Hung thủ giết người rồi tự sát và những rủi ro pháp lý chờ đợi phía bị hại
(Dân trí) - Nguyên điều tra viên cho rằng với quy định hiện tại, phía bị hại sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc đòi lại các quyền và lợi ích hợp pháp nếu vụ án không khởi tố do nghi phạm duy nhất đã tự sát.
Thời gian qua, trong xã hội xảy ra nhiều vụ án mạng với điểm chung là sau khi gây án, nghi phạm đều tìm cách tự sát nhằm trốn tránh trách nhiệm trước pháp luật. Có thể kể đến như vụ án Giáp Thị Huyền Trang (27 tuổi) bắt cóc, sát hại trẻ em ở huyện Gia Lâm (Hà Nội) rồi tự tử; Tạ Duy Khanh (38 tuổi) sát hại, phân xác á khôi 17 tuổi rồi dùng dao tự sát nhưng bất thành hay mới đây nhất là Nguyễn Văn Hiệp (37 tuổi) giết nhân viên một cửa hàng quần áo ở Bắc Ninh sau đó nhảy cầu tự tử.
Trường hợp này, nếu vụ việc không có đồng phạm, cơ quan điều tra sẽ ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Khi đó, quyền lợi của bị hại sẽ ảnh hưởng ra sao? Những vấn đề nào cần được điều chỉnh nhằm đảm bảo tối ưu quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại trong các vụ việc có tính chất như trên?.
Những rủi ro pháp lý chờ đợi bị hại
Trích dẫn khoản 7 Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, luật sư Hoàng Ngọc Biên (Nguyên Điều tra viên Hình sự cao cấp Bộ Quốc phòng) cho biết, một trong những căn cứ để không khởi tố vụ án hình sự là việc người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác. Với quy định này, cần hiểu rằng khi một hoặc nhiều người thực hiện hành vi phạm tội quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 nhưng đã chết thì không khởi tố vụ án hình sự đối với người đó.
Nói cách khác, khi xem xét 4 yếu tố cấu thành tội phạm mà thiếu yếu tố chủ thể của tội phạm (người phạm tội đã chết) thì mục đích của hoạt động điều tra chủ yếu nhằm làm rõ động cơ, mục đích, nguyên nhân thúc đẩy người đó gây án. Việc xem xét xử lý đối với người đã chết cũng không đạt được mục đích, nhiệm vụ của pháp luật hình sự là trừng trị, răn đe những người có hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Lấy ví dụ vụ việc Nguyễn Văn Hiệp sát hại nhân viên cửa hàng quần áo ở Bắc Ninh rồi nhảy cầu Thanh Trì tự tử, với kinh nghiệm nhiều năm tham gia điều tra, ông Biên đánh giá các hoạt động điều tra xác minh để làm rõ sự việc, xác định danh tính nạn nhân, nghi phạm cùng các mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của tội phạm với hậu quả xảy ra vẫn sẽ được tiến hành. Đặc biệt, cần khai thác thêm các nguồn thông tin từ người nhà, người thân, bạn bè của nạn nhân để làm rõ nguyên nhân thúc đẩy động cơ, mục đích của Hiệp khi ra tay tước đoạt mạng sống người khác là gì.
Nếu công an xác định không có đồng phạm cùng tham gia hoặc giúp sức tích cực, thúc đẩy Hiệp phạm tội thì vụ án sẽ được khép lại. Tương tự đối với các vụ án khác, nếu nghi phạm đã tử vong và không có dấu hiệu đồng phạm, vụ án cũng sẽ được đóng lại.
"Pháp luật hình sự không có điều khoản quy định gia đình người phạm tội phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự thay người phạm tội cho gia đình nạn nhân. Còn theo Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015, những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Như vậy, có thể hiểu nếu nghi phạm chết, người thừa kế (cha, mẹ, vợ, con…) sẽ có trách nhiệm bồi thường cho gia đình bị hại nhưng chỉ trong phạm vi di sản thuộc quyền sở hữu của người đó. Pháp luật không ép buộc cha mẹ, vợ, con phải sử dụng tài sản của mình để bồi thường cho gia đình bị hại", luật sư Biên phân tích.
Thông thường trong các vụ án, nếu nghi phạm tử vong, việc bồi thường chủ yếu dựa vào thỏa thuận từ 2 phía. Trong trường hợp gia đình nghi phạm không chấp nhận mức yêu cầu bồi thường, còn khối tài sản người phạm tội để lại cũng không đủ lớn, việc yêu cầu bồi thường thiệt hại của phía bị hại sẽ gặp nhiều khó khăn, dẫn tới các quyền và lợi ích hợp pháp ít nhiều bị ảnh hưởng.
"Tội phạm xuất phát từ nền tảng đạo đức, nhân cách sống không tốt"
Phân tích diễn biến tội phạm đối với những trường hợp này, luật sư Biên nhìn nhận người phạm tội tự sát là những người ở trong trạng thái tiêu cực được đẩy đến đỉnh điểm, nó đã biến thành lòng thù hận, giày vò tâm lý và còn bộc lộ tâm lý rũ bỏ, trốn tránh trách nhiệm của mình trước pháp luật đối với hậu quả do họ gây ra.
"Thực trạng tội phạm nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xảy ra thời gian qua là thực tế đáng báo động. Liên tiếp các sự việc xảy ra vô tình tạo ra những tiền lệ xấu, tạo ra lối sống thiếu trách nhiệm, manh động, suy đồi về đạo đức cùng tâm lý "chết là hết" đối với những người có ý định thực hiện hành vi phạm tội. Điều này gây khó khăn cho cả cơ quan điều tra trong quá trình giải quyết vụ việc cũng như gia đình bị hại trong việc yêu cầu bồi thường.
Tuy nhiên, để thay đổi quy định pháp luật nhằm chấn chỉnh thực trạng này là vấn đề rất khó bởi cần xây dựng lại hệ thống các quy phạm pháp luật, vừa nhằm điều chỉnh riêng cho nhóm tội phạm được quy định cụ thể tại các Chương 14, 15 và 17 của Bộ luật Hình sự 2015, vừa điều chỉnh các hành vi trong mối quan hệ tổng hòa giữa những phạm trù đạo đức xã hội, nhân cách sống con người, văn hóa ứng xử của hành vi con người trong gia đình nhỏ và xã hội lớn được thể chế hóa trong nền tư pháp của nước ta", ông Biên bình luận.
Do đó, vị nguyên điều tra viên cho rằng để giảm bớt, ngăn chặn loại tội phạm này thì trước tiên cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến mọi tầng lớp, mọi đối tượng trong xã hội nhằm phòng ngừa từ xa, sớm phát hiện diễn biến tâm lý tiêu cực, ngăn chặn sớm tội phạm nghiêm trọng xảy ra bởi mọi tội phạm diễn ra đều có những biểu hiện tâm lý riêng biệt.
Những vụ án kinh hoàng trong 1 năm trở lại đây như Phạm Văn Dũng (Ninh Bình), Tạ Duy Khanh (Thái Bình) hay Nguyễn Văn Hiệp (Thái Nguyên) đều có điểm chung là xuất phát từ mâu thuẫn tích tụ lâu ngày, không được hóa giải. Đến khi bùng phát, thủ phạm đã căng thẳng, quẫn trí và không thể kiểm soát hành vi.
Nói về diễn biến tâm lý, ông Biên chia sẻ mỗi con người thường có 3 loại tâm lý ghen cơ bản, đó là ghen tình, ghen tiền và ghen tài. Trong đó, ghen tình là thứ ghen chạm đến bản năng độc quyền tuyệt đối trong tâm tưởng của con người nhiều nhất bởi người ghen tình thường thấy mình bị đổ vỡ, hụt hẫng, thậm chí bị sỉ nhục, phản bội, cảm thấy mất đi một thứ gì đó đã hy vọng, nuôi nấng.
Từ đó dẫn đến tâm lý thúc đẩy tư duy tình cảm tiêu cực, phát sinh tâm lý nội tâm - mất lý trí, thúc đẩy hành động trả thù rất dữ dội, không kiểm soát được hành động của mình. Ngoài ra, những loại tội phạm này thường có nền tảng đạo đức, nhân cách sống không tốt, có xu hướng sử dụng bạo lực để giải quyết mọi việc. Đó là nguyên nhân từ nền tảng nhận thức xã hội, kiến thức pháp luật, phương pháp giải quyết, xử lý vấn đề còn rất hạn chế, bế tắc trong cuộc sống.
Vì vậy, gia đình, bạn bè và người thân cần phải gần gũi, giải tỏa tâm lý tiêu cực ở trong con người họ thì mới giúp họ thoát ra khỏi tâm lý, hành động tiêu cực.
Bên cạnh đó, những sự việc xảy ra thời gian qua cho thấy hành động từ phía nạn nhân, dù không phải nguyên nhân chính, song cũng là yếu tố dẫn tới những hành động tàn độc của nghi phạm.
Những bài học kinh nghiệm cho thấy đứng trước những kẻ đang quẫn trí về tiền bạc hay sục sôi, ghen tuông về tình cảm, sự tỉnh táo, bình tĩnh để tìm cách thoát ra khỏi xung đột căng thẳng một cách khôn ngoan là "chìa khóa vàng" để thoát nạn. Chỉ một cử chỉ, hành động khôn ngoan, sự nhẫn nhịn trong khoảnh khắc quyết định, tránh đẩy xung đột leo thang sẽ giúp ngăn ngừa sự việc đáng tiếc xảy ra.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn tồn tại tâm lý theo xu hướng không sợ, thách thức, đe dọa hoặc nhục mạ quá đáng gây leo thang, thúc đẩy tâm lý tội phạm mà hậu quả để lại cho cả hai bên cùng phải gánh chịu. Đây gọi là những bước trượt tâm lý tiêu cực, khiến thúc đẩy kẻ thủ ác ra tay với nạn nhân rồi tự sát để kết thúc mọi chuyện (không ăn được thì đạp đổ; sống cùng sống; chết cùng chết).
Đó là tâm lý trong vòng luẩn quẩn, cái kết không có hậu của những kẻ đường cùng, là căn nguyên của những vụ án mạng kinh hoàng đã xảy ra trong thời gian qua.
Hoàng Linh