Vụ án Vũ Phan Điền “tàng trữ trái phép chất ma túy” tại Ninh Bình:

Một Quyết định giám đốc thẩm có dấu hiệu trái luật cần hủy bỏ

Liên quan đến vụ việc Quyết định giám đốc thẩm có dấu hiệu trái luật và thiếu căn cứ trong vụ án “Tàng trữ trái phép chất ma túy” xảy ra tại thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình ngày 06/11/2012, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có buổi làm việc với luật sư Nguyễn Hồng Bách - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Công ty luật Hợp danh Hồng Bách và Cộng sự để trao đổi kỹ hơn về một số nội dung đã được đề cập đến trong bài viết trước, nhằm cung cấp thêm thông tin cho bạn đọc.

Luật sư Nguyễn Hồng Bách - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Công ty luật Hợp danh Hồng Bách và Cộng sự.

Luật sư Nguyễn Hồng Bách - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Công ty luật Hợp danh Hồng Bách và Cộng sự.

Những lời khai tiền hậu bất nhất

Trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Hồng Bách khẳng định, Quyết định giám đốc thẩm số 28/2014/HS - GĐT là không có căn cứ và trái pháp luật, bởi các chứng cứ của vụ án là không đủ căn cứ để chứng minh anh Điền đã có hành vi phạm tội “tàng trữ trái phép chất ma tuý” theo Điều 194 Bộ luật Hình sự. Thực tế là dù công nhận việc bắt, khám xét không đúng quy định, cơ quan điều tra có các vi phạm thủ tục tố tụng, lời khai của các nhân chứng có mâu thuẫn nhau. Tuy nhiên, quyết định giám đốc thẩm số 28/2014/HS - GĐT cho rằng “sau khi điều tra lại, các chứng cứ đã được khắc phục”, để từ đó kết luận “có đủ cơ sở để khẳng định Điền có hành vi tàng trữ trái phép chất ma tuý”. Tuy nhiên, các lý do và căn cứ mà quyết định này đưa ra đều không thuyết phúc và trái pháp luật.

Theo luật sư Bách, điểm không thuyết phục và trái luật này thể hiện ở lời khai mâu thuẫn của nhân chứng Long về thời điểm ký biên bản, rồi việc có hay không chứng kiến quá trình xét nghiệm chất ma túy đối với anh Điền.

Tại các phiên tòa thì cách lý giải của ông Long là không có căn cứ, bởi vì theo biên bản phiên toà sơ thẩm ngày 07/3/2013, ông Long khẳng định: “Lúc đó Công an chưa yêu cầu tôi ký biên bản mà đến chiều Công an mới mời tôi ký biên bản và tôi được ký tại công an phường Trung Sơn…. Lúc đó chỉ có tôi và anh Ngọ ký biên bản, bị cáo Điền đã ký hay chưa thì tôi không để ý nhưng lúc đó không thấy bị cáo Điền ở đó” (BL số 123). Xuyên suốt phiên tòa sơ thẩm, ông Long đều khẳng định mình ký biên bản bắt người phạm tội quả tang vào buổi chiều tại Công an phường Trung Sơn, không khai là mình đã ký biên bản vào buổi sáng. Lời khai của ông Long ký biên bản vào buổi chiều là phù hợp với lời khai của Điền: “Tại buổi sáng hôm đó tôi không được ký vào bất kỳ một biên bản nào, đến chiều công an mới bắt tôi ký vào biên bản quản tang và các biên bản khác” (BL số 120, 122).

Tại Biên bản xét nghiệm kiểm tra chất ma túy hồi 10 giờ 05 phút, ngày 06/11/2012, ông Long là người ký tên làm chứng cho việc xét nghiệm chất ma túy đối với anh Điền. Tại cơ quan Điều tra, ông Long khai đã chứng kiến việc xét nghiệm chất ma tuý đối với anh Điền. Tuy nhiên, tại phiên toà phúc thẩm ngày 21/6/2013, ông Long thừa nhận chữ ký trong biên bản xét ghiệm chất ma tuý là của mình nhưng lại khẳng định không được chứng kiến việc Công an xét nghiệm chất ma túy đối với anh Điền, bác bỏ chữ ký của mình trong biên bản (BL 231). Thế nhưng, khi điều tra lại, cũng như tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm lần thứ hai, ông Long lại khẳng định có chứng kiến việc xét nghiệm chất ma túy và có ký biên bản. Tại phiên toà ông khai không chứng kiến là do luật sư, Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên hỏi nhiều quá vì không nhớ nên ông khai là không. Ông Long khẳng định có chứng kiến việc xét nghiệm nước tiểu của Điền.

Lời khai nêu trên của ông Long là không khách quan, bởi vì rõ ràng việc xét nghiệm chất ma tuý đối với anh Điền diễn ra ngay sau khi Công an khám xe và lập biên bản bắt người phạm tội quả tang, không phải phải điều gì quá phức tạp dẫn đến khó nhớ. “Không nhớ” và “không được chứng kiến” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.

Thực nghiệm hiện trường nhiều sai sót

Một điểm đáng chú ý khác, Quyết định giám đốc thẩm số 28/2014/HS - GĐT cho rằng: “Cơ quan điều tra đã tiến hành lập biên bản thực nghiệm điều tra, chụp bản ảnh thực nghiệm điều tra và đưa vào hồ sơ, cho thấy: Với cấu tạo của xe WaveS của Điền thì việc luồn tay vào dưới mặt nạ của xe để lấy túi ni lông có chứa hêrôin là được mà không cần thiết phải sử dụng công cụ hỗ trợ”. Tuy nhiên, kết quả điều tra lại và biên bản thực nghiệm điều tra (BL 295 -296) không thể khẳng định vào sáng ngày 06/11/2012, gói ni lông màu trắng mà Điều tra viên thu giữ đã được đính bằng kim băng vào dây điện phía dưới bên trong mặt nạ đầu xe máy của anh Điền, vì các nhân chứng đều không trực tiếp nhìn thấy, mà chỉ nghe Điều tra viên nói lại. Do đó, kết quả thực nghiệm điều tra là không thể khắc phục được những thiếu sót của Điều tra viên trong việc khám xe và thu giữ vật chứng vào sáng ngày 06/11/2012.

Thứ nữa, việc nhân chứng Đoàn khai trước đó anh này khai không chứng kiến việc Điền bị Công an bắt, bị kiểm tra và phát hiện thấy ma tuý ở dưới mặt nạ xe máy của Điền là vì sợ ảnh hưởng đến công việc. Nay anh Đoàn đã khai rõ anh là người chứng kiến toàn bộ sự việc và khẳng định khi Công an phát hiện ra chất bột dạng cục màu trắng thì Điền khai nhận đó là hêrôin Điền mua về sử dụng”. Tuy nhiên, quá trình điều tra lại không làm rõ anh Đoàn sợ ảnh hưởng đến công việc của mình như thế nào? Việc anh Đoàn khai là chứng kiến việc khám xe, thu giữ hêrôin đối với anh Điền sẽ ảnh hưởng đến công việc của anh Đoàn như thế nào?

Quyết định giám đốc thẩm số 28/2014/HS - GĐT cũng cho rằng: “Tại biên bản ghi lời khai của Điền vào hồi 13 giờ 15 phút ngày 06/11/2012, Điền đã khai cụ thể về việc cân xác định trọng lượng 08 gói chất bột màu trắng và lấy mẫu gửi đi giám định nhưng biên bản mở niêm phong lại thể hiện thời gian lập biên bản là vào hồi 19 giờ cùng ngày. Về vấn đề này, Viện kiểm sát tỉnh Ninh Bình đã có Biên bản làm việc với Điều tra viên có liên quan và được giải thích lý do có sự mâu thuẫn về thời gian nêu trên là vi không có đồng hồ nên Điều tra việ lập biên bản đã để trống phần mục thời gian, khi chuyển hồ sơ thì Điều tra viên khác thấy mục thời gian trống nên đã áng chừng thời gian và ghi bổ sung vào biên bản”. Biện giải này là thiếu thuyết phục và không có cơ sở, bởi vì: Điều tra viên Lương tiếp nhận hồ sơ vào ngày 07/11/2012, tức là sau khi đã có biên bản mở niêm phong, cân trọng lượng và trích mẫu đi giám định (lập vào hồi 19 giờ ngày 06/11/2012) trong hồ sơ vụ án. Với kiến thức nghiệp vụ của mình thì ĐTV phải suy luận là biên bản này được lập sau khi việc cân trọng lượng và trích mẫu đi giám định kết thúc (sau kết thúc việc cân trọng lượng và trích mẫu đi giám định vào 19 giờ 45 phút ngày 06/11/2012), chứ không phải sau khi lập biên bản phạm pháp quả tang.

Theo luật sư Bách, điều đáng nói là mặc dù thừa nhận, cơ quan Điều tra đã có những vi phạm thủ tục tố tụng, Quyết định giám đốc thẩm số 28/2014/HS - GĐT đã bỏ qua, không phân tích những mẫu thuẫn, không thống nhất trong lời khai nhận tội của Điền, của các nhân chứng, cũng như quy định của luật Tố tụng hình sự về các thuộc tính của chứng cứ. Đây là điều rất nguy hiểm, có thể dẫn đến sai lạc hoàn toàn tính chất của vụ án.

Quyết định giám đốc thẩm số 28/2014/HS-GĐT.
Quyết định giám đốc thẩm số 28/2014/HS-GĐT.

Hồ sơ vụ án có dấu hiệu sửa chữa

Luật sư Bách phân tích thêm, trong vụ án này, có 3 người được cơ quan CQCSĐT Tam Điệp xác định là nhân chứng của vụ án, đó là ông Vũ Đức Long, Trần Đức Ngọ và anh Phạm Văn Đoàn. Tuy nhiên, lời khai của những người này lại có quá nhiều mâu thuẫn, không đảm bảo tính khách quan và trung thực, liên quan đến việc ghi biên bản, thể hiện nội dung ma túy được Điền vừa mua, hay đã mua. Trong hồ sơ vụ án có tài liệu có dấu hiệu sửa chữa từ ngữ: Ở dòng chữ “là hêrôin anh ta vừa mua được” có sửa chữ tô đậm từ “vừa” với từ “đã” (BL 18)”. Tuy nhiên, Quyết định giám đốc thẩm số 28/2014/HS - GĐT lại cho rằng: “các trang văn bản khác đều thể hiện dòng chữ “hêrôin anh ta vừa mua được” (BL 19, 20) rất rõ ràng. Do vậy, tuy có việc sửa chữa từ ngữ nhưng không làm thay đổi bản chất của tội phạm và không làm sai lệch nội dung cơ bản của vụ án”. Nhận định nêu trên của Quyết định giám đốc thẩm số 28/2014/HS – GĐT là không chính xác, bởi vì “vừa mua” và “mua từ chiều hôm trước” là hai khoảng thời gian khác nhau, cách nhau khá xa, phản ánh những diễn biến khác nhau về hành vi phạm tội, cũng như nội dung vụ án. Bên cạnh đó, thì gói giấy bạc chứa bột bên trong là giấy bạc màu tráng hay màu vàng cũng chưa thống nhất.

Trước khi TAND tỉnh Ninh Bình trả hồ sơ để điều tra lại, ông Long và ông Ngọ khai đã chứng kiến Điều tra viên thu giữ bên dưới mặt nạ xe của anh Điền một túi ni lông bên trong có 8 gói giấy bạc nhỏ, được đính bằng kim băng vào giây điện của xe. Tuy nhiên, chính các nhân chứng này cũng khẳng định Điều tra viên chỉ thò tay vào lấy túi ni lông ra, không tháo mặt xe. Đó là điều hết sức phi lý, vì nếu không tháo mặt nạ xe thì các nhân chứng không thể nhìn thấy bên trong, phía dưới mặt nạ xe có những gì, không thể nhìn thấy túi ni lông được đính bằng kim băng vào dây điện bên trong phía dưới mặt nạ đầu xe. Từ đó có thể thấy, nội dung lời khai của các nhân chứng là không đáng tin cậy, không đảm bảo thuộc tính khách quan của chứng cứ. Những lời khai “tiền hậu bất nhất” này không thể là chứng cứ để buộc tội đối với anh Điền.

Bản thân lời khai nhận tội của anh Điền cũng không chính xác, thiếu logic, không phù hợp với thực tiễn khách quan của vụ án, bởi vì: Tại các lời khai nhận tội tại Công an thị xã Tam Điệp, anh Điền khai mua Hêrôin vào 17 giờ chiều ngày 05/11/2012 (BL 32,33,34). Tuy nhiên thực tế, trong buổi chiều ngày 05/11/2013, anh Điền tham gia dỡ nhà bếp, chặt cây tại nhà ông Bùi Văn Khánh (Thôn Thôn 83, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình). Sự việc này đã được các nhân chứng xác nhận. Bên cạnh đó, anh Điền khai mua ma túy của một người đàn ông lạ mặt tại khu vực cổng chợ Láng đông đúc là điều khó xảy ra. Anh Điền cũng không phải là người nghiện ma túy, chưa sử dụng mà túy bao giờ, không tham gia mua bán chất ma túy. Kết quả xét nghiệm ngày 06/11/2012 cũng cho kết quả âm tính (BL 23). Vậy, anh Điền mua và tàng trữ đến 08 gói herôin để làm gì?

Theo luật sư Bách, trong vụ án này, Cơ quan Điều tra đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, rất nhiều chứng cứ của vụ án đã không được thu thập và đánh giá theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Quyết định giám đốc thẩm số 28/2014/HS - GĐT vẫn sử dụng để làm căn cứ buộc tội đối với anh Điền. Thực tế, quá trình điều tra lại đã không khắc phục được những sai phạm trong việc khám xe, thu giữ vật chứng trong buổi sáng ngày 06/11/2012. Do đó, bản án phúc thẩm số 12/2014/HSPT đã rất có lý khi nhận định “đặc biệt là thủ tục tố tụng làm căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can là biên bản bắt giữ người phạm tội qả tang, lời khai người làm chứng, lời khai của bị cáo Điền ngày 06/11/2012 và ngày 07/11/2012, các biên bản niêm phong, thu giữ vật chứng không thực hiện đúng theo trình tự tố tụng, không thể thực hiện lại hoặc khắc phục lại được, không thể hiện được tính chính xác, khách quan”.

Chính vì vậy, Quyết định giám đốc thẩm số 28/2014/HS - GĐT cho rằng “Có cơ sở khẳng định Điền có hành vi tàng trữ trái phép chất ma tuý” và huỷ bản án bản án phúc thẩm số 12/2014/HSPT là không có cơ sở và trái pháp luật.

Những dấu hiệu bức cung, nhục hình

Nghiêm trọng hơn, theo luật sư Bách, vụ án có dấu hiệu của việc cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án, dấu hiệu của việc dùng bức cung, nhục hình. 19h ngày 6/11/2012 cơ quan điều tra mới lập biên bản mở niêm phong cân trọng lượng, lấy mẫu gửi giám định và niêm phong lại. Nhưng tại Biên bản ghi lời khai, Điền đã khai rất cụ thể trọng lượng của 08 gói chất bột mầu trắng, trọng lượng mẫu lấy giám định, số ký hiệu mẫu giám định từng gói chất bột màu trắng đúng như biên bản mở niêm phong? Điều đó hết sức vô lý vì chưa cân đong đo đếm heroin mà trong lời khai của Điền đã khai biết từng gói heroin với mỗi gói trọng lượng bao nhiêu? Đó chính là dấu hiệu của sự bức cung, nhục hình.

Chưa hết, nội dung phần “quyết định” của Quyết định giám đốc thẩm số 28/2014/HS - GĐT ngày 19/6/2014 là trái pháp luật và không có cơ sở để thực hiện. Trong phần “quyết định” của Quyết định giám đốc thẩm số 28/2014/HS - GĐT chỉ nêu huỷ bản án hình sự phúc thẩm số 12/2014/HSPT, không có ngày ra bản án. Do đó, không có cơ sở chính xác để khẳng định bản án bị huỷ nêu trên là bản án nào? Bản án sơ thẩm hình sự 45/2013/HSST ngày 08/11/2013 của Toà án nhân dân thị xã Tam Điệp đã bị kháng cáo, bản án sự phúc thẩm số 12/2014/HSP của Toà án nhân dân tỉnh Ninh Bình đã huỷ Toàn bộ bản án này. Bản án sơ thẩm hình sự sơ thẩm số 45/2013/HSST là không có hiệu lực pháp luật. Do đó không phải là đối tượng để xem xét ở cấp Giám đốc thẩm. Do đó, Quyết định giám đốc thẩm số 28/2014/HS - GĐT tuyên huỷ đối với Bản án sơ thẩm hình sự 45/2013/HSST ngày 08/11/2013 của TAND thị xã Tam Điệp là không đúng pháp luật, trái với Điều 272, Điều 285 và Điều 287 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Với 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm, Quyết định giám đốc thẩm số 28/2014/HS - GĐT huỷ phần trách nhiệm hình sự của anh Điền là huỷ những quyết định nào cũng là một cây hỏi. Với nội dung “quyết định” nêu trên của Quyết định giám đốc thẩm số 28/2014/HS - GĐT thì sẽ không thể thực hiện được vì không rõ nội dung và có nhiều mâu thuẫn, không thống nhất, trái pháp luật nghiêm trọng.

Từ những lập luận nêu trên, luật sư Nguyễn Hồng Bách khẳng định: Quyết định giám đốc thẩm số 28/2014/HS - GĐT là không có căn cứ và trái pháp luật. Do đó cần thực hiện kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hủy Quyết định giám đốc thẩm số 28/2014/HS - GĐT ngày 19/6/2014 của Toà hình sự - Toà án nhân dân Tối cao; giữ nguyên bản án hình sự phúc thẩm số 12/2014/HSP ngày 24/01/2014 của Toà án nhân dân tỉnh Ninh Bình; tạm đình chỉ thi hành Quyết định giám đốc thẩm số 28/2014/HS - GĐT ngày 19/6/2014 của Toà hình sự - Toà án nhân dân tối cao cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao.

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Theo Tuấn Đông
Báo Xây dựng