Bài 8:

Hàng chục nghìn m2 đất rừng vào sổ đỏ nhà quan và câu thần chú "vừng ơi mở ra"!

(Dân trí) - “Không nên dùng cụm từ "buông lỏng quản lý" trong việc làm thất thoát tài sản, đất đai... của nhà nước; bản chất đây là một biểu hiện của tham nhũng. Khi cấp đất trái phép, liệu đơn vị cá nhân được cấp có phải lót tay - mua? Thực chất là mua bán đất trái phép, mà nhà nước không thu được một đồng nào hoặc rất ít ỏi, còn đa phần vô túi người có chức có quyền cấp đất!”, quan điểm của bạn đọc Dân trí.

Liên quan đến việc hàng chục nghìn m2 đất rừng đã bị “biến hoá”, cấp sổ đỏ trái luật cho gia đình chủ tịch xã, em ruột bí thư huyện uỷ Yên Thế, UBND tỉnh Bắc Giang đã có Quyết định số 1289/QĐ-UBND do ông Dương Văn Thái - Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký ngày 27/7/2017 về việc thành lập tổ công tác liên ngành để kiểm tra, rà soát về hoạt động quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp và đơn thư có liên quan đến Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Thế, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Trường Lộc và UBND huyện Yên Thế.

Trước đó, Báo Dân trí đã thực hiện loạt bài điều tra về những sai phạm trong việc quản lý đất rừng tại huyện Yên Thế. Điều đáng nói là hàng chục nghìn m2 đất rừng đã bị “biến hoá” vào sổ đỏ nhiều cán bộ, lãnh đạo và người thân lãnh đạo một cách vi phạm pháp luật.

“Chắc lại cũng xem xét trách nhiệm ở mức cao nhất là: NGHIÊM KHẮC TỰ KIỂM ĐIỂM - RÚT KINH NGHIỆM!!! Cụm từ này nghe quen lắm rồi, giống như câu thần chú: VỪNG ƠI MỞ RA”, ý kiến của bạn đọc Minh Trần Trọng - cũng là ý kiến nhận định của rất nhiều bạn đọc Dân trí gửi về tòa soạn khi theo dõi loạt bài viết về vấn đề này.

Bạn đọc Cuong Nguyen: “Có lẽ cũng chỉ xử lý kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính với công chức có sai phạm. Còn hành vi làm trái nguyên tắc gây thiệt hại hàng chục nghìn mét vuông rừng thì không khởi tố”.

“Dự đoán” kết quả thanh tra, bạn đọc Thanh Minh: “Chắc do lỗi đánh máy thôi, đáng lẽ cấp 600m2 lại gõ nhầm thành 6000m2. Chứ cán bộ liêm khiết lắm có bao giờ tơ hào một đồng xu một m2 đất bao giờ đâu. Xin lỗi rút kinh nghiệm sâu sắc và khắc phục hậu quả là đóng tiền để hợp pháp hóa số m2 cấp nhầm là xong”, bạn đọc Ngọc Thắng đồng quan điểm: “Cuối cùng thì chỉ anh nhân viên quèn là có lỗi thôi và quan "lại tiếp tục thăng quan" mà thôi, kịch bản này dân được xem nhiều lắm rồi”.


Trên địa bàn một xã của huyện Yên Thế, cả trăm nghìn m2 đất rừng bị biến hoá, buông lỏng quản lý.

Trên địa bàn một xã của huyện Yên Thế, cả trăm nghìn m2 đất rừng bị "biến hoá", buông lỏng quản lý.

Bạn đọc Bùi Thanh Phương: “Yên tâm! Sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc. Ăn cắp ổ bánh mì mới phải vào tù”

Hài hước hơn, bạn đọc Quặng Sắt Nam: “Rút kinh nghiệm lần sau nghiên cứu cách làm kín đáo cẩn thận hơn”.

Bày tỏ sự bức xúc, bạn đọc Nguyễn Nguyên: “Ông Vượng Bí thư huyện ủy nói sai, việc 6 cán bộ trong đó có em ruột ông được cấp đất trái thẩm quyền mà ông không biết là vô lý, người thân của mình mà mình không hiểu thì ông tại vị làm gì? Ông được hưởng lợi lộc của ai mà quên trách nhiệm của mình?” - “Thông cảm cho ông ấy đi bạn ơi, chắc ông ta thuộc nhóm công chức sáng cắp ô đi tối cắp về rồi cuối tháng lĩnh lương thôi mà, còn lại ông ấy không biết gì cả. Nghĩ mà buồn cho đội ngũ cán bộ của chúng ta hiện nay”, bạn đọc có nickname Bức Văn Xúc.

Bạn đọc Nguyễn Thanh Tùng: “Không nên dùng cụm từ "buông lỏng quản lý" trong việc làm thất thoát tài sản, đất đai... của dân của nước; bản chất đây là một biểu hiện của tham nhũng. Khi cấp đất trái phép, liệu đơn vị cá nhân được cấp có phải lót tay - mua ? Thực chất là mua bán đất trái phép, mà nhà nước không thu được một đồng nào hoặc rất ít ỏi, còn đa phần vô túi người có chức có quyền cấp đất!”.

Bạn đọc Lien Ly: “Chỉ còn 1 cách chặn tình trạng tham nhũng là đưa các quan tham ô ra tòa, nếu xét xử có tội thì tịch thu tài sản và tù chung thân hoặc tử hình thì mới giảm được số quan tham”.

Gửi gắm niềm tin, “Báo Dân trí thật tuyệt! các phóng viên cố gắng lên nhé, người dân chúng tôi tin tưởng các bạn!”, bạn đọc Trần Thiên.

Theo thông tin từ ông Lưu Xuân Vượng - Bí thư huyện uỷ Yên Thế, người ký cấp những cuốn sổ đỏ sai phạm nghiêm trọng này là ông Nông Văn Tâm, hiện là Phó bí thư thường trực huyện uỷ Yên Thế. Thời điểm ký cấp những cuốn sổ đỏ này, ông Tâm là Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thế.

Trong số những cuốn sổ đỏ cấp trái pháp luật do ông Tâm ký, có một số trường hợp cấp không đúng quy trình như trường hợp sổ đỏ của ông Lưu Văn Sáu, em trai ông Lưu Xuân Vượng. Tuy nhiên, nghiêm trọng hơn là có những cuốn sổ đỏ ông Tâm ký cấp không đúng đối tượng để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, sẽ phải thu hồi.

Trao đổi với PV Dân trí về sự việc, luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: “Những hành vi sai phạm và các dấu hiệu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trong trong vụ việc này về cơ bản đã được UBND huyện Yên Thế chỉ ra và kết luận khá rõ ràng. Ở đây, phải nhìn nhận hình thức xử lý ở cả hai mặt: Kỷ luật về mặt chính quyền và xử lý sai phạm theo quy định pháp luật.

Về mặt chính quyền, UBND huyện Yên Thế sẽ xác định các cá nhân, tổ chức sai phạm để ra quyết định kỷ luật. Mặt khác, cơ quan công an cần vào cuộc điều tra, khởi tố vụ án để làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng này, xác định và khởi tố bị can.

Hàng chục nghìn m2 đất rừng vào sổ đỏ nhà quan và câu thần chú "vừng ơi mở ra"! - 2

Chủ tịch UBND huyện Yên Thế Vũ Trí Hải ký kết luận thanh tra làm rõ nhiều sai phạm trong quản lý đất rừng liên quan đến lãnh đạo địa phương.

Chủ tịch UBND huyện Yên Thế Vũ Trí Hải ký kết luận thanh tra làm rõ nhiều sai phạm trong quản lý đất rừng liên quan đến lãnh đạo địa phương.

Theo tôi, việc cấp sổ đỏ trái luật hàng chục nghìn m2 đất rừng cho người thân cán bộ, lãnh đạo xã huyện là vô cùng nghiêm trọng và có dấu hiệu vi phạm hình sự rất rõ ràng”.

“Vụ việc này tại huyện Yên Thế còn có dấu hiệu của tiêu cực, lợi ích nhóm và tham nhũng bởi nguồn lợi ích đất rừng “chảy” vào nhà người thân cán bộ, quan chức. Những người liên quan là lãnh đạo cao của huyện.

Cụ thể, người ký cấp sổ đỏ sai phạm từ Phó chủ tịch UBND huyện đã thăng tiến lên Phó bí thư thường trực huyện uỷ. Cùng cá nhân vị lãnh đạo ký cấp những sổ đỏ này, cần phải làm rõ những cơ quan, cá nhân chuyên môn tham mưu như Phòng TN&MT, lãnh đạo phòng TN&MT…Không thể chỉ xử lý cán bộ địa chính xã và chủ tịch xã cho xong chuyện rồi để vụ việc “chìm xuồng.

Với tinh thần quyết liệt đấu tranh chống tiêu cực, tham ô, xử lý sai phạm triệt để của Đảng, của Chính phủ, tôi nghĩ Tỉnh uỷ - UBND tỉnh Bắc Giang sẽ quyết liệt và xử lý đến cùng sự việc này”, luật sư Diện nhận định.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Khả Vân (tổng hợp)