Mua xe không giấy tờ, bỏ xe khi vi phạm là xong?

Khả Vân

(Dân trí) - Quyết định xử phạt luôn tồn tại hiệu lực và cá nhân, tổ chức vi phạm dù có bỏ lại phương tiện, trốn tránh nghĩa vụ thi hành việc xử phạt cũng không làm mất đi trách nhiệm của người vi phạm.

Trước thực trạng nhiều chủ xe máy khi vi phạm giao thông, sẵn sàng bỏ lại xe để "né" phạt vì giá trị xe thấp hơn so với số tiền phải nộp phạt, độc giả Dân trí băn khoăn, vậy bỏ xe không đóng phạt là đã hết trách nhiệm pháp lý?.

Cũng có ý kiến cho rằng suy nghĩ này là sai lầm bởi sau khi hết thời hạn giam xe, cơ quan ra quyết định xử phạt sẽ gửi biên lai về địa phương nơi người vi phạm cư trú. 

Giải đáp những thắc mắc trên của độc giả, luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp trị, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: xe máy, ô tô là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu với phương tiện được gọi chính xác là Đăng ký xe.

Trong xã hội có nhiều lý do để một người sở hữu sẽ từ bỏ quyền sở hữu nhưng cũng có trường hợp quyền sở hữu bị chiếm đoạt trái pháp luật. Hành động chiếm hữu trái pháp luật có thể là trộm cắp, cướp, cưỡng đoạt tài sản hoặc kết quả của việc tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có.

Mua xe không giấy tờ, bỏ xe khi vi phạm là xong? - 1

Lực lượng chức năng cho biết, do một số người có tâm lý bỏ phương tiện khi giá trị của xe nhỏ hơn số tiền phạt vi phạm, điều này làm tăng số lượng xe bị tạm giữ (Ảnh: Tiến Thanh).

Mua xe cũ, mua xe không có giấy tờ luôn ẩn chứa những rủi ro rất lớn về pháp lý. Nếu người mua biết rõ, nhận thức hoặc tiếp nhận ý chí từ người bán rằng đó là xe gian, xe do phạm tội mà có thì người mua có dấu hiệu phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Hình phạt đối với tội danh này theo điều 323 BLHS năm 2015 lên tới 15 năm tù giam.

Trường hợp mua bán xe cũ, xe không giấy tờ thì người mua chỉ đạt được mục đích sử dụng, còn quyền sở hữu hợp pháp không được chuyển giao từ người bán sang người mua, người mua không xác lập được quyền sở hữu hợp pháp.

Cá nhân mua xe máy cũ không sang tên xe thì bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng theo khoản 4, khoản 7 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 17 và khoản 36 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP có quy định về trường hợp mua xe cũ không sang tên.

Việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ là xử lý người thực hiện hành vi phạm quy định đảm bảo an toàn giao thông, không phải xử phạt phương tiện. Cơ quan chức năng tạm giữ xe để đảm bảo thi hành các quyết định xử phạt, ngăn chặn.

Quyết định xử phạt luôn tồn tại hiệu lực và cá nhân, tổ chức vi phạm dù có bỏ lại phương tiện, trốn tránh nghĩa vụ thi hành việc xử phạt cũng không làm mất đi trách nhiệm của người vi phạm.

Thậm chí cứ mỗi ngày chậm nộp tiền phạt sẽ phải nộp thêm 0,05% tính trên tổng số tiền phạt chưa nộp (điều 78 luật Xử lý vi phạm hành chính).

Người vi phạm sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt theo điều 86 luật xử lý vi phạm hành chính. Việc cưỡng chế có thể là khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản.

Người vi phạm còn có thể bị kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá. Bên cạnh đó, người vi phạm còn có thể bị thu tiền, tài sản khác do cá nhân, tổ chức khác đang giữ, trong trường hợp cố tình tẩu tán tài sản.

Khoản 15 điều 3 Thông tư 24 năm 2023 của Bộ Công an, người vi phạm trật tự, an toàn giao thông mà không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thì chưa được giải quyết đăng ký xe. Sau khi chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm, mới được đăng ký xe theo quy định.

Do vậy trước đây việc quản lý hành chính dân cư chưa hoàn thiện thì hành vi trốn tránh các nghĩa vụ có thể thực hiện được, cơ quan chức năng khó tìm kiếm, phát triển, thực thi việc xử phạt, cưỡng chế. Còn trong điều kiện hiện nay, việc có căn cước công dân gắn chíp, hệ thống định danh điện tử, quản lý công dân bằng dữ liệu điện tử thì các khó khăn của cơ quan chức năng đã giảm bớt, các hành vi trốn tránh không còn điều kiện để tồn tại.

Bởi đó để góp phần xây dựng một xã hội văn mình, có ý thức chấp hành pháp luật thì mọi công dân đều cần có ý thức tôn trọng các quy tắc đạo đức, quy định pháp luật.