Bến Tre:
Khốn khổ vì “thần chết” treo lơ lửng trên đầu: Ngành điện ra công văn thoái trách nhiệm
(Dân trí) - Ngày 18/4, bà Nguyễn Thị Bé (ngụ tỉnh Bến Tre) cho biết đã nhận công văn trả lời khiếu nại từ Tổng công ty Điện lực miền Nam. Tuy nhiên, điều hết sức phi lý là đường dây đi qua đất thổ cư nhưng ngành điện trả lời không ảnh hưởng đến việc… làm vườn.
Trước đó, như Dân trí đã thông tin trong bài “khốn khổ vì “thần chết” treo lơ lửng trên đầu” phản ánh gia đình bà Nguyễn Thị Bé trước năm 1975 có mua mảnh đất rộng 2.340 m2 tại xã Tam Phước (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre). Đến năm 2009 thì được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) gồm 300 m2 đất thổ cư, còn lại là đất trồng cây lâu năm. Thế nhưng diện tích này bị ngành điện lực cắm trụ, xây dựng đường dây điện ngang qua khu đất mà không có một đồng tiền bồi thường, hỗ trợ. Tuy nhiên, khi muốn xây cất nhà cửa bà phải vác đơn cầu cứu khắp nơi vì đường dây điện vắt ngang mảnh đất của mình. Đồng thời ngành điện lực giải quyết bằng cách di dời nhưng bắt gia đình bà Bé phải chịu 150 triệu đồng chi phí.
Sau đó, ngày 5/1, tại UBND tỉnh Bến Tre, chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc đối thoại giữa bà Nguyễn Thị Bé (ngụ TP Bến Tre) với các cơ quan ban ngành cùng ngành điện lực về việc di dời hoặc bồi thường do đường dây điện đi ngang phần đất của gia đình bà Bé.
Kết luận tại buổi đối thoại, ông Võ Thành Hạo, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre (nay là Bí thư tỉnh ủy Bến Tre - PV) cho biết: “Ghi nhận ý kiến của bà Bé và của ngành điện. UBND tỉnh Bến Tre đề nghị Tổng công ty Điện lực Miền Nam phối hợp với các ban, ngành của tỉnh Bến Tre giải quyết và có văn bản mang tính pháp lý để trả lời cho gia đình bà Bé”.
Ngày 7/4/2015, ông Nguyễn Văn Hợp, Tổng Giám đốc công ty Điện lực miền Nam có công văn số 2725 phúc đáp các nội dung liên quan tới việc khiếu nại của bà Nguyễn Thị Bé. Công văn cho rằng: “Căn cứ trên các hồ sơ kỹ thuật và hồ sơ sửa chữa được thiết lập từ năm 1992, công trình đường dây trung thế Tân Thành - Tân Thạch đi qua đất của gia đình bà Bé được vận hành từ năm 1980 (xây dựng từ năm 1978). Công trình được xây dựng để truyền tải điện từ nhà máy điện thị xã và nhà máy điện Đồng Khởi cung cấp cho huyện châu thành. Khi xây dựng từ năm 1978, các đơn vị liên quan đã tuân thủ quy định tại thời điểm đó nên không có khiếu nại. Khi công trình được xây dựng cũng như thực tế hiện nay đường dây đi qua đất của gia đình ông Lâm Thủy và bà Nguyễn Thị Bé là đất vườn, đường dây tải điện trên không với khoảng cách từ mặt đất đến độ cao dây dẫn thấp nhất ở trạng thái võng cực là 9,3 mét nên không ảnh hưởng đến việc sử dụng đất để làm vườn của gia đình”.
Nhận được công văn trả lời của Tổng công ty Điện lực miền Nam bà Bé vô cùng bức xúc. Bà Bé cho biết: “Trong cuộc đối thoại ngày 5/1, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đề nghị Tổng công ty Điện lực miền Nam phối hợp với các ban ngành xem xét thẩm quyền giải quyết và có văn bản mang tính pháp lý để trả lời cho tôi. Tuy nhiên, văn bản trả lời của Tổng công ty Điện lực miền Nam hết sức phi lý. Vì thực tế đất của gia đình tôi là đất thổ cư cộng với đất trồng cây lâu năm suốt nhiều năm qua không thể xây dựng nhà cửa và trồng cây lâu năm được vì vướng đường dây điện. Đồng thời, ngành điện cho rằng đường dây xây dựng từ năm 1978 nhưng không có bất cứ giấy tờ, hồ sơ nào để chứng minh. Vì vậy tôi sẽ tiếp tục khiếu nại và xem xét kiện Tổng công ty Điện lực miền Nam ra tòa vì chiếm dụng đất của tôi”.
Bà Bé cho rằng năm nay mình đã 76 tuổi, chồng ngoài 80 nên không biết đến khi nhắm mắt xuôi tay có đòi lại được quyền sử dụng đất hợp pháp ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay không.
Minh Giang