Lý giải nguyên nhân ngành sư phạm thiếu người tài

(Dân trí) - Lương thấp, khó xin việc... là một trong những lý do mà rất nhiều độc giả cho rằng chính là nguyên nhân khiến những người tài, người giỏi và thậm chí tâm huyết với sự nghiệp “trồng người” cũng phải lắc đầu ngậm ngùi.

Lương thấp, áp lực cao

 

Thực tế cho thấy nghề giáo là một nghề phải gánh chịu rất nhiều áp lực từ cấp trên cũng như xã hội đúng theo kiểu “trên đe dưới búa”. Luôn phải làm hết công suất để hoàn thành trách nhiệm trước sự giám sát của nhà trường và phụ huynh. Rồi chuyện học sinh hư, vô lễ, lười học... cũng là áp lực đối với giáo viên.

 

Trong khi đó đãi ngộ dành cho giáo viên còn quá hạn hẹp. Với số lương trung bình khoảng 2, 3 triệu đ/tháng, trong thời buổi kinh tế hiện nay thì quả thật là bài toán khó cho giáo viên. Và đây cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến ngành luôn được tôn vinh là cao quý không có sức hút đối với nhân tài.

 

“Lương giáo viên thấp như thế thì những người có giỏi, có yêu nghề cũng chẳng dám thi vào trường. Nhà nước cần nghiên cứu chính sách tăng mức thu nhập của nghề giáo cho đúng với ý nghĩa và công sức của nghề” - Hoài Thu: whitesose271085@yahoo.com.vn kiến nghị. 

 

Tương tự, manh nguyen: manhtb.vedan@gmail.com.vn trăn trở: “Cứ với mức lương như thế, cái ngành cao quý này còn được mấy người theo. Ngành trồng người mà toàn thí sinh học lực trung bình, hỏi rằng 20 năm nữa đất nước mình còn có thể có nhân tài nữa không nhỉ?”
 
Lý giải nguyên nhân ngành sư phạm thiếu người tài - 1

Dù được tôn vinh là nghề cao quý trong những nghề cao quý, vậy nhưng cuộc sống giáo viên còn muôn vàn khó khăn (nguồn ảnh: internet)

 

Bức xúc cho rằng nghề giáo chỉ có “tiếng mà không có miếng”, Aka Thuỷ: aka.thuy@yahoo.com.vn nêu thực trạng: “Muôn đời là vậy, dù XH nào cũng dùng lời hoa mỹ để nói về ngành GD, nhưng thực tế thế nào??? Học khổ, ra trường xin việc khó, đồng lương không đủ sống, làm sao có động lực khuyến khích được người học và công tác. Xã hội chưa tạo đặc quyền đặc lợi đúng mức, ngang tầm  với sự đầu tư công sức, tiền của để học ngành sư phạm”.

 

Đồng quan điểm, Huyen: minhhuyensp1@yahoo.com bày tỏ:  “Học thì vất vả, đi làm thì lương thấp, trách nhiệm cao. Muốn xin việc thì mất nhiều tiền, đương nhiên là không ai vào rồi, chả dại!”

 

Là người đang công tác trong ngành giáo dục, vậy nhưng lê văn hội: le.httb@gmail.com cũng phải ngậm ngùi hướng con theo nghiệp khác:  “Tôi cũng đang công tác trong ngành sư phạm, tôi hiểu điều này.  Rất đơn giản, tất cả là vì cuộc sống. Giáo dục lương cơ bản tuy cao nhưng tính tổng thể thì thua xa các ngành khác. Mặc dù yêu nghề cũng phải định hướng cho con theo học các ngành khác”

 

Trong khi đó, T.V.Thinh: tvthinh@mail.hut.edu.vn nêu thực trạng cùng đề xuất: “Lương thấp, không có cơ hội thăng tiến. Các em sẽ chuyển sang học kinh tế hết. Đề nghị nhà nước phải tăng lương cho giáo dục gấp 4-5 lần thì mới có người giỏi thi vào sư phạm”.

 

Rủi ro, thất nghiệp cao

 

Song song với bức xúc về chế độ đãi ngộ, thì phần lớn cũng cho rằng 1 nguyên nhân nữa khiến ngành sư phạm kém hấp dẫn nữa là khó xin việc.

 

Để có một “chân” trong biên chế, nhiều người trong ngành từ lâu đã "bật mí" rằng thường là phải bỏ hàng chục, thậm chí có thể cả trăm triệu đồng để “chạy chọt”, vậy mà cũng chưa đâu vào đâu, huống hồ là những người gia đình “không có điều kiện”.

 

“Theo tôi không phải vấn đề là lương, cơ bản và cốt lõi chính là vấn đề xin việc. Nếu như ngành tài chính, kế toán bạn có thể không mất đồng nào khi ra trường mà vẫn có một công việc phù hợp, thì ngược lại với ngành sư phạm, thì bạn phải có cả trăm triệu thậm chí hơn để có một hợp đồng lao động dài hạn (biên chế chính thức). Nhưng tất nhiên không phải ai có tiền cũng có thể được vào, quan trọng là biết mối đi. Ngành sư phạm là thực trạng chung phản ánh rõ những tiêu cực” -  Nguyen quan huy: huynq@gmail.com đưa ra quan điểm.

 

Nguyễn Thị Phú: dinhthoaiat@gmail.com cảnh báo: “Tôi đang là 1 giáo viên ở Hưng Yên. Tôi khuyên chân thành những ai có ý định trở thành giáo viên hãy từ bỏ ngay ý định đó nếu gia đình bạn không thật sự giàu có. Tôi ra trường từ năm 2007 nhưng phải đến năm 2010 tôi mới được đi dạy, số tiền tôi bỏ ra để có 1 “chân” dạy hợp đồng có lẽ phải nhịn ăn 10 năm, không dùng đến lương thì tôi mới hoàn lại được. Không những thế tôi còn chưa biết bao giờ mình mới được vào biên chế và số tiền phải bỏ ra là bao nhiêu nữa?”

 

Còn Minh phương: hoahongtrenbuitamgai@yahoo.com than thở: “Không thi sư phạm là đúng rồi. Bao bạn học sư phạm với tôi, tốt nghiệp ĐHSP HÀ Nội hẳn hoi loại khá, giỏi mà vẫn phải đang chật vật với cuộc sống. Đứa may mắn xin được việc thì vẫn phải chết đứng kêu than với mức lương 2-3 triệu một tháng. Có người còn không xin được việc ở địa phương. Nếu quen biết xin biên chế thì gia đình phải bỏ ra từ 80-100 triệu để xin việc vào biên chế nhà nước. Dạy dân lập mà phải đi ở trọ thì khốn khổ hơn nhiều... Những cử nhân với mức lương bằng một người giúp việc chân tay và chưa bằng công nhân thường. Hỡi ôi, nghề cao quý trong các nghề cao quý!” 

 

Giải pháp

 

Một cuộc tham khảo ý kiến quy mô nhỏ giáo viên các cấp học từ mầm non, phổ thông đến bậc cao đẳng, đại học thì đều có chung một kết quả, đó là: thay đổi chế độ đãi ngộ mà cụ thể là tăng lương, đảm bảo việc làm cho sinh viên sư phạm mới ra trường.

 

Tôi cho rằng, đó là yêu cầu chính đáng đối với một nghề đòi hỏi cao về trình độ và thường xuyên phải chịu áp lực cao.

 

Để thay lời kết, xin được mượn lời của Cao quang cường: caoquangcuong@gmail.com cũng là trăn trở của bao người đối với ngành giáo dục của nước nhà:

 

“Nhà nước cần phải sớm có chính sách điều chỉnh đối với ngành giáo dục vì đây là ngành đào tạo con người tương lai, mà hiện nay trình độ thấp thế thì làm sao mà đất nước phát triển được. Để có thể tuyển được người tài, người giỏi Nhà nước phải có chính sách đãi ngộ hợp lý và phải đổi mới ngành giáo dục. Một cơ quan đào tạo con người tương lai mà nạn “chạy” theo thành tích, tham ô, cửa quyền vẫn tồn tại thì làm sao thu hút được nhân tài?”.

 

Nguyệt Thu