Màn đối đáp bá đạo khiến siêu lừa voucher nghỉ dưỡng phải "tắt điện"

Bảo Khang

(Dân trí) - Nhiều người dân đã không bị các đối tượng lừa đảo (qua tin nhắn, cuộc gọi điện thoại...) thao túng tâm lý. Thậm chí, không ít người đã bóc mẽ tại trận khiến kẻ lừa đảo phải... "chuồn" nhanh.

Cơ quan chức năng đã phát đi nhiều cảnh báo, các phương tiện truyền thông đã đăng tải về các vụ lừa đảo tinh vi, có tổ chức (bằng việc gửi các tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo...), thế nhưng, vẫn có hàng nghìn người sập bẫy và có trường hợp mất hàng tỉ đồng trong tài khoản.

Nhiều người cho rằng, người dân ở nông thôn thiếu thông tin mới bị lừa. Thực tế cho thấy, dù nông thôn hay thành phố, "siêu lừa" vẫn không chừa một ai, có chăng chỉ khác nhau số tiền.

Ở một diễn biến khác, "vỏ quýt dày vẫn luôn có móng tay nhọn". Qua các phương tiện truyền thông, tin nhắn cảnh báo của các bộ, ngành, nhiều người đã tỉnh táo hơn, nhận dạng được "mùi" lừa đảo rõ ràng hơn.

Siêu lừa cũng phải "tắt điện"

Nghỉ hè, Lê Nam, sinh viên một trường đại học ở Hà Nội không về quê mà quyết định ở lại thủ đô để tìm việc. Quá trình tìm việc, Nam đã khiến kẻ lừa đảo... mất tiền.

Màn đối đáp bá đạo khiến siêu lừa voucher nghỉ dưỡng phải tắt điện - 1

Lừa đảo chuyển khoản biến tướng với nhiều hình thái khác nhau khiến người dùng MXH dễ sa bẫy (Ảnh chụp màn hình).

Nam kể lại: "Tôi đã gửi đơn xin việc vào một công ty có ghi địa chỉ ở Hà Đông. Sau đó, có một người tên Linh tự nhận là nhân viên của công ty, gọi điện trao đổi và hẹn lịch phỏng vấn online trên ứng dụng Telegram. Mặc dù thấy hình thức phỏng vấn có vẻ lạ nhưng tôi vẫn làm theo. Sáng hôm sau, đúng 8h30 tôi được tham gia vào nhóm theo đường dẫn mà Linh gửi".

Nam cho biết, không có bất kỳ cuộc phỏng vấn nào, thay vào đó, một nhân viên khác hướng dẫn làm nhiệm vụ trải nghiệm chạy doanh thu với một số đối tác lớn của công ty. Cụ thể, Nam được gửi các đường link vào đó để tăng view (lượt xem).

Sau mỗi nhiệm vụ thì số tiền nhận được tăng dần từ 30 nghìn đồng đến 150 nghìn đồng. Đến đây, một người khác nhắn xin số tài khoản ngân hàng để trả thù lao và nói thêm, khi làm hết các nhiệm vụ, cuối buổi sẽ nhận thêm thù lao 400 nghìn đồng.

Để thực hiện nhiệm vụ tiếp theo, Nam được yêu cầu phải nạp vào tài khoản đó 200 nghìn đồng. Đến đoạn này cậu bắt đầu thấy "nhột" nên bình tĩnh ngẫm lại. Sau đó, Nam đã dừng tham gia thực hiện nhiệm vụ của công ty đó, không nạp tiền và hưởng nguyên số tiền 150 nghìn trước đó của nhóm này khi "dụ" mình làm nhiệm vụ

Sau sự việc bán tín bán nghi rồi hưởng không 150 nghìn đồng, Nam kể cho một vài người bạn và biết được màn "phỏng vấn" các đối tượng thực hiện với Nam là chiêu lừa đảo gắn mác công ty tuyển dụng việc làm.

"Sau khi biết sự thật xong lại thấy vui, may mắn vì mình vẫn tỉnh táo, vừa không bị lừa mà còn "ăn non" của bọn lừa đảo 150 nghìn đồng", Nam cho hay.

Hàng loạt chiêu trò lừa đảo bị người dùng "lật tẩy"

Thời gian gần đây, hàng loạt chiêu lừa đảo tinh vi đang dần được cư dân mạng rỉ tai, bóc phốt nhằm cảnh báo và đối phó với loại tội phạm này. Thay vì chờ đợi các cơ quan chức năng, nhiều người đã "bóc mẽ" tại trận khiến đối tượng đi lừa đảo nhiều phen lặn mất tăm.

Nhiều độc giả Dân trí đã chia sẻ lại những màn đối đáp thú vị khi nhận được các cuộc gọi chào mời gắn mác tặng quà, tặng kỳ nghỉ dưỡng...

Độc giả Linh Nga kể: "Tôi được nhân viên công ty tên Holid.. mời lên trụ sở tặng Voucher tức phiếu quà tặng 6 triệu đồng, sau đó họ gạ gẫm mời mua thẻ du lịch 20 năm giá 500 triệu đồng. Tôi nói lại luôn: nếu có 500 triệu đồng, tôi gửi tiết kiệm 1 năm được lãi ít nhất là 40 triệu, đi du lịch thoải mái, chẳng phải phụ thuộc ai, sau 20 năm thì 500 triệu đồng vẫn còn nguyên trong sổ tiết kiệm. Chưa kịp phân tích hết thì tôi thấy đầu bên kia tắt ngóm điện thoại".

"Thi thoảng mình nhận cuộc gọi của một em xưng là nhân viên hãng hàng không Việt Nam Airlines (VNA), có chương trình kích cầu du lịch tặng anh chị voucher nghỉ dưỡng kèm cặp vé máy bay khứ hồi. Mình thừa biết là chiêu trò gạ đi nghe hội thảo để mua kỳ nghỉ nên nói thẳng là VNA không gọi số điện thoại di động. Tôi là hội viên vàng của hãng và chưa thấy chương trình này trên app, sau đó không thấy có cuộc điện thoại chào mời nào nữa", độc giả Hoài Thu chia sẻ.

Tình huống mà độc giả Minh An gặp lại khá hài hước: "Mới đây, một người tự xưng là công an tỉnh gọi rồi nói một hồi đe dọa là mình đang liên quan đến vụ án lừa đảo. Cho kẻ lừa đảo nói một hồi, mình hỏi lại rằng giám đốc công an tỉnh tên là gì, thì hắn ấp úng nói bừa một cái tên lạ hoắc, mình bóc mẽ luôn không quên đe nẹt cho một trận".

Cũng có nhiều người "chốt nhẹ" rằng, "thôi quà này em mang về tặng cho bố mẹ hay người thân nhé, đồ tốt thì nên dành cho người nhà", khiến nhiều sale fake (kẻ giả nhân viên sales) á khẩu.

Màn đối đáp bá đạo khiến siêu lừa voucher nghỉ dưỡng phải tắt điện - 2

Nhiều người đã tỉnh táo, cẩn thận kiểm tra lại thông tin khi thấy những số điện thoại lạ gọi đến (Ảnh chụp màn hình).

Hình thức lừa đảo qua MXH được trà trộn tinh vi, trá hình, biến đổi không ngừng khiến nhiều người chưa kịp cập nhật như giả các thương hiệu thời trang tặng quà miễn phí, tuyển mẫu nhí, tặng vé nghỉ dưỡng, tuyển nhân viên các sàn thương mại điện tử, giả danh các tổ chức để uy hiếp, đe dọa,… Hầu hết những hình thức lừa đảo trên đều thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các app phổ biến như Zalo, Telegram.

Những hình thức lừa đảo này đều giống nhau ở mục tiêu "dụ con mồi chuyển khoản". Những kẻ lừa đảo tìm cách đánh vào tâm lý ham rẻ, ham đồ miễn phí, ham việc nhẹ lương cao… và hơn hết là đánh vào sự thiếu hiểu biết của nhiều người. Không ít người chủ quan, lơ là đã sập bẫy.