Phá hoại hạnh phúc gia đình người khác bị xử phạt như thế nào?

Khả Vân

(Dân trí) - Những vụ đánh ghen đã không còn quá xa lạ trong đời sống ngày nay. Đặc biệt, sự xuất hiện của mạng xã hội khiến cho những vụ đánh ghen càng trở nên ầm ĩ, lan truyền mạnh và thường tạo "sóng" dư luận.

Nhiều người quan tâm, có chế tài nào xử phạt hành vi phá hoại hạnh phúc gia đình người khác hay không?

Phá hoại gia đình người khác hiện không có một định nghĩa chính xác theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, "phá hoại gia đình người khác" thường được hiểu là hành vi chen chân vào một mối quan hệ hôn nhân giữa hai người đã đăng ký kết hôn. Hành vi này thường kèm theo hành vi phá hoại, chia rẽ tình cảm vợ chồng; uy hiếp, đe dọa người vợ; ép người vợ phải ly hôn;…

Xử lý hành chính đối với hành vi phá hoại gia đình người khác

Luật gia Nguyễn Văn Nghĩa, Công ty Luật TNHH LSX cho biết, theo quy định tại Nghị định 82/2020/NĐ-CP, hành vi phá hoại gia đình người khác có thể đối mặt với những mức phạt sau:

- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp: chưa có vợ, hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có vợ hoặc đang có chồng.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp người thứ 3 có hành vi sử dụng hình ảnh, tin nhắn; ép buộc người vợ hoặc người chồng của người mà mình đang có hành vi ngoại tình cùng ly hôn.

Phá hoại hạnh phúc gia đình người khác bị xử phạt như thế nào? - 1

Hình ảnh cắt từ đoạn clip vụ nghi là đánh ghen ở phố Lý Nam Đế được lan truyền trên mạng.

Có thể xử lý hình sự đối với hành vi phá hoại gia đình người khác không? 

Hành vi phá hoại gia đình người khác không bị xử lý hình sự. Việc xử lý hình sự đối với các tội xâm phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng thường được đặt ra với người đang tham gia quan hệ hôn nhân đó.

Khó khăn trong việc xử lý hành vi phá hoại gia đình người khác

Quy định đặt ra là như vậy nhưng có thể thấy, những quy định này hiện chưa thể được thực thi trên thực tế bởi nhiều lý do:

Thứ nhất, những vụ việc liên quan đến ngoại tình thường dẫn đến 2 trường hợp: người đang có hành vi ngoại tình chủ động chấm dứt, hoặc ly hôn và hai người đang có hành vi ngoại tình đến với nhau bằng hôn nhân hợp pháp. Có thể thấy, dù như thế nào, việc lựa chọn đưa vụ việc ra ngoài pháp luật là rất ít bởi việc này không chỉ ảnh hưởng đến danh dự của người ngoại tình mà còn ảnh hưởng đến người vợ/chồng, con cái của người đó. Quan niệm của người Việt Nam lại là phải đến mức không thể còn cách nào giải quyết mới nhờ đến pháp luật.

Thứ hai, khi phát hiện người vợ hoặc người chồng của mình ngoại tình, thường người bị phản bội không còn khả năng suy nghĩ một cách cẩn thận. Những vụ đánh ghen từ đó xảy ra, mà người bị phạt thường là người có hành vi đánh ghen, do cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

Thứ ba, chứng cứ để chứng minh cho hành vi này thường rất ít. Khó có thể được sử dụng để chứng minh.

Vậy nên theo Luật gia Nghĩa, cho đến thời điểm hiện tại, hành vi phá hoại hạnh phúc gia đình của người khác gần như không bị xử lý theo pháp luật.