Hà Nội:
Kỳ án 194 phố Huế: Lần thứ 3 phải hoãn phiên toà xét xử bị cáo Trịnh Ngọc Chung
(Dân trí) - Do thiếu một số nhân chứng quan trọng trong vụ án 194 phố Huế, HĐXX đồng quan điểm với đại diện VKS tại phiên toà đã quyết định tạm hoãn xét xử bị cáo Trịnh Ngọc Chung lần thứ 3.
9h35 phút: Sau thời gian hội ý, thẩm phán Lương Đức Chính - Chủ toạ phiên toà đã công bố quyết định tạm hoãn xét xử bị cáo Trịnh Ngọc Chung với lý do thiếu một số nhân chứng quan trọng trong vụ án.
9h20 phút: HĐXX do thẩm phán Lương Đức Chính làm chủ toạ đã có mặt tại phòng xét xử. Một số nhân chứng vắng mặt không có lý do, đại diện VKS đề nghị HĐXX hoãn toà. Bị cáo Trịnh Ngọc Chung đề nghị tiếp tục phiên toà. Các luật sư bào chữa cho bị cáo Chung bất đồng trong việc đề nghị hoãn hay tiếp tục phiên toà.
9h10 phút: HĐXX vẫn chưa có mặt tại phòng xử án. Tuy nhiên, ông Dương Minh Công - Cục phó Cục THA TP Hà Nội đại diện Cục thi hành án TP Hà Nội và Chi cục Thi hành án quận Hai Bà Trưng cùng nhiều thành viên gia đình 194 phố Huế đã có mặt. Trong phiên toà xét xử trước, một trong những lý do khiến phiên toà phải tạm hoãn là sự vắng mặt của đại diện Cục thi hành án TP Hà Nội.
8h45 phút: Phiên toà xét xử bị cáo Trịnh Ngọc Chung chuẩn bị bắt đầu. HĐXX đang tiến hành kiểm tra căn cước những người tham gia phiên toà. Bị cáo Trịnh Ngọc Chung đã có mặt tại Toà. Ngay từ buổi sớm, nhiều cơ quan thông tấn báo chí cũng đã có mặt để tham dự phiên toà vốn được dư luận đặc biệt quan tâm.
Theo đó, bị cáo Trịnh Ngọc Chung bị TAND Tối cao đưa ra xét xử do phạm tội “Ra quyết định trái pháp luật”. Tại phiên tòa sơ thẩm, dù bị cáo Chung bị đề nghị mức án 5 - 6 năm tù giam nhưng TAND TP Hà Nội tuyên bản án 30 tháng tù treo khiến dư luận bức xúc cho rằng đây là mức án quá nhẹ so với hành vi phạm tội mà bị cáo gây ra.
Kỳ án 194 phố Huế với việc bị cáo Trịnh Ngọc Chung - Nguyên Chi cục trưởng chi cục thi hành án quận Hai Bà Trưng phạm tội "Ra quyết định trái pháp luật" đã khiến dư luận bức xúc trong suốt một thời gian dài. Liên quan đến việc cưỡng chế thi hành án trái pháp luật với ngôi nhà 194 phố Huế, Cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã ra Quyết định khởi tố bị can Trịnh Ngọc Chung về tội: “Ra quyết định trái pháp luật” quy định tại Điều 296 Bộ luật hình sự.
Tại phiên xử vụ 194 phố Huế, VKSND TP Hà Nội đề nghị mức án 5 - 6 năm tù giam đối với bị cáo Trịnh Ngọc Chung, nhưng HĐXX chỉ tuyên phạt bị cáo này 30 tháng tù treo. Theo bạn mức án nào là hợp lý? Mức án tù giam VKSND TP Hà Nội đề nghị Mức án treo HĐXX đã tuyên
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, dù bị cáo Chung kiên quyết chối tội và các luật sư của bị cáo gồm: Luật sư Ngô Ngọc Thủy, luật sư Nguyễn Trọng Tỵ, luật sư Bùi Quang Hưng đưa ra quan điểm bào chữa cho bị cáo nhưng đại diện Viện kiểm sát khẳng định đủ căn cứ truy tố xử lý bị cáo Trịnh Ngọc Chung ra trước vành móng ngựa để xét xử theo đúng qui định pháp luật với những dấu hiệu phạm tội đã được làm rõ sau quá trình điều tra.
Đại diện VKSND TP Hà Nội nhận định bị cáo Chung đã cố ý phạm tội đến cùng nên cần phải cách ly để giáo dục bởi tính chất vụ án là nghiêm trọng, hành vi phạm tội của bị cáo đã gây ảnh hưởng cho xã hội. Theo đó, căn cứ khoản 3, Điều 296 của Bộ Luật hình sự, đại diện VKSND TP Hà Nội đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trịnh Ngọc Chung mức án từ 5-6 năm tù. Đồng thời bị cáo Chung phải bồi thường số tiền hơn 6,6 tỷ đồng cho phía bị hại là gia đình 194 phố Huế.
Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm, thẩm phán Ngô Tiến Phong đã thay mặt cho HĐXX TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Trịnh Ngọc Chung mức án 30 tháng tù treo, mức án thấp hơn rất nhiều so với đề nghị của đại diện Viện kiểm sát. Sau phiên tòa sơ thẩm, sự bức xúc và phẫn nộ của dư luận cũng như sự bất bình của công luận với mức án được cho là quá "bèo" với Trịnh Ngọc Chung còn nóng bỏng trong một thời gian dài.
Cùng với nhiều cơ quan thông tấn báo chí thông tin sự việc, Báo Nhân dân đã có bài viết khẳng định "Một bản án thiếu sức thuyết phục" cho rằng "lý do làm cho dư luận bất bình là vì, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Trịnh Ngọc Chung mức án quá nhẹ so với hành vi phạm tội mà bị cáo này đã gây ra đối với hoạt động tư pháp và quyền, lợi ích hợp pháp của công dân".
Cùng đó, nhiều điểm bất thường trong bản án 30 tháng tù treo với bị cáo Trịnh Ngọc Chung của TAND TP Hà Nội đã được các luật sư phân tích cụ thể.
Luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng văn phòng luật sư Interla nhận định: "Mặc dù tại phiên tòa bị cáo Trịnh Ngọc Chung chưa một lần nhận tội, thậm chí còn lớn tiếng tranh cãi với công tố viên về việc mình vô tội, nhưng sau đó HĐXX đã áp dụng điểm p, điểm s Khoản 1 Điều 46, Điều 60 Bộ luật Hình sự để làm tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. Trong khi đó điểm p Khoản 1 Điều 46 quy định: “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”; điểm s Khoản 1 Điều 46: “Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác. Do vậy, mặc dù bị cáo Trịnh Ngọc Chung bị VKSND Tối cao truy tố theo Khoản 3 Điều 296 Bộ luật Hình sự, theo tội danh này thì bị cáo có nguy cơ đối diện với mức án từ 5 đến 10 năm tù, và tại phiên tòa, vị công tố viên đã đề nghị HĐXX tuyên phạt Trịnh Ngọc Chung mức án từ 5 đến 6 năm tù và buộc phải cách ly với xã hội, nhưng cuối cùng HĐXX lại đã tuyên phạt bị cáo có 30 tháng tù, cho hưởng án treo".
Cùng đó, tại phiên tòa, HĐXX lại xác định các thành viên của gia đình 194 phố Huế là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Do đó, theo quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 54 Bộ luật tố tụng hình sự thì gia đình 194 phố Huế chỉ có quyền kháng cáo bản án về các vấn đề liên quan đến bồi thường thiệt hại dân sự mà không có quyền kháng cáo đối với hình phạt của bị cáo. Thế nhưng, tại phiên tòa này, HĐXX đã tuyên tách phần bồi thường thiệt hại dân sự thành một vụ án khác, xét xử sau nếu gia đình 194 phố Huế có yêu cầu. Điều này đồng nghĩa với việc gia đình 194 phố Huế hoàn toàn không có quyền kháng cáo đối với bản án đã tuyên ngày 10/07/2014.
Dư luận một lần nữa chờ đợi bản án nghiêm minh, đúng quy định pháp luật của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao với bị cáo Trịnh Ngọc Chung.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế