Thái Bình:

Một thương binh kêu oan khi bị quy kết làm giả hồ sơ đề nghị xét tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng

(Dân trí) - Bị cơ quan CSĐT Công an huyện Vũ Thư (Thái Bình) khởi tố về tội “Làm giả giấy tờ tài liệu của cơ quan, tổ chức” trong quá trình thực hiện hồ sơ đề nghị xét tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho cụ ngoại, ông Bùi Quang Tú (SN 1952) cho rằng mình bị oan do chỉ là người dân được cán bộ nhà nước hướng dẫn thực hiện thủ tục.

Báo Dân trí nhận được Đơn kêu cứu khẩn cấp của ông Bùi Quang Tú, trú tại thôn Mỹ Bổng, xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình là Bị can trong vụ án “Làm giả giấy tờ tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo điều 267 BLHS.

Nội dung đơn của ông Tú cho biết: “Tôi đã bị cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố về tội đồng phạm làm giả tài liệu của cơ quan, tố chức. Việc khởi tố tôi đồng phạm với Phạm Hữu Thành làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức là vi phạm với quy định của pháp luật. Tôi xin trình bày nội dung sự việc của tôi như sau: Tôi là chắt ngoại của cụ Phạn Thị Tý và là cháu ngoại của liệt sĩ Vũ Văn Tề. Năm 2013 tôi được biết thông tin của UBND xã Việt Hùng thông báo trên loa gia đình nào có liệt sĩ thì làm hồ sơ đề nghị xét tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Tôi đã về nhà bàn với họ hàng để làm hồ sơ cho cụ của chúng tôi. Mọi người trong gia tộc đã thống nhất ủy quyền cho tôi làm hồ sơ. Tôi đã làm hồ sơ kê khai và nộp cho anh Phạm Hữu Thành là cán bộ của Sở Lao động và thương binh xã hội tỉnh Thái Bình.

Một thương binh kêu oan khi bị quy kết làm giả hồ sơ đề nghị xét tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng - 1
Một thương binh kêu oan khi bị quy kết làm giả hồ sơ đề nghị xét tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng - 2

Kết luận điều tra quy kết thương binh Bùi Quang Tú phạm tội “Làm giả giấy tờ tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Kết luận điều tra quy kết thương binh Bùi Quang Tú phạm tội “Làm giả giấy tờ tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Sau đó khoảng tháng 4/2014, tôi được anh Thành gọi điện đến để hoàn thiện lại hồ sơ. Tôi đến phòng làm việc của anh Thành và anh Thành đưa cho tôi ký vào tờ giấy đã đánh máy sẵn nội dung. Tôi cũng có nói với anh Thành nếu không đủ tiêu chuẩn thì thôi. Anh Thành bảo tôi là cứ yên tâm và đọc cho tôi viết bản cam kết, tôi viết xong và ký vào bản cam kết và đưa cho anh Thành, anh Thành nói hồ sơ của bác đã xong.

Đến ngày 24/07/2014, UBND xã mời tôi lên để thống nhất ngày đón danh hiệu truy tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Buổi lễ được tổ chức tại nhà tôi, mọi chi phí do gia đình tôi tự lo. Sau khi ngày lễ diễn ra khoảng 7 ngày thì gia đình tôi mới được mời lên nhận số tiền là 18.830.000 đồng (Mười tám triệu tám trăm ba mươi nghìn đồng).

Sau đó, đến tháng 11/2015 tôi lại nhận được Quyết định khởi tố tôi là đồng phạm của Phạm Hữu Thành trong vụ án Phạm Hữu Thành cùng đồng phạm can tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức. Việc cơ quan điều tra kết luận tôi: “… Tuy không trực tiếp làm ra các tài liệu giả đó nhưng đã ký vào một số văn bản và viết tờ cam kết theo yêu cầu của Phạm Hữu Thành khi biết rõ nội dung không đúng thực tế. Đó là hành vi giúp sức cho việc làm của Phạm Hữu Thành”, Cơ quan điều tra đã kết luận tôi là đồng phạm của Phạm Hữu Thành là không đúng sự thật. Vì tôi là người dân, khi nhận được thông báo là gia đình có liệt sĩ thì sẽ được phong là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, vì ông tôi là liệt sĩ nên chúng tôi mới làm hồ sơ để được phong tặng danh hiệu với ý nghĩ là sẽ làm rạng danh của gia tộc. Chúng tôi không biết tiêu chuẩn để được tặng danh hiệu cần những điều kiện gì?

Chúng tôi chỉ biết rằng gia đình mình có ông là liệt sĩ thì làm hồ sơ gửi đến cơ quan có thẩm quyền để xét tặng danh hiệu cho gia đình chúng tôi. Khi tôi nộp hồ sơ được anh Thành là cán bộ nhà nước hướng dẫn kê khai, đồng thời đánh máy sẵn các loại giấy tờ để tôi ký và đọc cho tôi viết cam kết. Bản thân tôi là người dân nên tôi tin tưởng việc anh Thành làm là đúng, tôi nghĩ chắc cán bộ nhà nước làm thì không sai nên tôi ký với mong muốn cụ tôi được vinh danh thì dòng họ nhà tôi sẽ được động viên về mặt tinh thần. Khi UBND xã mời tôi lên để chuẩn bị lễ đón rước, chúng tôi sẵn sàng tự nguyện bỏ ra kinh phí để tổ chức chứ không mong đợi lợi ích vật chất kèm theo, nếu có cũng để xây nhà thờ cúng cụ tôi và ông tôi là liệt sĩ Vũ Văn Tề.

Như vậy, việc cơ quan điều tra kết luận tôi đồng phạm vì có hành vi giúp sức cho việc làm phạm tội của Phạm Hữu Thành là không đúng. Vì tôi không cố ý thực hiện một tội phạm, tôi ký vào bản cam kết là do anh Thành yêu cầu cam kết mới được tặng danh hiệu và anh Thành cũng không giải thích cho tôi điều kiện để được cấp danh hiệu. Vì anh Thành là cán bộ nhà nước nên tôi tin là anh Thành làm đúng theo quy định của pháp luật. Tôi cũng không tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc làm giả giấy tờ, tài liệu của anh Thành. Tôi là người dân, ông tôi là liệt sĩ nên tôi mong muốn Cụ tôi được truy tặng danh hiệu để làm rạng danh dòng tộc. Tôi không biết việc làm của anh Thành là vi phạm pháp luật và tôi cũng không giúp sức cho anh Thành phạm tội.”

Một thương binh kêu oan khi bị quy kết làm giả hồ sơ đề nghị xét tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng - 4
Một thương binh kêu oan khi bị quy kết làm giả hồ sơ đề nghị xét tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng - 5

Bản án của TAND huyện Vũ Thư tuyên bị cáo Bùi Quang Tú 6 tháng tù treo bị kháng cáo kêu oan.

Bản án của TAND huyện Vũ Thư tuyên bị cáo Bùi Quang Tú 6 tháng tù treo bị kháng cáo kêu oan.

Vụ án đã được TAND huyện Vũ Thư đưa ra xét xử sơ thẩm. Tại bản án ngày 31/3/2016, bị cáo Bùi Quang Tú được HĐXX nhận định: “Bị cáo Bùi Quang tú là người đứng ra làm chế độ ưu đãi cho cụ Tý được Thành là người biết rõ quy định của pháp luật về tiêu chí hưởng chế độ ưu đãi đã hướng dẫn cho Tú, Tú làm theo ý chí của Thành là đã giúp sức cho Thành phạm tội là đồng phạm với Thành. Hành vi của bị cáo Tú đã giúp sức cho Thành hoàn thành tội phạm nên xếp vai trò thứ hai trong vụ án…Song cũng xét thấy bản thân đã từng có thời gian cống hiến trong quân đội, là thương binh 4/4, là người đang thờ cúng liệt sĩ Vũ Văn Tề, có nơi cư trú rõ ràng, phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, chưa có tiền án tiền sự, nên xử lý bị cáo mức án phù hợp với hành vi của bị cáo đã gây ra, nên áp dụng điểm h,f khoản 1 điều 46, điều 60 Bộ luật hình sự, giảm nhẹ hình phạt và không nhất thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi xã hội là cũng có tác dụng giáo dục”.

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp luật, luật sư Lê Văn Thiệp - Trưởng văn phòng luật sư Toàn Cầu (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Hành vi ký đơn để xin xét duyệt truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng không làm ảnh hưởng tới tính đúng đắn và trật tự xã hội trong lĩnh vực này. Đây không phải là quan hệ pháp luật phổ biến, Văn bản quy phạm pháp luật có tính đặc thù và cá biệt một chủ trương, không phải áp dụng phổ biến mà có đối tượng là gia đình Liệt sĩ đã được công nhận và hưởng chế độ chính sách của nhà nước, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng là phần bổ sung thêm để ghi nhận, vinh danh từ Nhà nước chứ không phải Hồ sơ giả toàn bộ nhằm biến mục đích trục lợi. Đồng thời các giá trị vật chất trong vụ này là quan hệ sở hữu không bị xâm hại.

Tính đúng đắn của chủ trương Truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng không bị ảnh hưởng vì tuy chưa đủ điều kiện nhưng đây cũng là Gia đình Liệt sĩ, người kê khai hồ sơ là Thương binh nên ông Bùi Quang Tú không phải là người xâm hại đến khách thể mà luật hình sự bảo vệ. Người xâm hại đến tính đúng đắn của chủ trương này là Phạm Hữu Thành và Hội đồng xét duyệt Hồ sơ của xã Việt Hùng chứ không phải ông Bùi Quang Tú.Việc lạm quyền hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm của người có thẩm quyền mới là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc sai phạm này, có mối liên quan và có quan hệ nhân quả. Các hành vi ký, đóng dấu, lập tờ trình để được thông qua mới là hành vi trái pháp luật, xâm hại đến quan hệ xã hội được Luật hình sự bảo vệ.

Việc Khởi tố Bị can đối với ông Bùi Quang Tú là không có căn cứ pháp luật, không thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm, hình sự hóa quan hệ pháp luật hành chính, Khỏi tố người không có tội, bỏ lọt tội phạm”.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế