Bến Tre:
Khốn khổ vì “thần chết” treo lơ lửng trên đầu
(Dân trí) - Suốt mấy chục năm, đường dây điện vắt ngang mảnh đất khiến gia đình bà Bé không thể sản xuất hay xây dựng nhà cửa. Khi có nhu cầu xây dựng nhà trên đất thổ cư bà Bé lại khốn khổ vì bắt phải chịu tốn hàng trăm triệu đồng tiền phí di dời.
Đất của dân, ngành điện kinh doanh
Phóng viên báo Dân trí nhận được đơn cầu cứu của ông Lâm Thuỷ, SN 1933 cùng vợ là bà Nguyễn Thị Bé, SN 1939 ngụ tại phường 2 (TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre) về việc đường dây điện vắt ngang mảnh đất của gia đình tại xã Tam Phước (Châu Thành, Bến Tre). Trong đơn bà Bé trình bày: “Trước năm 1975 gia đình tôi có mua mảnh đất rộng 2.340 m2 tại xã Tam Phước. Đến năm 2009 thì được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) gồm 300 m2 đất thổ cư, còn lại là đất trồng cây lâu năm. Thế nhưng diện tích này bị ngành điện lực cắm trụ, xây dựng đường dây điện ngang qua khu đất mà không có một đồng tiền bồi thường, hỗ trợ”. Tuy nhiên, khi muốn xây cất nhà cửa bà phải vác đơn cầu cứu khắp nơi vì đường dây điện vắt ngang mảnh đất của mình.
Trong công văn 3534/EVN SPC – TTBV ngày 20 tháng 6 năm 2011, ông Nguyễn Thành Duy, Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Miền Nam trả lời khiếu nại của bà Bé nêu: “Toàn bộ hành lang an toàn lưới điện trung thế Tân Thành - Tân Thạch được nhà nước giao cho Điện lực Bến Tre - Công ty Điện lực 2 xây dựng đường dây trung thế 15 KV vào năm 1980 và sau này nâng lên 22 KV. Do toàn bộ hành lang an toàn lưới điện công trình trên, theo quy định của pháp luật đã thuộc sự quản lý, sử dụng của ngành điện từ 31 năm qua nên việc yêu cầu di dời hoặc bồi thường của ông, bà sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là không thể thực hiện được”. Đồng thời ngành điện lực đưa ra 3 phương án giải quyết, trong đó phương án tối ưu nhất là di dời nhưng gia đình bà Bé sẽ chịu toàn bộ chi phí với số tiền 150 triệu đồng.
Cách giải quyết của ngành điện lực khiến bà Bé rất bức xúc vì từ lâu ngành điện kinh doanh trên đất của mình chẳng hề bồi thường một đồng nào mà giờ muốn di dời để sử dụng phần đất cất nhà cũng phải chịu tốn toàn bộ chi phí. Bà Bé cho biết: “Văn bản trả lời của ngành điện như vậy là cố tình ép chúng tôi vì mảnh đất này gia đình tôi sử dụng từ trước năm 1975, sau lần cấp GCNQSDĐ không đúng diện tích nên tôi khiếu nại đến năm 2009 mới chính thức có GCNQSDĐ. Bây giờ tôi được quyền xây nhà đúng theo quy định của pháp luật ghi trong giấy CNQSDĐ trong khi đường dây cắt ngang qua như “thần chết” treo lơ lửng trên đầu nên không thể làm được”.
Giải quyết lòng vòng suốt thời gian dài vẫn không xong
Vụ việc của bà Bé đã được giải quyết qua nhiều cấp, ngành nhưng đến nay vẫn chưa xử lý xong. Từ năm 2011 Công ty Điện lực Bến Tre, Tổng Công ty Điện lực Miền Nam có nhiều công văn trả lời đều không chấp nhận yêu cầu bồi thường hay di dời đường dây theo yêu cầu của gia đình bà Bé.
Quá bức xúc, bà Bé gửi đơn khiếu nại đến Bộ Công thương nhờ can thiệp, giải quyết. Ngày 27/10/2011, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công thương ký văn bản số 9929/BCT - ATMT gửi Tổng Công ty Điện lực Miền nam có ý kiến: “Nội dung khiếu nại của ông Lâm Thuỷ và bà Nguyễn Thị Bé liên quan tới việc bồi thường, giải phóng hành lang tuyến để xây dựng đường dây 22 KW Tân Thành - Tân Thạch, thuộc trách nhiệm giải quyết của chủ đầu tư xây dựng đường dây và chính quyền địa phương. Do vậy, Bộ Công thương yêu cầu Tổng Công ty Điện lực Miền Nam kiểm tra lại hồ sơ xây dựng đường dây và phối hợp với chính quyền địa phương để giải quyết”.
Tổng Công ty Điện lực Miền Nam cho rằng, đã được nhà nước giao cho ngành điện quản lý, sử dụng từ năm 1980 và trong suốt quá trình sử dụng không có bất cứ sự thắc mắc, khiếu nại nào của gia đình bà Bé nên việc yêu cầu bồi thường không thể thực hiện được.
Trong khi đó, chính quyền địa phương khẳng định việc cấp GCNQSDĐ đúng theo quy định của pháp luật đất đai. Trong báo cáo trả lời khiếu nại của bà Nguyễn Thị Bé, ngày 11/10/2012 Chủ tịch UBND huyện Châu Thành khẳng định: “UBND huyện Châu Thành cấp GCNQSDĐ cho bà bé năm 2009 trên cơ sở hồ sơ địa chính được lập từ năm 1990. Về trình tự, thủ tục đúng theo quy định của pháp luật đất đai. Việc khiếu nại đường điện trên phần đất của bà Bé không thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện”. Đến năm 2013, Sở Tài nguyên và Môi trường có công văn trả lời Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Bến Tre đề xuất chuyển sang cơ quan thanh tra huyện Châu Thành theo 2 hướng cụ thể: Thứ nhất việc cấp GCNQSDĐ nếu sai theo quy định của pháp luật đất đai thì kết luận kiến nghị UBND huyện Châu Thành thu hồi giấy CNQSDĐ đã cấp cho bà Bé; Thứ 2 nếu việc cấp GCNQSDĐ của bà Bé đúng theo quy định pháp luật đất đai mà tại thời điểm thi công lưới điện có quy định bồi thường thiệt hại mà chưa thực hiện thì nay phải bổi thường thiệt hại theo đúng quy định hiện hành”.
Trong công văn gửi Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre ngày 05/6/2014, ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Bến Tre nêu rõ: “Bộ Công thương đã yêu cầu Tổng Công ty Điện lực Miền Nam kiểm tra lại hồ sơ xây dựng đường dây và phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết và trả lời cho đương sự. Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh nhận thấy việc khiếu nại kéo dài khá lâu, Tổng Công ty Điện lực Miền Nam chưa phối hợp với chính quyền địa phương để giải quyết. Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh có nhiều văn bản kiến nghị nhưng vẫn chưa có kết quả. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với Tổng Công ty Điện lực Miền Nam giải quyết dứt điểm vụ việc”.
Sau đó, UBND tỉnh Bến Tre có công văn số 3640 ngày 05/8/2014 trả lời bà Bé cho rằng: “Việc khiếu nại của bà Bé hết thời hiệu thụ lý, ban hành quyết định giải quyết theo quy định. Việc khiếu nại của bà Bé được Tổng Công ty Điện lực Miền Nam có công văn trả lời. Nếu ông Lâm Thuỷ, bà Nguyễn Thị Bé không đồng ý với nội dung công văn trên, thì có quyền khởi kiện tại toà án nhân dân xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật”.
Bà Bé cho rằng, mình năm nay đã 75 tuổi còn chồng thì 81 tuổi, nếu gửi đơn kiện ra toà xét xử sơ thẩm, phúc thẩm thì không biết có còn sống tới lúc đó để đòi lại quyền sử dụng đất hợp pháp hay không. Trong khi đó mấy chục năm qua, mảnh vườn của bà chỉ trồng được cây chuối chứ không dám trồng cây lâu năm hay xây cất nhà mặc dù trong GCNQSDĐ đây là đất thổ cư và cây lâu năm.
Minh Giang