Lợi dụng mưa lũ để phạm tội, xử lý ra sao?
(Dân trí) - Theo luật sư, nếu xác định tại địa phương có tình trạng mưa lũ và nghi phạm tận dụng tình trạng này để thực hiện hành vi phạm tội, có thể áp dụng tình tiết định khung theo quy định.
Nguyễn Phương Tân (28 tuổi, ở huyện Đoan Hùng, Phú Thọ) đang bị Công an huyện Đoan Hùng tạm giam về tội Trộm cắp tài sản. Theo công an, trong quá trình hỗ trợ người dân di dời tài sản khỏi khu vực thiên tai, lực lượng chức năng phát hiện Tân có dấu hiệu nghi vấn nên kiểm tra và phát hiện bao tải đựng nhiều dụng cụ cơ khí.
Nghi phạm sau đó khai nhận đã trộm cắp 4 máy làm mộc của ông H. (ở xã Vân Du, huyện Đoan Hùng), trị giá tài sản khoảng 6,4 triệu đồng.
Với việc gây án trong thời điểm địa phương đang chống chọi với mưa lũ, nghi phạm có thể bị tăng nặng trách nhiệm hình sự hay không?.
Luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp trị, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết theo Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015, người nào trộm cắp tài sản trị giá từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc các tình tiết định khung theo quy định thì bị xử lý về tội Trộm cắp tài sản. Khung hình phạt cơ bản của tội danh này là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Đặc biệt, nếu hành vi thuộc tình tiết định khung lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội theo quy định tại khoản 3 Điều này, khung hình phạt có thể áp dụng lên tới 7-15 năm tù.
Đối với tình tiết "Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh", Luật Phòng chống thiên tai 2013 quy định khái niệm "thiên tai" là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội. Thiên tai bao gồm bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt; sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy hoặc hạn hán; nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, cháy rừng do tự nhiên, rét hại, mưa đá, sương mù, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác.
Như vậy, tình trạng mưa lớn, lũ, ngập lụt hay sạt lở tại các tỉnh miền Bắc thời gian qua có thể được coi là thiên tai. Tuy nhiên, để có thể áp dụng tình tiết định khung theo quy định của Bộ luật Hình sự, hành vi cần đáp ứng những yếu tố sau:
Thứ nhất, người phạm tội nhận thức được tình trạng thiên tai đang xảy ra tại địa phương, tức phải có sự xuất hiện của tình trạng thiên tai tại địa phương liên quan tới hành vi phạm tội;
Thứ hai, người phạm tội khai thác hoàn cảnh thiên tai để tạo điều kiện có lợi cho mình thực hiện hành vi phạm tội, hay nói cách khác là có mối quan hệ nhân quả giữa tình hình thiên tai và hành vi phạm tội. Theo đó, tình trạng thiên tai là điều kiện cần, tạo môi trường để hành vi phạm tội có thể xảy ra và nếu không có tình trạng thiên tai đó, hành vi phạm tội có thể sẽ không thể thực hiện.
Nếu đáp ứng đủ các điều kiện trên, người thực hiện hành vi có thể bị áp dụng tình tiết định khung "Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh" để phạm tội. Khung hình phạt có thể áp dụng là 7-15 năm tù.
Bên cạnh đó, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng sẽ xem xét để đánh giá, ghi nhận các tình tiết giảm nhẹ (nếu có) cho nghi phạm theo Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015. Trong trường hợp người phạm tội có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, Tòa án có thể xem xét tuyên phạt người đó mức phạt dưới mức của khung hình phạt mà người đó bị truy tố.