Người trốn nghĩa vụ quân sự bị xử lý hình sự trong trường hợp nào?
(Dân trí) - Luật sư cho rằng, hành vi trốn nghĩa vụ quân sự xảy ra khá nhiều nhưng số lượng cá nhân vi phạm bị xử lý hình sự rất ít. Một phần nguyên nhân do quy định của điều 332 Bộ luật hình sự có những bất cập.
Luật Nghĩa vụ quân sự khẳng định: Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Tuy vậy, trên thực tế rất nhiều thanh niên trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ vẫn cố tình trốn tránh nghĩa vụ này.
Trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự là hành vi không chấp hành lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu (khoản 8, điều 4, Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015).
Hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 120/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Ngoài việc bị xử phạt hành chính, cá nhân trốn tránh nghĩa vụ quân sự còn có thể bị xử lý hình sự theo điều 332 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Điều 332. Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự: Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Một số bất cập trong việc xử lý hình sự các trường hợp trốn nghĩa vụ quân sự
Theo Luật sư Quách Thành Lực, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, hiện nay hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự xảy ra khá nhiều nhưng số lượng cá nhân vi phạm bị xử lý hình sự rất ít. Một phần nguyên nhân của việc này là do quy định của điều 332 Bộ luật hình sự có những hạn chế, bất cập dẫn tới hiệu quả xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về nghĩa vụ quân sự gặp khó khăn.
Thứ nhất: Giới hạn chỉ có 3 hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự đã bị xử phạt hành chính mà còn tiếp tục vi phạm mới bị xử lý hình sự.
Các hành vi gồm: 1)Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự; 2) không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ; 2) không chấp hành lệnh gọi tập trung huấn luyện.
Như vậy số lượng hành vi vi phạm hành chính bị xử phạt hành chính thuộc trường hợp đủ điều kiện xử lý hình sự trong quy định tại điều 332 Bộ luật hình sự rất ít so với số lượng khoảng 14 hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính dành cho cá nhân được quy định tại Nghị định 120/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Điều này dẫn đến một thực tế người trốn tránh nghĩa vụ quân sự phải bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong 3 hành vi này sau đó lại tái phạm một trong các hành vi đó mới đủ yếu tố xử lý hình sự.
Còn nếu người được gọi khám tuyển nghĩa vụ quân sự có những hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự nhưng không thuộc 3 trường hợp liệt kê tại điều 322 Bộ luật hình sự thì dù có bị xử phạt vi phạm hành chính nhiều lần thì cơ quan chức năng cũng không đủ căn cứ xử lý hình sự họ.
Hoặc người đó có lần bị xử phạt vi phạm hành chính một trong 3 hành vi điều 322 Bộ luật hình sự nhưng những lần sau đó có hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự nằm ngoài 3 trường hợp trên thì cũng không thể xử lý hình sự.
Ví dụ: Lần một người khám tuyển đã có lệnh gọi nhập ngũ nhưng trốn tránh và bị xử phạt hành chính theo điều 7 Nghị định 120/2013/NĐ-CP hành vi vi phạm quy định về nhập ngũ. Lần 2 người đó không chấp hành lệnh khám sức khỏe, không đến địa điểm khám tuyển và bị xử phạt hành chính về hành vi không chấp hành lệnh khám sức khỏe theo điều 6 Nghị định 120/2013/NĐ-CP hành vi Vi phạm quy định về kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự. Trường hợp này, cơ quan chức năng không thể xử lý hình sự họ về tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự.
Thứ hai: Điều 332 Bộ luật hình sự quy định yếu tố cấu thành tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự gồm yếu tố:… đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này … mà còn vi phạm.
Trong khi đó khoản 1, điều 7 luật xử lý vi phạm hành chính có nêu: nếu người vi phạm chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính trong thời hạn 01 năm mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt hành chính.
Như vậy ngay khi bị xử phạt hành chính mà trong quyết định xử phạt không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, người vi phạm nộp phạt hành chính ngay thì sau một năm dù có vi phạm mới thì cá nhân đó coi như mới vi phạm hành chính lần đầu. Vi phạm lần đầu đồng nghĩa với việc không có yếu tố "mà còn vi phạm" trong cấu thành tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự.
Điều này gây thêm khó khăn, trở ngại cho việc áp dụng hình thức xử lý hình sự cho hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự.
Một số kiến nghị đề xuất
Hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy tính chất mức độ cơ quan có thẩm quyền áp dụng hình thức xử lý hành chính, xử lý hình sự cho phù hợp tương thích với mức độ vi phạm đã được luật hóa.
Luật sư Quách Thành Lực cho rằng, trong xử lý hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự, cơ quan có thẩm quyền cần tuyệt đối tôn trọng nguyên tắc: Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự được quy định tại điều 2 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 để tránh hình sự hóa hành vi vi phạm hành chính.
Trước khi có sự sửa đổi quy định tại điều 332 Bộ luật hình sự theo hướng mở rộng hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự bị xử lý hình sự hoặc tăng mức phạt hành chính để tăng tính giáo dục răn đe thì cơ quan liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thuyết phục tạo tâm lý an tâm chấp hành nghĩa vụ quân sự cho người trong độ tuổi khám nghĩa vụ cũng như người thân của họ.
Bên cạnh đó với các đối tượng trốn tránh nghĩa vụ quân sự khi bị xử phạt hành chính thì trong quyết định xử phạt cần nhất thiết phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc thực hiện kiểm tra hoặc khám sức khỏe theo kế hoạch của Hội đồng nghĩa vụ quân sự đối với hành vi quy định, buộc chấp hành lệnh gọi nhập ngũ… Sau đó cơ quan có thẩm quyền cần nghiêm túc, quyết liệt thi hành biện pháp khắc phục hậu quả đã ban hành.
Thiết nghĩ với những giải pháp đó sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, giúp cơ quan quản lý nhà nước về nghĩa vụ quân sự hoàn thành kế hoạch tuyển quân hàng năm.