Bạn đọc viết:

Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức công dân

Trong quá trình nghiên cứu và thực hành về đạo đức. Bác Hồ luôn xem xét đánh giá một cách toàn diện, trong đó Người luôn coi trọng vấn đề đạo đức công dân.

Bởi lẽ Một đời người ai cũng làm việc, làm tròn trách nhiệm của một công dân đối với tổ quốc. Một cán bộ khi đang được dân tín nhiệm, giao giữ một trọng trách nào đó chỉ là nhất thời. Và, khi hoàn thành nhiệm vụ dân giao, Đảng cử rồi về hưu, trở về với cuộc sống đời thường, trở lại vị trí “làm dân”, tiếp tục làm tròn trọng trách của công dân đối với đất nước trong điều kiện mới.

Nội dung của đạo đức công dân theo Bác là: Trước hết phải sống và làm việc phải tuân theo hiến pháp và pháp luật; Tuân theo các nguyên tắc, quy chế của địa phương, cơ quan, đơn vị, sồng hòa đồng với nhân dân, với đồng chí, đồng bào. Đạo đức công dân trước hết là phải sống, lao động thực thụ, lao động có năng suất, chất lượng, hiệu quả, lao động có sáng kiến, kỹ thuật, lao động làm ra nhiều của cải cho bản thân, gia đình và xã hội. Sống có ích trước hết cho mình, cho gia đình, quê hương, đất nước. Phải biết yêu Tổ quốc, yêu đồng bào và cao hơn là nhân loại.
 
Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức công dân  - 1
Biểu quyết bằng thẻ Đảng tại đại hội, một hình thức dân chủ mới trong Đảng

Người công dân phải làm tròn trách nhiệm của mình với đất nước đó là: Phải nộp thuế đúng kỳ, đúng hạn, đầy đủ số lượng, chất lượng; Phải hăng hái tham gia công việc chung như bảo vệ xóm làng, cơ quan, đơn vị; Phải có tấm lòng từ thiện, phải biết thương người như thể thương thân; Phải tham gia công việc đền ơn, đáp nghĩa, giúp đỡ người già, người có công với tổ quốc, chăm lo cho gia đình chính sách, neo đơn, tàn tật; Tích cực tham gia bảo vệ xóm làng, bảo vệ nơi công cộng.

Từ nền đạo đức chung, đạo đức công dân, Bác mới đi sâu bàn thêm về đạo đức của từng ngành, từng nghề trong cuộc sống, làm việc. Bởi theo Bác thì một cán bộ, đảng viên hay nhân viên tốt, trước hết phải là một công dân tốt. Muốn làm một cán bộ tốt, trước hết mình phải thực hiện tốt trách nhiệm của mình, trước bà con nhân dân nơi mình cư trú, phải ăn ở sao cho có trước, có sau với bà con nhân dân, với anh em đồng chí, đồng đội, phải được nhân dân, được mọi người thương yêu và ủng hộ, giúp đỡ mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trọng trách đang giữ, cũng tức là làm tròn trách nhiệm của một công dân.

Nếu mỗi một cán bộ, đảng viên nhận thực đúng, đầy đủ về đạo đức công dân, sẽ có hành vi đạo đức đúng và tất yếu được nhân dân tin yêu, kính trọng, che chở, ủng hộ. Điều này được khẳng định rõ qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta, cán bộ vì dân, đấu tranh để giành lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, cho đất nước, cho cả dân tộc, nên được dân che chở, nuôi giấu, họ sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình để bảo vệ cán bộ.

Ngày nay cuộc sống đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng khấm khá. Nhưng xem ra vấn đề đạo đức nói chung, đạo đức của từng người, từng ngành, đạo đức xã hội.... còn nhiều việc phải bàn. Chúng ta đang trăn trở nhiều ở lớp trẻ, ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, Đảng viên, nhất là cán bộ có chức có quyền; Chúng ta đang phân tâm về sự suy thoái đạo đức như nạn tham ô, tham nhũng, lãng phí của công.

Chúng ta đang rất băn khoăn với “bệnh vô cảm”, thiếu trách nhiệm, sự thờ ơ, vô trách nhiệm của thế hệ trẻ?! Phải chăng vấn đề đạo đức làm người, từ nền tảng đạo đức công dân đang bị lãng quên. Không thấy rõ thành quả hôm nay là sự hy sinh xương máu của cha ông của ngày hôm qua. Không thấy rõ trách nhiệm của mình là phải xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp hơn, xây dựng hạnh phúc gia đình ngày càng bền chặt hơn, cho xứng danh với truyền thống đạo đức của con Hồng Cháu Lạc!

Mỗi chúng ta tự soi lại mình từ cách sống, làm việc, học tập, tu dưỡng, phấn đấu sao cho xứng đáng với đạo đức truyền thống của dân tộc và trách nhiệm, nghĩa vụ của một công dân, để góp phần xây dựng đất nước theo mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, xây dựng đất nước ta “sánh vai với các cường quốc năm châu” Như Bác Hồ hằng mong muốn!
 
Phùng Văn Mùi
 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm