Hàng chục hộ gia đình bức xúc vì TP. Bắc Giang “bỏ quên” quyền lợi

(Dân trí) - UBND TP. Bắc Giang tuyên bố việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong dự án mở rộng nhà máy Phân đạm Hà Bắc là có lợi cho dân, trong khi ông Ngô Văn Hải cho rằng quyết định của thành phố chưa thuyết phục, xâm phạm quyền lợi hợp pháp của công dân.

 
Như thông tin đã đưa, ông Ngô Văn Hải là người đại diện theo uỷ quyền của 6 hộ gia đình Nguyễn Thị Xưa, Ngô Thị Thư, Ngô Thị Dung, Ngô Hoàng Nam, Ngô Văn Hùng phản ánh: UBND TP. Bắc Giang ban hành Quyết định số 1312/QĐ-UBND ngày 10/5/2013 về phê duyệt, bổ sung Quyết định số 2687/QĐ-UBND ngày 12/9/2012 về bồi thường, hỗ trợ GPMB, tái định cư chưa xác định đúng nguồn gốc, diện tích các thửa đất số 1, 2, 3, 4, 5 thuộc diện bị thu hồi của gia đình ông. Việc kiểm kê, kiểm đếm tài sản trên đất không đúng với số liệu Biên bản kiểm tra lại hiện trạng sử dụng đất ngày 11/4/2011.

Theo phản ánh của ông Hải, nguồn gốc thửa số 1, diện tích 828,4 m2 theo bản đồ địa chính năm 1998 có nguồn gốc do ông Ngô Văn Chiếm và bà Nguyễn Thị Xưa (bố, mẹ ông Hải) nhận chuyển nhượng 500m2 đất có nhà ở của bà Nguyễn Thị Chuyền (có giấy chuyển nhượng viết tay của bà Chuyền ngày 15/02/1977, hiện tại bà Chuyền vẫn còn sống-PV), được UBND xã Thọ Xương xác nhận là đất ở sử dụng trước ngày 15/10/1993, theo bản tự kê khai nguồn gốc sử dụng đất tại thời điểm thu hồi.

Tuy nhiên, khi thực hiện việc GPMB, TP. Bắc Giang lại không căn cứ vào giấy chuyển nhượng 500 m2 đất bà Chuyền viết cho gia đình ông Hải ngày 15/12/1977. Từ sai sót trên, TP. Bắc Giang chỉ công nhận 300m2 là đất ở, phần diện tích còn lại chỉ được coi là đất vườn, ao trong cùng thửa đất và chỉ cấp 3 lô tái định cư.

Bà Ngô Thị Phương (con gái cả của bà Xưa) cho biết: “Trong quá trình UBND TP. Bắc Giang thực hiện chính sách bồi thường đất cho gia đình tôi, việc xác định thời điểm đất nhà tôi sai do đó toàn bộ phương án bồi thường cho gia đình tôi là sai, làm quyền lợi chính đáng của dân không được đảm bảo.

Gia đình tôi có 6 hộ gia đình, mỗi nhà một hộ khẩu riêng biệt, nhưng khi Ban GPMB lên phương án bồi thường thì chỉ bồi thường cho em trai tôi là Ngô Văn Hải và mẹ tôi là bà Nguyễn Thị Xưa. 4 người còn lại trong gia đình không được bồi thường đất, không có tên trong danh sách được bồi thường lô tái định cư. Theo quy định về GPMB, cán bộ phải tiến hành xác nhận nguồn gốc đất cho gia đình nhà tôi, tổ chức cuộc họp lấy ý kiên, nhưng các vị ấy không làm”.

Để làm rõ nội dung đơn khiếu nại của ông Ngô Văn Hải, ngày 6/8/2013, PV Dân trí đã có buổi làm việc với đại diện UBND TP. Bắc Giang. Về đề xuất đền bù với thửa đất số 1 (828,4m2), ông Nguyễn Đức Đang, chuyên viên Trung tâm Phát triển quỹ đất Thành phố cho rằng, những giấy tờ ông Hải cung cấp về thửa đất gồm 1 giấy tờ mua bán viết tay của bà Chuyền đã bán đất cho ông Chiêm (bố ông Hải), bà Xưa và 1 giấy vay vốn ngân hàng năm 2004, do Phó Chủ tịch phường Thọ Xương xác nhận. Đối chiếu với khoản 1, khoản 2, điều 50 Luật Đất đai năm 2003 thì những giấy tờ này chưa đủ để xem xét, giải quyết đề xuất của ông Hải.

Trong đơn khiếu nại, ông Hải trình bày nguồn gốc thửa số 2, diện tích 890,9m2 được hình thành từ thửa đất số 2, diện tích1.568,3m2 , có nguồn gốc do HTX Nam Hồng cấp đất ở cho bố, mẹ ông Hải năm 1973 và được UBND phường Thọ Xương xác nhận(theo giấy đề nghị xác nhận nhà và đất ở ngày 17/12/2004)trên các thửa đất này có xây dựng nhà ở và các công trình phụ trên đất của 4 hộ gia đình: Nguyễn Thị Xưa, Ngô Thị Dung, Ngô Hoàng Nam, Ngô Văn Hùng có phần diện tích ao thả cá 613,6m2. Từ lúc được cấp đất, 4 hộ gia đình vẫn sử dụng ổn định, không có tranh chấp, thực hiện đầy đủ nghĩa nộp thuế, nhà đất hàng năm cho Nhà nước. Tuy nhiên, khi lên phương án, TP. Bắc Giang chỉ công nhận 300m2 đất ở, phần diện tích còn lại chỉ được xem là đất vườn, ao để bố trí 3 lô tái định cư là xâm hại quyền lợi công dân.

Về vấn đề này, đại diện UBND TP. Bắc Giang cho biết, tại cuộc họp ngày 1/8/2012, TP. Bắc Giang đã thống nhất đối với những hộ chưa được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ sẽ được vận dụng hạn mức 200m2 đất ở theo khu vực xã trung du. Nếu các hộ có đất và công trình trên đất phục vụ mục đích ở có diện tích lớn hơn 200m2 thì không được vượt quá hạn mức 300m2 . Theo biên bản kê khai năm 2008 - 2009, bà Xưa và ông Hùng, ông Nam có tổng diện tích công trình xây dựng trên đất tổng cộng mới được 300 m2 đất ở, việc thành phố áp dụng bồi thường 300m2 đất ở là vận dụng theo hướng lợi nhất cho người dân.

Trao đổi với PV Dân trí, bà Ngô Thị Phương (con gái cả của bà Xưa) đề nghị: “Thứ nhất, TP. Bắc Giang xác định nguồn gốc đất của gia đình năm 1980 và căn cứ vào Luật, nghị định, hướng dẫn thi hành luật để bồi thường đúng, đủ cho gia đình. Thứ hai, phải bố trí đủ số lượng lô tái định cư cho các hộ chưa được bồi thường theo Quyết định 1751 của Thành phố. Thứ ba, toàn bộ diện tích của nhà tôi còn thiếu phải bổ sung. Thứ tư, tài sản còn thiếu cũng cần bổ sung. Thứ 5, bố trí công ăn việc làm cho gia đình nhà tôi”.

Liên quan đến dự án này, hiện có hàng chục hộ gia đình trong khu vực cũng rơi vào cảm giác ức chế, bức xúc như gia đình ông Ngô Văn Hải xuất phát từ chính sách hỗ trợ, bồi thường, tái định cư có nhiều sai sót và không công bằng của UBND TP. Bắc Giang.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Vũ Văn Tiến - Vũ Thúy - Ngọc Cương