“Khánh kiệt” vì chi tiền mừng tuổi

Không biết từ bao giờ, ý nghĩa nguyên bản của tục lì xì ít nhiều đã bị mai một. Trong mắt một bộ phận người Việt, lì xì trở thành một “nghĩa vụ”, tiền lì xì nhiều hay ít cũng là một cách thể hiện bản thân.

Lì xì càng nhiều càng hiếu – lễ?

Sát ngày về quê ăn Tết, vợ chồng anh Thắng – chị Mai (Thanh Xuân – Hà Nội) vẫn đau đầu vì không biết thu xếp như thế nào cho ổn thỏa với “định mức quỹ tiền mừng tuổi” mà hai vợ chồng phải lo.

Họ nhà anh Thắng ở là họ lớn, bố mẹ anh cũng thuộc hàng vai vế cao nên đông con, đông cháu nên danh sách người cần mừng tuổi lớn – bé – trẻ - già dài dằng dặc.
 
Lì xì càng nhiều càng hiếu – lễ?
Lì xì càng nhiều càng hiếu – lễ?

Anh cho biết, vì hai cụ rất kỹ tính trong việc đối nội đối ngoại với hai họ nên việc mừng tuổi dịp Tết ông bà cũng rất cẩn thận, không để người quên, người sót. Suốt ba ngày Tết, ai ai đến nhà anh chúc mừng, thăm hỏi cũng được mẹ anh trao tận tay tiền mừng tuổi. Dù ít, dù nhiều thì họ cũng phấn khởi, vui vẻ nhận. Một phần nhờ vậy mà Tết năm nào không khí trong nhà cũng tưng bừng, tíu tít.

Vài năm nay, cho rằng vợ chồng anh làm ăn khấm khá, kinh tế vững hơn nên ông bà giao hẳn cho nhiệm vụ thay cha mẹ mừng tuổi. Chuyện sẽ không có gì đáng nói, nếu như năm nay, trước Tết cả tháng trời ông bà đã gọi con trai ra để “khoán” cho việc phải lì xì Tết cho các con cháu nhiều hơn. Lí do ông bà dẫn ra là đã có người “mát mẻ” chê tiền mừng tuổi không “hậu” như mọi năm.

“Nhà mình có điều kiện hơn cả trong họ, cả năm chỉ có một cái Tết. Chẳng phải khoe khoang gì nhưng cũng không thể để người ta chê cười, bảo mình keo kiệt chuyện cỏn con này được” – mẹ anh ngọt nhạt nói. Những lời này khiến anh Thắng chạnh lòng vì không biết từ bao giờ, độ dày mỏng của chiếc phong bao lì xì đã thành một cách đo đếm tình cảm, điều kiện của người trao tặng?

“Dù rất muốn cha mẹ hài lòng, nhưng hai vợ chồng tôi cũng khó xuôi theo bởi, năm nay việc kinh doanh không thuận lợi, chẳng riêng tiền Tết, mà chi tiêu riêng mình chúng tôi cũng đã phải cắt giảm nhiều…” – anh Thắng phân vân nói.

“Khánh kiệt” vì chơi sang mừng tuổi

Trái ngược với vợ chồng anh Thắng – biết rõ hoàn cảnh của mình để xem xét mức lì xì hợp lí, rất nhiều người vẫn sẵn sàng dốc túi chỉ vì muốn đẹp mặt với cử chỉ hào phóng ngày Tết này.

Có những gia đình, dù kinh tế bết bát nhưng không dám hé răng một lời với người thân ở quê, gắng gượng chi tiền mừng tuổi hậu hĩnh. Cũng vì chuyện này, không ít cặp vợ chồng cự cãi, mất đi cái Tết yên lành.

“Năm ngoái làm ăn thua lỗ đến mức phải bán nhà, bán xe, nhưng chồng tôi vẫn nhất quyết giấu không cho bố mẹ, anh chị em biết. Về quê thăm họ, anh ấy vẫn mạnh tay chi tiền mừng tuổi đến mức tôi nhìn cũng phải xót ruột!” – chị Lê Thị Hương (Hoàn Kiếm – HN) chia sẻ.

Chị Hương kể, bình thường, chị không bao giờ lăn tăn chuyện chi tiêu tiền nong của chồng. Nhưng với cách anh mừng tuổi cho mọi người, bạn bè, thân sơ đều tiền trăm, tiền triệu… thì không thể chịu nổi.

“Có những người họ hàng xa, cả năm mới gặp, gặp là đòi tiền mừng tuổi, anh ấy cũng cười ha hả móc ví. Hết tiền lại hỏi sang vợ, như thể nhà có máy in tiền vậy!” – chị Hương buồn phiền kể.

Rút kinh nghiệm, năm nay chị đã chủ động chuẩn bị sẵn từng phong bao mừng tuổi, cất công lên danh sách người nhận như đi mời cưới, vậy mà anh vẫn khó chịu ra mặt, cho rằng vợ kì kèo, nhỏ nhặt.

Tiền không phải là giấy mà cho đi không tiếc, nên dễ hiểu nỗi khó xử, xót xa của các bà vợ như chị Hương. Song, vẫn có người tình nguyện dù khánh kiệt vì chi tiền mừng tuổi cũng vui lòng. Bởi với họ, đây là cử chỉ chứađựng rất nhiều ý nghĩa.
Là sinh viên mới ra trường, đi làm được gần nửa năm, nhưng chị Mai Thị Ngọc (Phú Thọ) đã quyết vét sạch cả tiển lương, thưởng, thậm chí lấy cả khoản dành để trả tiền thuê nhà đem về cho mẹ dịp Tết này.

“Sắm sửa Tết là một chuyện, mình cũng phải để dành tiền mừng tuổi các cô bác ruột, rồi đám em họ gần cho bố mẹ được mát lòng. Khi xưa mình còn bé, các cô bác đã cho nhiều, mừng tuổi Tết bao giờ cũng rất to coi như ủng hộ cho mình đi học. Nay đi làm ra tiền rồi, thì một chút này coi như báo đáp cũng chưa thấm vào đâu. Dù có hết sạch tiền, thì ra Tết, đi làm… mình vẫn có thể xoay sở tạm được. Nếuđợi có nhiều tiền mới nghĩđến việc này thì có khi chẳng còn cơ hội nữa..." – chị Ngọc vui vẻ nói.

Tấm lòng thành ấy của Ngọc gửi gắm cả vào những đồng tiền thơm thảo mà có lẽ mẹ và gia đình, người thân cô đều sẽ cảm nhận được.

Theo Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm