Khoảng trống về dinh dưỡng học đường

PV

(Dân trí) - Là người làm công tác xã hội, từng có dịp đi khảo sát thực tế ở nhiều địa phương, cũng như qua thông tin trên báo chí, tôi nhận thấy vấn đề dinh dưỡng học đường ở nước ta còn quá nhiều bất cập.

Tôi vừa thức trắng đêm trông con trai 5 tuổi, cháu kêu đau bụng, nôn và đi ngoài nhiều lần. Cả gia đình nghi ngờ cháu bị ngộ độc thực phẩm sau bữa tiệc Halloween ở trường khi có ít nhất bốn bạn cùng lớp cũng có triệu chứng tương tự.

Nhớ lại lần họp phụ huynh tại trường, khi tôi thấy chiếc cốc nước bẩn được đưa ra mời khách, nỗi lo ấy càng sâu sắc hơn. Một trường học với cơ sở vật chất khang trang ở giữa thành phố lớn như vậy mà còn khiến phụ huynh lo lắng thì các trường học ở vùng sâu, vùng xa với điều kiện nghèo nàn sẽ ra sao? Liệu vệ sinh, an toàn thực phẩm cho học sinh ở đó có được đảm bảo?.

Bữa ăn học đường từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của trẻ em. Là người làm công tác xã hội, từng có dịp đi khảo sát thực tế ở nhiều địa phương, cũng như qua thông tin trên báo chí, tôi nhận thấy vấn đề dinh dưỡng học đường ở nước ta còn quá nhiều bất cập, cần được quan tâm và giải quyết một cách triệt để.

Khoảng trống về dinh dưỡng học đường - 1

Học sinh trường tiểu học Cốc Lầu bị ngộ độc thực phẩm đang điều trị ở cơ sở y tế địa phương (Ảnh minh họa).

Những nghiên cứu gần đây cho thấy, dinh dưỡng đầy đủ không chỉ giúp trẻ phát triển chiều cao và cân nặng mà còn nâng cao khả năng tư duy và sức đề kháng, đảm bảo sự phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng.

Báo cáo gần đây của Viện Dinh dưỡng Quốc gia về thực trạng dinh dưỡng người Việt cho thấy, một mặt, suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn đang là mối đe dọa với trẻ em khi vẫn còn hơn 18% trẻ mắc, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi (lên tới 25,9% như tại Tây Nguyên). Mặt khác, tình trạng thừa cân béo phì, đặc biệt ở trẻ em thành thị, gia tăng nhanh chóng, tăng từ 8,5% năm 2010 lên đến 19,0% vào năm 2020.

Ngoài ra, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng cũng không thể bỏ qua, vì nó âm thầm ảnh hưởng đến sức khỏe và tương lai của cả một thế hệ .

Với bữa ăn học đường, phụ huynh, dù rất muốn tham gia giám sát bữa ăn của con em mình, thường gặp phải rào cản lớn từ việc thiếu kiến thức cơ bản về dinh dưỡng. Câu chuyện không đơn giản chỉ là có mặt ở trường để quan sát mà cần sự hiểu biết khoa học về cách cân bằng dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn.

Thực tế cho thấy, nếu không có sự hỗ trợ về mặt kiến thức và thiếu cơ chế giám sát hiệu quả, sự tham gia của phụ huynh sẽ không phát huy được tác dụng. Họ cần được đào tạo, và cần có cơ chế giám sát rõ ràng để có thể góp phần đảm bảo bữa ăn học đường đạt chất lượng.

Ở nhiều trường học, đặc biệt là bậc mầm non, việc chuẩn bị bữa ăn cho trẻ chủ yếu do những cô nuôi làm hợp đồng tạm thời, không được đào tạo bài bản. Họ thường chỉ nhận được hướng dẫn sơ sài, trong khi lẽ ra phải được tập huấn nghiêm túc để có thể đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của trẻ nhỏ.

Chính sách đãi ngộ và hỗ trợ cho đội ngũ này cũng chưa rõ ràng, chưa tạo động lực để họ gắn bó và phát triển kỹ năng. Hệ quả là, chất lượng dinh dưỡng học đường tiếp tục bị ảnh hưởng, nhất là trong bối cảnh mà tình trạng thiếu nhân lực y tế học đường và chuyên gia dinh dưỡng vẫn chưa được cải thiện đáng kể .

Bên cạnh nỗ lực từ gia đình và nhà trường, các doanh nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng thực phẩm học đường. Họ không chỉ là nhà cung cấp nguyên liệu mà còn có thể đóng góp qua các hoạt động tài trợ, hỗ trợ bữa ăn cho những vùng khó khăn.

Tuy nhiên, điều này chỉ phát huy hiệu quả khi có một hành lang pháp lý vững chắc để định hướng doanh nghiệp thực hiện đúng trách nhiệm xã hội, vượt qua động cơ lợi nhuận đơn thuần.

Các doanh nghiệp chân chính cần một môi trường cạnh tranh công bằng, nơi họ được khuyến khích sản xuất và phân phối thực phẩm chất lượng cao, an toàn, phù hợp với yêu cầu dinh dưỡng. Đồng thời, cũng cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, từ tín dụng ưu đãi đến các quy định rõ ràng về kiểm soát chất lượng và xử phạt nghiêm minh đối với những hành vi vi phạm. Nếu không, chúng ta sẽ mãi rơi vào vòng luẩn quẩn của sự thiếu minh bạch và kém hiệu quả, làm xói mòn giá trị và mục tiêu ban đầu .

Trẻ em dành phần lớn thời gian trong ngày ở trường học, do đó, chế độ ăn uống và thể dục tại đây có tác động trực tiếp đến sự phát triển của các em. Việc xây dựng một môi trường học đường lành mạnh với thực phẩm giàu dinh dưỡng và các hoạt động thể chất phù hợp là cần thiết để nâng cao sức khỏe học sinh.

Đây không chỉ là trách nhiệm của nhà trường mà còn là nhiệm vụ của cả cộng đồng, trong đó có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, doanh nghiệp, và cơ quan nhà nước .

Tại Hội thảo quốc tế dinh dưỡng người Việt do Viện Dinh dưỡng Quốc gia tổ chức vào tháng 10 vừa qua, các báo cáo tham luận đã cho thấy 86% chiều cao tối đa của con người đạt được trong độ tuổi dưới 12 tuổi. Đây chính là giai đoạn quyết định sự phát triển tối đa tầm vóc, thể lực và trí lực của con người.

Chính vì vậy, vấn đề chăm lo dinh dưỡng cho trẻ em ở giai đoạn này, đặc biệt là dinh dưỡng học đường, là đặc biệt quan trọng. Thành công của Nhật Bản trong việc cải thiện chiều cao của người dân nước này thông qua những chính sách và hành động cụ thể về dinh dưỡng, đặc biệt là bữa ăn học đường, được áp dụng ngay sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ II, là một ví dụ tiêu biểu.

Cũng tại hội thảo vừa nêu, các chuyên gia cho rằng cần sớm luật hóa các chính sách về dinh dưỡng học đường để bảo vệ sức khỏe và tầm vóc thế hệ trẻ. Một bộ luật hoàn chỉnh không chỉ tập trung vào bữa ăn hay sữa học đường mà còn bao gồm cả giáo dục thể chất và thói quen dinh dưỡng lành mạnh.

Những bước tiến này sẽ không chỉ giải quyết các thách thức hiện tại mà còn tạo nền tảng vững chắc cho tương lai, nơi thế hệ trẻ Việt Nam phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ .

Chỉ khi chúng ta thực sự coi trọng và đầu tư cho dinh dưỡng học đường một cách nghiêm túc, từ việc xây dựng chính sách đến thực thi, thì bữa ăn ở trường mới có thể trở thành nơi khởi nguồn sức khỏe, chứ không còn là nỗi lo. Đây cũng là cách để chúng ta đạt được mục tiêu chung của Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2022.

Nguyễn Minh Hoàng