Không nhận thừa kế có phải trả nợ thay cho cha mẹ đã qua đời không?
(Dân trí) - Từ bao đời nay, con cái phải có nghĩa vụ phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ là lẽ thường. Nhưng đường đời vạn biến, nhiều người cha, người mẹ ra đi để lại những khoản vay nợ, chưa trả. Trường hợp con cái không nhận thừa kế tài sản thì có phải trả nợ thay hay không?
"Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra". Từ bao đời nay, con cái phải có nghĩa vụ phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ là lẽ thường. Nhưng đường đời vạn biến, nhiều người cha, người mẹ ra đi để lại những khoản vay nợ, chưa trả. Pháp luật quy định, nghĩa vụ trả nợ phải được đảm bảo kể cả khi người đó chết bằng di sản và con cái phải thực hiện thay nghĩa vụ đó.
Trường hợp này liệu rằng con cái không nhận thừa kế tài sản có phải trả nợ thay hay không? Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết:
Trường hợp không nhận thừa kế từ cha mẹ.
Việc chết đi để lại di sản thừa kế là hoạt động được pháp luật công nhận. Đối với người thừa kế là cá nhân thì cá nhân đó phải còn sống hoặc mang thai trước khi người để lại di sản chết. Đối với người thừa kế là tổ chức thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế. Việc thừa kế được hợp pháp hóa thông qua hai phương thức.
Thứ nhất, thừa kế theo di chúc: Việc thừa kế theo di chúc đồng nghĩa với việc thừa kế theo di nguyện của người chết. Như vậy, muốn được thừa kế thì người thừa kế phải có tên trong di chúc hợp pháp do người để lại tài sản lập. Tuy nhiên, đối với con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; Con thành niên mà không có khả năng lao động, đối tượng này không cần phải xuất hiện trong di chúc cũng được thừa kế.
Thứ hai, thừa kế theo pháp luật: đây là trường hợp khi người để lại di sản không lập di chúc hoặc di chúc không có hiệu lực pháp luật thì người con thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người chết sẽ được hưởng phần di sản bằng với vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của người chết.
Tuy nhiên, phòng trừ những trường hợp có sự bất bình đẳng khi chia tài sản nên tại Điều 610 Bộ luật Dân sự mới nhất 2015 có quy định các trường hợp con không được hưởng thừa kế của cha mẹ để lại:
Từ chối nhận di sản thừa kế
Bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe; ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ; xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người để lại di sản;
Vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
Cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người đó được hưởng;
Lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản lập di chúc, giả mạo, sửa chữa, hủy, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với mong muốn của người để lại di sản...
Cụ thể hóa tại Điều 621 Bộ Luật dân sự 2014 như sau:
Điều 621. Người không được quyền hưởng di sản
Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:
a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, huỷ di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
Không nhận thừa kế, con cái có phải trả nợ thay cha mẹ đã chết?
Căn cứ theo Điều 70 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định nghĩa vụ của con cái như sau:
Điều 70. Quyền và nghĩa vụ của con
- Được cha mẹ thương yêu, tôn trọng, thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp về nhân thân và tài sản theo quy định của pháp luật; được học tập và giáo dục; được phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức.
- Có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình.
- Con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì có quyền sống chung với cha mẹ, được cha mẹ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc.
Con chưa thành niên tham gia công việc gia đình phù hợp với lứa tuổi và không trái với quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
- Con đã thành niên có quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, nơi cư trú, học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội theo nguyện vọng và khả năng của mình. Khi sống cùng với cha mẹ, con có nghĩa vụ tham gia công việc gia đình, lao động, sản xuất, tạo thu nhập nhằm bảo đảm đời sống chung của gia đình; đóng góp thu nhập vào việc đáp ứng nhu cầu của gia đình phù hợp với khả năng của mình.
- Được hưởng quyền về tài sản tương xứng với công sức đóng góp vào tài sản của gia đình.
Trong đó, không hề có quy định con cái không có nghĩa vụ phải trả nợ thay cho cha mẹ. Tuy nhiên, lại có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho cha mẹ khi nhận thừa kế từ cha mẹ. Cụ thể hóa tại Điều 615 Bộ luật Dân sự năm 2015:
Điều 615. Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại
- Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
...
Như vậy, pháp luật quy định rõ rằng, trong phạm vi di sản mà mình được hưởng, con phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do cha mẹ để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận trừ phi có thỏa thuận khác. Có nghĩa là, nếu cha mẹ chết khi chưa trả xong nợ thì mỗi người con được hưởng thừa kế phải dùng tài sản mà mình được hưởng để trả.
Trường hợp không nhận thừa kế thì không phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Trừ trường hợp có thỏa thuận trả nợ thay cho bố mẹ. Tuy nhiên, nếu người con không được từ chối nhận di sản chỉ vì muốn trốn tránh nghĩa vụ trả nợ do cha mẹ đã chết để lại là hành vi vi phạm pháp luật.
Xin cám ơn Luật sư!
Ngọc Hân (thực hiện)