Lái xe ức chế vì giới hạn tốc độ tối đa của một số cao tốc chỉ 80km/h
(Dân trí) - Nhiều người cho rằng, việc giới hạn tốc độ cao tốc tối đa 80km/h khiến lái xe cảm thấy vướng và ức chế khi lưu thông, đồng thời không phát huy hiệu quả của đường cao tốc.
Cao tốc nhưng lại "ì ạch" hơn quốc lộ
Trên các diễn đàn về ô tô, xe máy đang tạo ra hai luồng dư luận trái chiều khi nhiều người cho rằng, việc quy định tốc độ tối đa trên hàng loạt cao tốc là 80km/h chưa hợp lý, gây cản trở giao thông.
Theo tài khoản Minh Lâm, "Đoạn cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình xe đông thì được chạy với từ 100-200km/h, trong khi đoạn cao tốc mới Cao Bồ - Mai Sơn - Quốc lộ 45 chỉ được tối đa 80 km/h dù lưu lượng xe ít. Tốc độ chạy cao tốc lại không bằng tốc độ chạy ở một số quốc lộ".
Cùng chung quan điểm, tài khoản có tên Vu Luong chia sẻ: "Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (51 km) qua tỉnh Tiền Giang cũng đi với tốc độ "rùa bò", nhiều khi chạy khá ức chế vì mang tiếng cao tốc mà đi chậm hơn quốc lộ, xe chạy rùa bò dàn hàng ngang gây mất thời gian di chuyển".
"Đã là cao tốc thì phải đạt tiêu chuẩn cao tốc và tốc độ phải chạm ngưỡng 100-120 km/h mới đem lại hiệu quả khai thác. Nếu quy định tốc độ tối đa 80 km/h thì tốc độ thực tế chỉ đạt trên 60 km/h một chút vì không phải ai cũng đi với tốc độ tối đa. Cao tốc nhưng đường lại ít làn khiến xe phía sau cũng phải đi chậm theo, tự dưng cao tốc cũng thành tắc đường", tài khoản Hoang Ha.
Tài khoản Dangthanhvu: "Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết cho phép ôtô chạy tối đa 80 km/h, tối thiểu 60 km/h. So với một số cao tốc khác đang khai thác, tốc độ này thấp hơn 20-40 km/h, theo tôi điều này gây lãng phí, đồng thời còn làm tăng chi phí Logistics".
Tài khoản Thanhlong so sánh: "Một vài cao tốc thành phần của cao tốc Bắc Nam như Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm tốc độ cao nhất là 80km/h. Thậm chí một số cao tốc tốc độ khai thác tối đa một số đoạn chỉ 50 - 60 km/h như: Cam Lộ - La Sơn - Hòa Liên, Nội Bài - Lào Cai… với tốc độ này thì các xe di chuyển còn chậm hơn cả trên Quốc lộ 1A, nhiều khi di chuyển thấy chậm chạp và gây tâm lý khó chịu cho lái xe".
Cao tốc không căn cứ theo tốc độ chạy xe
Trái với những luận điểm trên, nhiều lái xe lại cho rằng, do thiết kế làn xe còn hạn chế nên việc quy định tốc độ tối đa chỉ 80km/h là phù hợp thực tế.
Theo tài khoản Levan: "Theo quan sát của tôi hầu hết các cao tốc thành phần hiện nay chỉ có 2 hoặc 4 làn xe, thậm chí không có làn dừng khẩn cấp, nếu để tốc độ quá nhanh sẽ gây nguy hiểm cho lái xe trong trường hợp không kịp xử lý khi gặp chướng ngại vật".
"Tại Nhật Bản, nhiều tuyến đường hẹp với 4 làn xe, chiều rộng 3,5 m hai làn mỗi bên, không có làn dừng khẩn cấp, vẫn cho tốc độ xe chạy tối đa 100 km/h, tối thiểu 60 km/h. Vấn đề then chốt là ý thức chấp hành luật giao thông. Nếu như ở ta còn lơ là chưa chú ý đến việc chấp hành như giữ đúng khoảng cách trên đường, tình trạng quá tải, lấn làn… gần như xảy ra thường xuyên thì việc quy định tốc độ giới hạn 80km/h là cần thiết", một tài khoản giấu tên đưa ra so sánh.
"Việc quy định tốc độ còn phụ thuộc vào lưu lượng xe, thời tiết, các tình huống thực tế, đáp ứng cơ sở vật chất, tình trạng thực tế của đường… với chất lượng cao tốc ở thời điểm hiện tại việc giới hạn tốc độ để tránh những tai nạn đáng tiếc. Cái chính quyết định tốc độ xe chạy vẫn phụ thuộc vào quan sát tình huống thực tế trên đường", tài khoản Anhkhoa chia sẻ.
Theo tài khoản Mungnguyenxuan: "Việc quy định tốc độ trên cao tốc chỉ là một phần, cái chính vẫn là người lái xe phải hiểu luật, ý thức nghiêm chấp hành khoảng cách an toàn, giảm tốc khi dòng phương tiện thoát khỏi nút ra khác, không đi lùi trên cao tốc, không đi ngược chiều trên cao tốc… có như vậy, xét trên tình hình thực tế mới nâng mức giới hạn tốc độ tối đa trên cao tốc được".
Tại khoản 12 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008 giải thích thì Đường cao tốc là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt; không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác; được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định.
Căn cứ theo Điều 9 Thông tư 31/2019/TT-BGTVT quy định về tốc độ của các loại xe cơ giới trên đường cao tốc như sau:
Tốc độ tối đa cho phép khai thác trên đường; cao tốc không vượt quá 120 km/h. Khi tham gia giao thông trên đường cao tốc, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải tuân thủ tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo hiệu đường bộ, sơn kẻ mặt đường trên các làn xe.
Trong đó, xe cơ giới gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự theo khoản 2 Điều 3 Thông tư 31/2019/TT-BGTVT giải thích.
Theo các quy định trên, tốc độ tối đa cho phép khai thác trên đường cao tốc không vượt quá 120 km/h. Như vậy, tốc độ tối đa mà người điều khiển xe ô tô được phép chạy trên đường cao tốc là 120 km/h.
Lưu ý, Khi tham gia giao thông trên đường cao tốc, người lái xe phải tuân thủ tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo hiệu đường bộ, sơn kẻ mặt đường trên các làn xe.