Vụ khốn khổ vì “thần chết” treo trên đầu: Chủ tịch tỉnh Bến Tre đề nghị giải quyết
(Dân trí) - Chiều 5/1, tại UBND tỉnh Bến Tre, chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc đối thoại giữa bà Nguyễn Thị Bé (ngụ TP Bến Tre) với các cơ quan ban ngành cùng ngành điện lực về việc di dời hoặc bồi thường do đường dây điện đi ngang phần đất của gia đình bà Bé.
Trước đó, như Dân trí đã thông tin trong bài “khốn khổ vì “thần chết” treo lơ lửng trên đầu” phản ánh gia đình bà Nguyễn Thị Bé trước năm 1975 có mua mảnh đất rộng 2.340 m2 tại xã Tam Phước (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre). Đến năm 2009 thì được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) gồm 300 m2 đất thổ cư, còn lại là đất trồng cây lâu năm. Thế nhưng diện tích này bị ngành điện lực cắm trụ, xây dựng đường dây điện ngang qua khu đất mà không có một đồng tiền bồi thường, hỗ trợ. Tuy nhiên, khi muốn xây cất nhà cửa bà phải vác đơn cầu cứu khắp nơi vì đường dây điện vắt ngang mảnh đất của mình. Đồng thời ngành điện lực giải quyết bằng cách di dời nhưng bắt gia đình bà Bé phải chịu 150 triệu đồng chi phí.
Tại buổi đối thoại, bà Bé cho rằng: “Không biết lý do nào mà ngành điện lực cắm trụ điện trên phần đất của gia đình tôi đã có sổ đỏ mà không ai giải quyết suốt trong thời gian dài. Vì vậy tôi có đất mà không được kinh doanh, hay sử dụng. Ngành điện nói rằng trụ điện cắm từ năm 1980 là không đúng và không có hồ sơ nào để chứng minh. Vì vậy tôi yêu cầu ngành điện trả lại đất cho tôi kinh doanh, buôn bán hoặc hoán đổi để tôi lấy đất ở vị trí khác”.
Đại diện Công ty Điện lực Bến Tre cho rằng, đã đưa ra 3 phương án giải quyết với gia đình bà Bé trong đó có phương án di dời, nâng độ cao với chi phí 150 triệu đồng do gia đình bà Bé chịu nhưng Bà bé không đồng ý. Trước đây khi cắm trụ điện và qua các lần sửa chữa nhưng không thấy bà Bé khiếu nại.
Còn ông Phan Thanh Hà, Đại diện Tổng Công ty Điện lực Miền Nam cho rằng: “Ngành điện rất thấu hiểu với gia đình bà Bé. Tuy nhiên nếu bồi thường cho gia đình bà Bé thì không chỉ có ở Bến Tre mà nhiều tỉnh khác không biết sẽ giải quyết như thế nào. Đồng thời, thời điểm năm 1980 không bồi thường mà chỉ hỗ trợ hoa màu, những phần đất thường không có giá trị, dân cũng không khiếu nại. Đến nay không xem xét giải quyết được vì pháp luật không xem xét hồi tố. Tuy nhiên, nếu bà Bé chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì có thể bàn với điện lực nâng độ cao, di dời nhưng chi phí do dân chịu”.
Tuy nhiên, tại buổi đối thoại đại diện UBND huyện Châu Thành (nơi đường dân điện đi qua - PV) cho biết, qua xem xét hồ sơ thì việc cấp GCNQSDĐ cho gia đình bà Bé là đúng theo trình tự quy định của pháp luật. Còn ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Chánh Thanh tra tỉnh Bến Tre cho rằng: “GCNQSDĐ là của dân nên ngành điện cắm trụ là phát sinh hành vi hành chính. Vì vậy thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết là của ngành điện”.
Kết luận tại buổi đối thoại, ông Võ Thành Hạo, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết: “Ghi nhận ý kiến của bà Bé và của ngành điện. UBND tỉnh Bến Tre đề nghị Tổng Công ty Điện lực Miền Nam phối hợp với các ban, ngành của tỉnh Bến Tre giải quyết và có văn bản mang tính pháp lý để trả lời cho gia đình bà Bé”.
Bà Bé cho rằng rất hài lòng với đề nghị giải quyết của Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre. Bởi vì từ năm 2011, Bộ Công thương đã có công văn chỉ đạo Tổng Công ty Điện lực Miền Nam kiểm tra hồ sơ xây dựng đường dây và phối hợp với chính quyền địa phương để giải quyết. Tuy nhiên, đến nay ngành điện lực vẫn chưa giải quyết và cho rằng hồ sơ xây dựng đường dây đã bị thất lạc. Bà Bé cho biết bà rất hy vọng lần này, có sự phối hợp giữa các ngành có liên quan, gia đình bà Bé sẽ được thực hiện quyền của mình để xây cất trên đất thổ cư ghi trong GCNQSDĐ theo quy định của pháp luật.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Minh Giang