Làm thế nào để không lộ ảnh, clip "nóng" khi dạy học trực tuyến?
Sự việc một thầy giáo ở Đồng Tháp trong lúc dạy trực tuyến lại để lộ ảnh nhạy cảm của người phụ nữ trên màn hình máy tính, một lần nữa khiến dư luận dậy sóng.
Nhiều người đề nghị xử lý nghiêm cá nhân vi phạm đồng thời đặt câu hỏi làm thế nào để không lặp lại những sự cố tương tự?
Mới đây, trong giờ dạy toán trực tuyến, thầy L.Q.M. - giáo viên trường THPT TP Sa Đéc đã vô tình để lộ hình ảnh nhạy cảm của người phụ nữ qua màn ảnh Zoom.
Hình ảnh này xuất hiện vài phút nhưng thầy M. không biết. Vài ngày sau, giáo viên chủ nhiệm đã thông tin về sự việc này với nhà trường để xem xét, xử lý trách nhiệm đối với nam giáo viên để lộ hình ảnh nhạy cảm.
Hiện Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp đã có báo cáo gửi UBND tỉnh về kết quả xử lý bước đầu việc để lộ hình ảnh nhạy cảm trong giờ dạy trực tuyến. Nhà trường cũng đã tổ chức cuộc họp để trao đổi và yêu cầu thầy L.Q.M., giáo viên dạy toán viết tường trình, kiểm điểm, phân công giáo viên khác dạy tại lớp 11A5.
Cá nhân thầy M. đã nhận lỗi và nghiêm túc rút kinh nghiệm, đồng thời xin lỗi học sinh, phụ huynh về việc để lộ ảnh nhạy cảm khi đang dạy trực tuyến.
Trước đó, tại Trường THPT TP Cao Lãnh cũng xảy ra vụ lộ ảnh "nóng". Trong lúc dạy trực tuyến, thầy C.T.H (giáo viên Anh văn lớp 11, Trường THPT TP Cao Lãnh) đã chia sẻ màn hình cho cả lớp, để lộ đoạn trò chuyện có clip nhạy cảm, trong đó có cảnh các nữ công nhân tại nhà máy "3 tại chỗ" chuẩn bị đi tắm khiến các em học sinh nhìn thấy hình ảnh lõa thể của một phụ nữ trên màn hình.
Qua các sự việc trên, điều được nhiều phụ huynh quan tâm là chế tài xử lý đối với các cá nhân để lộ hình ảnh nhạy cảm khi dạy học trực tuyến và làm thế nào để không xảy ra những vụ việc tương tự.
Theo anh Phan Anh, Kỹ sư công nghệ thông tin, việc chụp, lưu lại những clip, hình ảnh nhạy cảm trên máy tính, điện thoại đối với một số cá nhân diễn ra khá phổ biến.
Để tránh việc lộ, lọt những hình ảnh này ra ngoài, người dùng có thể cài đặt nhiều ứng dụng "giấu" ảnh, video nhạy cảm. Đó là những phần mềm miễn phí, cho phép lưu giữ hình ảnh, video quan trọng, khi muốn xem ảnh, video, người xem phải nhập mã khóa bảo vệ.
Bên cạnh đó, mỗi cá nhân không nên đồng bộ nội dung nhạy cảm lên iCloud, Google Photo. Khi nhập tài khoản Gmail hay iCloud trên iPhone cần vào cài đặt, chọn iCloud, tắt My Photo Stream và Photo Sharing. Nếu smartphone có sẵn ứng dụng Google Photo, nên chọn tắt sao lưu và đồng bộ hóa.
Cũng theo Kỹ sư Phan Anh, nếu muốn lưu giữ những hình ảnh, video lên iCloud, Google Photo, Google Drive hay Facebook…, mỗi cá nhân nên thiết lập đăng nhập bảo mật 2 lớp.
Theo đó, mỗi lần đăng nhập tài khoản lên thiết bị khác, người dùng cần thêm mã OTP gửi về điện thoại, để tăng mức độ an toàn.
Với máy tính, khi sao chép, tải những hình ảnh, clip nhạy cảm ra máy tính, người dùng nên cẩn thận đặt password (mật khẩu) cho thư mục lưu trữ và máy tính.
"Để tránh bị lộ ảnh, clip nhạy cảm, khi điện thoại, máy tính bị trục trặc cần mang đi sửa, trước khi cung cấp mật khẩu và giao máy cho thợ, người dùng cần lưu trữ những dữ liệu quan trọng. Ngoài ra cần sửa chữa tại nơi quen biết, có uy tín và đổi mật khẩu sau khi sửa chữa.
Trong quá trình thợ thao tác, người dùng nên chờ sửa và quan sát những bước truyền tải dữ liệu"- Kỹ sư Phan Anh khuyến cáo.