Bạn đọc Dân trí “bắt mạch” nỗi gian truân khi làm sổ đỏ

(Dân trí) - "Diễn đàn này quá hay đối với người dân chúng tôi! Cảm ơn Dân trí đã cho chúng tôi cơ hội này, tôi sẽ theo cùng Quý báo suốt đời mất!"– Đó là cảm xúc của bạn đọc gửi về tòa soạn khi đọc loạt bài về nỗi gian truân khi mà sổ đỏ.

Bạn đọc Dân trí “bắt mạch” nỗi gian truân khi làm sổ đỏ - 1
Nhiều bạn đọc đề nghị Báo Dân trí mở chuyên mục nói về các hành vi sách nhiễu công dân khi đi làm sổ đỏ.

Nguyễn Thanh Hùng (thanhhungcdu@yahoo.com):

Diễn đàn này quá hay đối với người dân chúng tôi! Cảm ơn Dân trí đã cho chúng tôi cơ hội này, tôi sẽ theo cùng Quý báo suốt đời mất! Đọc những bài viết mà thấy đã trong lòng, vì mọi người đã nói thay mình, nhưng đọc xong cũng... ngậm ngùi thay cho dân mình ghê quá!

Ba tôi gần 80 tuổi, nhà Ba tôi mua đã gần 50 năm nhưng... sổ đỏ thì chưa làm được, cách đây 3 năm sau khi ông dành 1 số tiền lớn (3 triệu đồng, ông về hưu năm 1992 nên lương thấp) để làm sổ đỏ nhưng... không thành. Dĩ nhiên ông hết tiền nên không theo nữa!

Tôi quyết định xây nhà không phép sau đó, vì nếu chờ sổ đỏ thì biết đến bao giờ mới có. Ba tôi buồn vì tôi làm vậy, trước khi xây nhà 1 tháng tôi đã liên tục hỏi ý kiến Ba tôi rằng: Nếu Ba lo lắng thì con sẽ đi mua nhà nơi khác để ở, Ba tôi cũng đấu tranh dữ dội lắm và đã quyết định cùng tôi làm trái luật đó là xây nhà không phép. Tuy nhiên, vì là người sống tốt và có lòng tự trọng nên Ba tôi và tôi đi xin giấy sửa chữa nhà mà thôi. Trong giấy chỉ ghi: thay tường, nâng nền,...

Mục đích xây nhà của tôi đã ấp ủ từ lâu rồi, trong hơn cả chục năm mỗi khi mùa mưa đến là chúng tôi sống như dân miền sông nước, nhà sau gần 50 năm với điều kiện thời tiết miền Trung thì đã xuống cấp trầm trọng, tiền sửa chữa nhiều đợt cũng tốn kém, nhưng lý do quan trọng hơn cả là bệnh suy thận của tôi đã đến giai đoạn cuối cùng, giai đoạn 4. Tôi nghĩ còn chút sức lực cuối cùng tôi muốn làm gì đó cho đứa con 3 tuổi có chỗ ở đàng hoàng với xã hội nếu như tôi không may mất sớm. Ba Má tôi sẽ có chỗ sạch sẽ vài năm trước khi đi về với ông bà tổ tiên, và cho tôi nếu nằm xuống cũng là nơi sạch sẽ để còn vui vẻ với bệnh tật, còn anh chị em ở xa gần sẽ tự hào hơn ít nhiều.

Với tất cả suy nghĩ đó, việc xây nhà không cần sổ đỏ đã bắt đầu, rồi căn nhà 3 tầng đã mọc lên, sau khi được mời lên, xuống cơ quan công quyền vì sai luật, Ba tôi đã quyết định đưa... 1 triệu cho Đội Quản lí Đô thị nhậu để được tiếp tục làm, khỏi phải bị ách tắc, riêng tôi thì không bao giờ đưa rồi, thực tình tôi tức lắm vì đã đóng thuế thu nhập cho nhà nước, mà mãi không thể làm được sổ đỏ, mà không làm được sổ đỏ thì nhất định họ không cấp giấy phép xây dựng.

Rồi cái nhà cũng hoàn thành sau 5 tháng, bây giờ đã 2 năm trôi qua, nhà cũng bắt đầu cũ rồi, sổ đỏ vẫn còn ở đâu đâu, thỉnh thoảng Ba tôi nhắc về nó hoài, chắc ông muốn nhìn thấy tài sản của ông hiện hữu bằng tờ giấy thì ông mới vui được.

Còn tôi, tôi xem như làm nhà là bỏ tiền để ở, không màng đến giấy hồng, giấy đỏ như người ta và tôi cũng không muốn cầm tờ giấy mà mình nếu muốn có nó phải đau khổ vì bị hành hạ như mọi người!

Tôi nghĩ sau này nhà nước sẽ làm cho con tôi tờ giấy mà Ba tôi và tôi muốn. Bây giờ, vì chỉ nghĩ đơn giản là thế hệ sau sẽ văn minh hơn, xã hội sẽ công bằng hơn thôi, và xã hội này thực sự của dân hơn.

Sau khi xong nhà vài tháng sau thì hai quả thận của tôi cũng không còn làm việc nữa, hiện tôi đang lọc máu tại nhà, với căn nhà sạch sẽ rộn vang tiếng cười mỗi ngày, tinh thần thoải mái khi nắng nóng hay mưa lụt, cả nhà vẫn bình yên, tôi lại bắt đầu các dự án khác cho cuộc sống. Tôi vẫn tin vào ngày mai cho tôi và cho xã hội này.

PQ Tiến (tienvimaru97@yahoo.com):

Khi đọc được bài viết trên Dân trí tôi như cởi mở được tấm lòng. Ba năm nay tôi đi làm sổ đỏ mà nay hẹn, mai hẹn cho đến khi phát chán không còn kiên nhẫn để theo nữa tôi đành mặc kệ. Đã nhiều lần nhân viên Sở TNMT, Cán bộ Quận gợi ý là chi màu nhưng tôi không có điều kiện để chi màu cho họ nên tình trạng như các bạn đã thấy đến nay là 3 năm tôi vẫn chưa làm được sổ đỏ cho nhà mình.

Tôi thiết nghĩ nhân dân đóng thuế để trả lương cho cán bộ, ngược lại cán bộ phải có trách nhiêm phục vụ dân nhưng sự việc lại trái ngược. Cán bộ quan liêu, hạch sách thật không biết đằng nào mà lần.

Qua bài viết của đọc giả "Thắng với email thangibs@yahoo.com.vn " tôi rất đồng tình, có lẽ nếu vẫn còn phải cầu cạnh cán bộ thì còn có nhiều tiêu cực. Mọi việc phải giao khoán mới có kết quả tốt, ai không hoàn thành công việc thì chuyển sang việc khác phù hợp hơn”. Tôi rất mong các lãnh đạo các cấp sớm có những biện pháp để khắc phục tình trạng này để những người dân như tôi có niềm tin vào cán bộ nhà nước. Chúc các độc giả Dân trí mạnh khỏe và có nhiều ý kiến đóng góp thiết thực hơn nữa để đất nược ngày càng đổi mới hợn.

Nguyễn Hoà (hoarung7@yahoo.com.vn):

Tôi rất đồng tình với anh Thắng (email: thangibs@yahoo.com.vn) về quan điểm là cán bộ ngành địa chính phải đi xin cấp sổ đỏ cho dân (khoán công việc). Tôi xin bổ sung thêm là sẽ tính phí hoặc % để thu về cho nhà nước tiền thuế và lệ phí như thế có lợi cho nhà nước và tránh được nhiều cái phiền hà đồng thời để rửa đầu óc bảo thủ, quan liêu của một số người mang mác nhà nước để nhũng nhiễu dân, làm sai quan điểm của đảng và nhà nước...

Bằng Vũ (vubang15189@yahoo.com.vn):

Anh Thắng có sáng kiến hay. Nhưng tôi xin bổ sung cụ thể hơn là: Quốc hội cần khoán cho Bộ trưởng Bộ TNMT trong 1/2 nhiệm kỳ phải giải quyết 1/2 việc cấp sổ đỏ tồn tại, nếu không xong thì nghỉ; Chủ tịch tỉnh hãy khoán cho Giám đốc sở TNMT cũng như trên. Và 1/2 thời gian nhiệm kỳ phải hoàn thành, mà 1/2 nhiệm kỳ sau không hoàn thành thì không tái bổ nhiệm nữa....

Lê Hoa (ngoisaocodon3_8ht@yahoo.com):

Các bạn ơi đừng buồn. Sự thật nó vậy đó. Tôi cũng là một cán bộ cấp huyện hay nói đúng hơn là anh em trong cơ quan mà cũng gần cả năm trời mới làm được sổ đỏ trong khi hồ sơ không sai sót gì. Cũng một cửa, cũng hẹn ngày trả nhưng cuối cùng lại chờ và chờ thôi. Khi tôi ngỏ ý hỏi thì được cán bộ giao dịch trả lời: "Tại em không giao dịch"???

Trời, nghe mà sốc. Thật ra vì hồ sơ cũng không cần để làm gì vội mà không sai sót gì nên tôi nghĩ cứ để làm từ từ, làm trong năm là được nhưng mãi đến gần kết thúc năm chưa thấy đâu mới hoảng và tiếp tục hỏi thì lại nhận được câu trả lời: Tại em không nói với họ một câu nên họ chưa làm và Trưởng phòng TNMT trả lời rằng 1 cửa thì 1 cửa, chậm tôi chịu.

Quá sốc phải không các bạn? Tôi đang nghĩ là cán bộ với nhau mà còn gây khó khăn vậy thì dân đi giao dịch làm sao? Đợi đến bao giờ,....? Mà thôi, đó là câu chuyện dài tập mà chỉ có "quyền và tiền mới" là nhà biên soạn. Tôi cũng không suy nghĩ nữa vì cuối cùng tôi đã làm được bìa rồi... Chúc bạn đọc không như tôi.

 Nguyễn Lan (ng_lan2005@yahoo.com):

Cái khổ nhất bây giờ là chính quyền Phường, Quận lợi dụng sự kém hiểu biết pháp luật để hành dân và dọa dân trong việc xin cấp sổ đỏ. Nói là thời đại công nghệ thông tin nhưng tỷ lệ dân khai thác được công nghệ thông tin hiện đại không nhiều. Luật đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành trong việc cấp sổ đỏ cho dân là rất rõ ràng.

Em xin nêu ra một cách mà dân dễ hiểu, cán bộ khó xoay là như sau: Báo địa phương, trạm thông tin của Phường có chuyên mục đăng và đọc ngày này qua ngày khác các điều quy định của pháp luật trong việc cấp sổ đỏ, in thành giấy nếu người dân nào muốn mua thì bán.

Em thấy việc phát hiện cán bộ vi phạm pháp luật trong việc cấp sổ đỏ cho dân là không khó, vấn đề là tại sao TP Hà Nội không đưa ra chế tài đủ mạnh để các công chức phải làm đúng pháp luật, phải bị kỷ luật thích đáng khi làm sai thôi .

Nguyen viet chuong (chuong1451992@yahoo.com.vn):

Hiến kế triệt để theo tôi phải công khai tất cả những người muốn làm sổ đỏ theo từng tháng thông qua Trang web do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lí (cán bộ địa phương phải nhập dữ liệu vào Trang web này, sau đó người dân theo dõi qua Trang web. Cán bộ nào nhập dữ liệu chậm trễ thì kỷ luật nghiêm). Cán bộ nhận lương bình thường là A triệu đồng/tháng, thì bây giờ mỗi tháng chỉ nhận được A nhân với % (số người đã được cấp sổ đỏ/số người đăng kí làm sổ đỏ trong tháng đó).

Tien Dang (dangvantien@gmail.com):

Ý kiến của các bác rất hay, nếu áp dụng chắc chắn thành công. Nhưng nếu áp dụng thì những công chức ấy bao giờ trả hết nợ? Để vào được mấy "chân" đấy, cũng tốn kém kha khá đấy.

Hoang Huy (huy7680@gmail.com):

Thật đáng buồn. Nếu hỏi những ai đã từng "phải" đi làm sổ đỏ thì chắc đều có bức xúc như vậy thôi. Tôi cũng vậy, mong sao Dân trí góp một tiếng nói tới người có thẩm quyền giúp người dân chúng tôi với. Trân trọng cảm ơn.

Trần Đình Ngân (trandinhngan@gmail.com):

Thời buổi này cái gì cũng mất tiền, Xin vào bệnh viện tỉnh cũng mất tiền, xin điều chuyển công tác từ huyện nọ sang huyên kia của giáo viên cũng mất tiền. Mà bản chất khi được phân các "lãnh đạo" đã phân cho giáo viên A sang huyện B và ngược lại để sau này các bác tự làm đơn xin chuyển vùng, nhận công trình cũng mất tiền, làm sổ đỏ cũng mất tiền ....

Trando (trandohh@yahoo.com.vn):

Vấn nạm làm sổ đỏ như ý kiến bạn đọc nêu trên là thực tế. Tuy nhiên làm sổ đỏ chậm còn một nguyên nhân khác: Nhân viên không có chuyên môn (Loại đọc bản vẽ ngược);  như con ông cháu cha; Hoặc chạy bằng tiền, bằng quan hệ- loại nhân viên này đã không hiểu chuyên môn lại không có đạo đức thử hỏi làm sổ đỏ dễ mới là chuyện lạ.

Trong Tinh (Tingtantrong@yahoo.com):

Đề nghị Quốc hội nên đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự để tìm ra biện pháp chống tham nhũng trong vấn đề cấp sổ đỏ. Hiện tượng này tồn tại và hành dân biết bao nhiêu năm nay.

Dương Thùy Linh (duongthuylinh@yahoo.com):

Theo tôi Quốc hội lên lập ra một số tổng đài gọi điện và một tổ chức hay hội giám sát có thẩm quyền, đủ tài đức chuyên giải quyết vấn đề sổ đỏ để người dân khi đi làm sổ đỏ có gì bức xúc có thể gọi điện. Như thế mới có thể giảm được tính quan liêu hành dân của cán bộ.

Thanh Nguyen (thanhnguyen2115@gmail.com):

Đọc bài này tui thấy hay ghê, bây giờ muốn làm bất cứ cái gì có liên quan đến giấy tờ mà nhanh là chỉ có 2 cách: 1. Có quen biết; 2. Lót tay. Như mình hôm bữa chỉ việc đăng ký tạm trú tạm vắng cho mấy đứa em thôi mà cũng bị hành đủ điều, hôm nay lên thì bảo thiếu giấy này cầm về bổ sung; hôm sau lên thì bảo thiếu cái kia cầm về bổ sung.

Mình cũng bận đi làm đâu có nhiều thời gian chạy tới chạy lui. Cuối cùng bỏ bao thư thì nhận được phản hồi Good: "Anh cầm về đi, chỉ cần gởi cho em thêm mấy tấm hình nữa thì đem lên đây em làm cho, cũng dễ thôi mà...". Hic! Đúng là.... Còn mình làm sổ đỏ hả, hỡi ôi, có quá nhiều chuyện để nói và nhiều chuyện để hành dân. Mình làm sổ đỏ đã hơn 6 tháng rồi mà tới giờ vẫn chưa xong nữa...thật là hết biết.

Lê Văn Tiến (thongnhattien@gmail.com):

Tôi là người làm trong nghề tư vấn xây dựng nên nắm luật và các qui định tương đối đầy đủ. Vậy mà khi làm sổ đổ cũng phải mất gần 2 năm. Hỏi vậy thì người dân làm sao không bị hành cho được.

Theo tôi nhà nước cần bố trí 01 cán bộ tiếp nhận, hướng dẫn, sau đó trình nội dung này cho 01 lãnh đạo duyệt ngay trước mặt khách hàng và hẹn thời gian giải quyết.

Đúng ngày giờ khách hàng đó đến gặp ngay người lãnh đạo duyệt trước đó để nhận hồ sơ thì mọi việc sẽ ổn thôi. Trong quá trình xử lý công việc nếu người cán bộ trực tiếp giải quyết công việc không trình cho ngời lãnh đạo duyệt những nội dung bổ sung trong quá trình giải quyết thì người cán bộ đó phải chịu trách nhiệm.

Cuong (vmnm2003@yahoo.com):

Các bác ơi bây giờ là thời đại "Công nghệ thông tin" rồi! họ làm nhanh lắm chỉ có điều bác có "nhanh" không thôi. Họ "Khoán" hết rồi. Các bác chỉ cần cho ngày lấy sổ là họ sẽ cho giá ngay thôi, 3 ngày còn được nữa là. Thật là buồn. Đọc các ý kiến trên em thấy ý kiến của bác: Thắng (email: thangibs@yahoo.com.vn):

Hiện nay người dân muốn có sổ đỏ thì phải đi xin cấp sổ đỏ. Đã đi xin thì dễ sinh tiêu cực. Nhà nước nên có chính sách thay đổi làm sao cán bộ phải đi xin cấp sổ đỏ cho dân thì sẽ hết tiêu cực ngay. Ví dụ như khoán, năm nay cần cấp cho khu A , phường B, nếu không xong thì sẽ cho nghỉ việc về làm người dân thường để người khác lên thay” là rất hay.

Thanh Huyền (huyenttnt@yahoo.com):

Đọc bài viết mới thấy vấn đề bức xúc này thật nan giải. Nhà ai mà chẳng phải làm sổ đỏ. Cũng có nghĩa là 100% dân lành phải chịu ấm ức! Trời! Vậy mà mấy bác làm luật chẳng lẽ cứ mãi làm ngơ?

Bố tôi năm nay đã 84 tuổi. Cụ sống trên thửa đất đang ở từ thuở còn chưa thành niên. Vậy mà suốt mấy năm nay Cụ cứ kẽo kẹt xuống xã làm sổ đỏ mong trọn vẹn mọi việc khi đang còn có thể làm. (Nhà tôi ở một vùng quê thuộc huyện Ứng Hòa, Hà Nội, chúng tôi đều đã có gia đình riêng và ở xa 2 Cụ). Cụ bảo "lần nào họ cũng "vâng ạ!". Song không bao giờ muốn làm thì phải.

Khổ thân Cụ vì quá "bôn" và cứ sợ các con xuống lại bức xúc mà "mang tiếng" nên nhất định không cho con cháu đi làm thay hoặc là đưa Cụ xuống. Chúng tôi hứa với Cụ là không có, không mong muốn và cũng không có ý định nói to tiếng. Vậy, nhưng Cụ vẫn "Nhất quyết" "giấy rách phải giữ nấy nề con ạ. Toàn người quen biết nhau cả - ở quê, cả làng cả xã biết nhau - Bố qua rồi không muốn các con lại qua nữa mang tiếng".

Chúng tôi không muốn làm Cụ buồn nên cũng vẫn chiều ý Cụ. Chỉ buồn một nỗi những cán bộ kia đều biết nhau cả nhưng họ mắc bệnh "hành là chính" nên chẳng quan tâm đến trách nhiệm với bà con hoặc "giữ nề" như Cụ nhà tôi giữ.

Hoang Duong (quocbao_76@gmail.com):

Ta thường thấy rằng: Sổ đỏ, sổ hồng, CMTND, Giấy phép lái xe... là sản vật quan trọng của mỗi người, thì làm bằng giấy. Thẻ ATM, thẻ khách hàng, thẻ chấm công, hội viên, thẻ chứng nhận hàng chính hiệu... là thẻ không quan trọng bằng các thẻ trên nhưng rất chắc chắn, được làm bằng nhựa, có mã vạch, có đưa hình ảnh vào.

Thử nghĩ sổ đỏ, CMTND... ướt hư hỏng nặng, thậm chí phải làm lại. Thẻ ATM, thẻ khách hàng... ướt không hư hỏng. Vật thì chúng ta phải làm gì khi thứ quan trọng thì cho là không quan trọng, còn thứ không quan trọng bằng thì được làm quan trọng đến thế.

Quang (iq_1955555@yahoo.com.vn):

Tôi ở TP HCM đi làm sổ đỏ, hẹn tới hẹn lui, hạch sách đủ điều. Suy nghĩ hoài mới nghĩ ra một kế: Mình chưa vợ nên đánh liều yêu một cô nhân viên Phòng Tài Nguyên Môi Trường, (Đối tượng- chính là người hay hạch sách mình). Lúc đầu thú thực tôi chỉ định làm quen tán tỉnh cho vui. Sau ai ngờ qua vài làn đi cafe (hạ gục ngay). Tới nay cưới nhau đã 3 năm, cộng 2 năm quen biết, hai chúng tôi đã có một nhóc rồi. Còn sổ đỏ mình cũng không biết lấy được chưa? Mình cũng chẳng phải quan tâm nữa.

Thế đấy, có bạn nào dám học kinh nghiệm mình không hoặc khó khăn thì nhờ mình giúp bảo đảm không lấy lệ phí đâu, nếu xong thì chỉ cằn đưa vợ chồng mình đi ăn một món chuối nấu ba ba thôi, (ba ba là họ rùa "đủng đỉnh thôi'" mà. Những người làm phòng Tài Nguyên Môi Trường chỗ bà xã mình họ nghiền ba ba lắm). Bà xã mình cũng không ngoại lệ.

Mr.Huế (ghue17@yahoo.com.vn):

Tôi nghĩ là nên có một chuyên mục riêng trên Báo Dân trí nói về các hành vi sách nhiễu, hách dịch của cán bộ hành chính để mọi người dân có thể gửi bài, hình ảnh, hay âm thanh quay, thu được từ những hành vi sách nhiễu của họ.

Vũ Văn Tiến (tổng hợp)