Bạn đọc viết:

Học tại chức, quên tại chỗ?

(Dân trí) - Dư luận khá bất bình với vấn nạn học để lấy bằng cấp với mục đích không trong sáng. Đào tạo tại chức có phần vô hình trung tiếp tay cho hiện tượng tiêu cực này. Nói cách khác, đại học tại chức hiện nay phần nào phát sinh từ việc chạy theo bằng cấp.

Học tại chức, quên tại chỗ? - 1
Một chiêu quay bài "hiểm" của nữ sinh (Nguồn ảnh internet)

Lâu nay người ta hay xì xào, bóng gió về hệ đào tạo đại học tại chức với những ví von không lấy gì làm hay ho. Đã có rất nhiều ý kiến tâm huyết của những người quản lý giáo dục, nhà khoa học với tinh thần thẳng thắn, nhiều khi gay gắt về câu chuyện đại học tại chức của chúng ta.

Còn nhớ, cách đây ít lâu, GS Nguyễn Đình Cống đã viết bức thư rất thẳng thắn gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT với những lời lẽ khá nặng như “bê từng chảo lửa hắt huỳnh huỵch” (chữ của Trần đăng Khoa trong Chân dung và đối thoại) vào hệ đào tạo này, khiến không ít người không vừa lòng khi ông đặt vấn đề rằng “bức tranh đào tạo tại chức quá đen tối”. Còn Đà Nẵng – Vâng, lại là Đà Nẵng, vừa có ý định không tuyển dụng người có bằng tại chức vào các cơ quan nhà nước của địa phương này.

Trước kia, khi đất nước còn khó khăn thì mô hình đào tạo tại chức tỏ ra phù hợp bởi đã cung cấp cho xã hội đội ngũ cán bộ đáp ứng được nhu cầu lúc đó, trong đó có không ít người giỏi giang. Còn hiện nay, khi xã hội cần nguồn nhân lực có trình độ cao, khi mà kỳ thi tuyển sinh ĐH trở thành cuộc thi sát hạch thực sự khốc liệt thì sự tồn tại của mô hình đại học tại chức với kiểu thi đầu vào thoáng đến mức lỏng lẻo, quả có thể nói là một sự... vô duyên.

Bởi lẽ, muốn tiếp thu có hiệu quả kiến thức ở trình độ ĐH thì đòi hỏi người học phải có nền tảng kiến thức phổ thông vững chắc ở trình độ khá, giỏi. Thế mới có việc thi tuyển sinh đại học để lựa chọn. Cho dù vẫn còn không ít những phàn nàn về chất lượng đào tạo đại học của chúng ta, cho dù thực học mới là quan trọng nhất, nhưng không vì thế mà cho rằng: học hệ đào tạo nào không quan trọng miễn là làm được việc, bởi nói gì thì nói, tấm bằng đại học chính quy không phải là tất cả nhưng cũng có thể coi là “cái vé” đáng tin cậy trong tuyển dụng.

Mặt khác, dư luận xã hội đang khá bất bình với vấn nạn học để lấy bằng cấp với mục đích không trong sáng. Đào tạo tại chức vô hình trung tiếp tay cho hiện tượng tiêu cực này. Nói cách khác đại học tại chức hiện nay phát sinh từ "nạn" chạy theo bằng cấp. Có cơ quan vài năm trước vừa mới báo cáo trình độ cán bộ còn yếu, thì năm nay đã "phấn khởi" thông báo 100% cán bộ có trình độ ĐH. Có nghĩa là cán bộ của họ đã được chuẩn hoá nhờ đại học tại chức, chuyên tu, từ xa… đủ các thể loại.

Tiếp nữa, theo quy định hiện hành thì học tại chức vẫn có quyền thi cao học lấy bằng thạc sỹ và làm tiến sỹ. Quy định này có thể "tầm thường hoá" kỳ thi tuyển sinh đại học cấp quốc gia. Bởi lẽ, nó gần như là hợp pháp hoá bằng cấp cho những người không đỗ đại học.

Có lẽ không phải Bộ GD&ĐT không biết sự bất cập của mô hình đào tạo tại chức, bằng chứng là đã có sự thay đổi khi không gọi là “tại chức” nữa mà gọi là “vừa học vừa làm”. Ngoài cái tên dài hơn thì nội hàm của hai khái niệm này có gì khác nhau đâu - vẫn chỉ mô hình cho những người nhiều khi không có “chức” vẫn “tại” và đến lớp là để “học tại chức, quên tại chỗ (?)”

Đinh Thế Hưng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm