 ngày (kể từ ngày thứ Hai, 7/12/2020).

Vụ việc em Y lấy cái chết để phản đối cách xử lý của nhà trường khiến nhiều người băn khoăn về hình thức xử lý học sinh vi phạm hiện nay. 

"Tôi đã khóc khi thấy cô giáo ấy nhẫn tâm bêu rếu cái chết hụt của em ấy mà nhẽ ra cô ấy phải ân hận mới đúng, phải mừng vì điều không may đã không xảy ra. Vô cảm quá, ác quá, đừng để những người có tâm hồn và trái tim vô cảm vậy ở đội ngũ nhà giáo", bạn đọc Trần Đức.

Vụ nữ sinh tự tử vì bị kỷ luật: Hành xử trái với đạo đức nhà giáo! - 2
Nội dung thư "tuyệt mệnh" của Y. viết

Bạn đọc Robin: "Tôi có đọc bài viết được cho là của cô giáo chủ nhiệm của em Y trên mạng, không thể tin là cô vẫn vô cảm, viết kiểu châm biếm dè bỉu. Nếu đúng là cô ấy viết thì đạo đức nhà giáo này quá tệ, không xứng đáng dạy dỗ học sinh".

Bạn đọc Tran Dan cho rằng, "Cần lập ban chuyên án điều tra rõ ràng xem trách nhiệm thuộc về ai và cần có biện pháp xử lý hình sự với những người phạm tội. Học sinh tự tử không thành là do hoàn cảnh vậy nếu việc đó xảy ra thì tội của người trực tiếp gây ra phải bị xử lý như tội giết người! Phê bình là cần thiết nhưng chưa đủ".

"Nhà trường thiếu kĩ năng sư phạm thì pháp luật phải vào cuộc để bảo vệ công dân", bạn đọc Bê Lê.

Nhấn mạnh về yếu tố tâm lý tuổi mới lớn, bạn đọc Nam: "Cần có nhiều biện pháp hơn để cho các giáo viên, nhà trường biết nhiều hơn về tâm lý học. Ở độ tuổi đang lớn lên, sẽ hình thành cho trẻ tư duy và cách ứng xử với xã hội. Công bằng mà nói thì giáo dục bao hàm cả giáo dục về kiến thức, đạo đức, nhân cách và cách ứng xử. Giáo viên phải là một nhân cách tốt để các em noi theo".

Bạn đọc Anh Giang đồng quan điểm: "Nhà trường cùng thầy cô giáo có trách nhiệm liên quan cần xem lại cách cư xử của mình. Ở lứa tuổi này các em dễ bị kích động, chưa có suy nghĩ thấu đáo, nên cách giáo dục cần phải thật tâm lý để tránh những câu chuyện đau lòng xảy ra".

Vụ nữ sinh tự tử vì bị kỷ luật: Hành xử trái với đạo đức nhà giáo! - 3

Nội dung tên tài khoản "Yêu màu tím" được cho là của giáo viên chủ nhiệm lớp em Y, mỉa mai về cái chết của nữ sinh. Hiện ngành chức năng đang xác minh tài khoản này.

 Nhớ lại về một câu chuyện nhân văn trong giáo dục, bạn đọc Letoan ngậm ngùi: "Tôi nhớ lại câu chuyện thầy giáo bịt mắt cả lớp (bản thân thầy cũng bịt mắt) để lục soát học sinh, tìm ra chiếc đồng hồ bị mất trả lại cho trò bị mất, cậu học trò thủ phạm tâm phục khẩu phục tấm lòng người thầy... Cả một câu chuyện nhân văn. Cuộc sống hôm nay đâu có còn không…"

 Nhìn nhận sự việc theo một hướng khác rộng hơn, bạn đọc Mỹ Toàn cho rằng "Việc học bây giờ của các cháu thật áp lực và thật kinh khủng. Con tôi đang học lớp 6 trường ở Tp.HCM, không phải lớp bán trú, mỗi ngày đi học 2 buổi sáng và chiều, đi học luôn sáng thứ bảy. Không biết các thầy cô có trách nhiệm thiết kế chương trình thế nào mà các cháu đi học hết thời gian để thực hành, nghỉ ngơi và vui chơi.

Từ đầu năm đến giờ lịch kiểm tra liên tục, kiểm tra 15 phút, kiểm tra 1 tiết, kiểm tra giữa kỳ rồi chuẩn bị kiểm tra học kỳ 1. Thời gian các cháu học thật sự được bao nhiêu? Cái quan trọng là các cháu học và áp dụng được gì cho cuộc sống các cháu chứ không phải điểm số và thành tích. 

Nói không quá, học sinh bây giời đi học làm cho phụ huynh nghèo lại càng nghèo thêm, đưa đón ngày 4 lượt chưa chưa kể đưa đón đi học thêm thời gian nào làm việc kiếm tiền. Ngày xưa thời những người như tôi chỉ đi học một buổi, một buổi phụ giúp gia đình buôn bán kiếm tiền, làm việc nhà…

Bây giờ các cháu không có thời gian để vui chơi, nghỉ ngơi nói gì phụ giúp gia đình. Các Bộ ngành có trách nhiệm làm ơn xem lại chương trình học của các cháu để không biến các cháu thành con gà công nghiệp trong xã hội hiện đại!"

 "Theo tôi đã đến lúc phải xem xét vấn đề học thêm dạy thêm và quỹ đóng góp tự nguyện của phụ huynh học sinh trong cơ chế thị trường hiện nay một cách nghiêm túc. Nếu một giáo viên hoặc phụ huynh học sinh nào không nhất trí chống lại chủ trương của nhà trường họ sẽ bị cô đơn cô lập. Tại sao lại như vậy? Phải chăng là lợi ích nhóm đã ăn sâu trong môi trường giáo dục. Một số người không nhất trí họ sẽ là người lập dị? Hãy lấy gương của các thầy cô giáo ở vùng sâu vùng xa để suy nghĩ lại mà chấn chỉnh ngay ngành giáo dục trả lại môi trường đúng nghĩa thầy ra thầy trò ra trò", bạn đọc Đặng Xuân Diễn.

Xin dẫn ý kiến của bạn đọc Mạnh Linh thay cho lời kết: "Đổi mới trong giáo dục, đổi mới trong phê bình - kỷ luật học sinh cần được triển khai kịp thời,  không thể cứng nhắc hoặc áp đặt như cũ mãi. Học trò mong muốn suy nghĩ, cảm xúc và nhu cầu của bản thân được tôn trọng. Những nhà sư phạm lẽ ra phải hiểu hơn ai hết điều này".