Bản án có dấu hiệu vi phạm tố tụng của Tòa án tỉnh Bắc Giang

(Dân trí) - Cho rằng bản án 23/2013/DS-PT của TAND tỉnh Bắc Giang có vi phạm tố tụng, ông Nguyễn Văn Công trú tại Bản Chàm, xã Tam Tiến, Yên Thế, Bắc Giang có đơn đề nghị gửi Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao xem xét lại bản án.

Đơn đề nghị của ông Nguyễn Văn Công gửi đến báo Dân trí
Đơn đề nghị của ông Nguyễn Văn Công gửi đến báo Dân trí

Trong đơn đề nghị gửi đến báo Dân trí, ông Nguyễn Văn Công và vợ là Đỗ Thị Hiền, trú tại Bản Chàm, xã Tam Tiến, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang phản ánh: TAND tỉnh Bắc Giang xét xử không khách quan vụ tranh chấp quyền sử dụng đất tại Bản Chàm, Tam Tiến giữa vợ chồng ông Công và bà Phạm Thị Sửu (mẹ vợ ông Công), xuất phát từ những nhận định, xem xét đánh giá chứng cứ không khách, dẫn đến ban hành bản án phúc thẩm số 23/2013/DS-PT ngày 01/4/2013 trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn, có dấu hiệu vi phạm tố tụng.

Đơn của ông Nguyễn Văn Công cho biết. năm 1996 bà Phạm Thị Sửu (mẹ vợ ông Công) có vay 1,5 triệu đồng của bà Đỗ Thị Hiền (vợ ông Công) do bà Sửu không có tiền trả nợ, nên ngày 18/4/2003 bà Sửu có viết một “Đơn di chúc để lại cho các con” với nội dung: “Hiện nay tôi nợ con Hiền là con gái cả một triệu rưỡi tôi không có tiền trả ý của tôi còn lại tôi cho con Hiền 5 mét đất tính từ sau bếp ra, chạy hết đất, nhưng tôi còn sống tôi hưởng số cây, khi nào tôi mất thì con Hiền Hưởng và không được bán đất”. Do bà Sửu ở một mình không có ai chăm sóc, nên vợ chồng anh Công hứa nuôi bà Sửu đến lúc chết, tháng 11/2005 bà Sửu đồng ý về ở cùng ông Công và bà Hiền, do việc ở chung chật nên bà Sửu đồng ý cho vợ chồng ông Công làm nhà trên phần đất của bà theo bản cam kết chuyển nhượng.

Trong quá trình chung sống giữa bà Sửu và vợ chồng ông Công xảy ra mâu thuẫn. Ngày 17/8/2010 bà Sửu có đơn khởi kiện yêu cầu vợ chồng anh Công phải trả lại đất cho bà Sửu. Ngày 18/4/2011, TAND huyện Yên Thế ban hành bản án sơ thẩm số 03/2011/DS-ST chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Sửu, bác yêu cầu phản tố của vợ chồng ông Công, bà Hiền, do bản án sơ thẩm số 03 ngày 18/4/2011 có vi phạm tố tụng.

Ngày 14/7/2011, bản án phúc thẩm số 32/2011/PT-DS của TAND tỉnh Bắc Giang tuyên huỷ bản án sơ thẩm số 03 của TAND huyện Yên Thế để xét xử lại. Ngày 31/7/2012, TAND huyện Yên Thế mở phiên toà xét xử sơ thẩm lần 2 và ra bản án số 7/2012/DS-ST tuyên huỷ hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo “Đơn di chúc để lại cho các con” ngày 18/4/2003 của bà Sửu vô hiệu.

Không đồng ý với bản án sơ thẩm số 7 ngày 31/7/2012 của TAND huyện Yên Thế, nguyên đơn bà Sửu và bị đơn ông Công và bà Hiền đều có đơn kháng cáo. Ngày 1/4/2013, TAND tỉnh Bắc Giang mở phiên toà phúc thẩm, ban hành bản án phúc thẩm số 23/2013/DS-PT bác yêu cầu phản tố của bị đơn ông Công, bà Hiền; buộc ông Công và bà Hiền phải trả lại đất cho bà Sửu.

Bản án phúc thẩm số 23/2013/DS-PT ngày 1/4/2013 của TAND tỉnh Bắc Giang
Bản án phúc thẩm số 23/2013/DS-PT ngày 1/4/2013 của TAND tỉnh Bắc Giang

Theo nhận định của HĐXX phúc thẩm thì tranh chấp nhà ở, đất ở giữa vợ chồng ông Công với bà Sửu không phải tranh chấp liên quan đến di chúc, cũng không phải tranh chấp hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất và hợp đồng chuyển nhượng QSD đất, mà là tranh chấp liên quan đến kiện đòi lại nhà, đất do người khác đang quản lý, sử dụng và cho rằng bản án sơ thẩm số 7/2012/DS-ST ngày 31/7/2012 của TAND huyện Yên Thế xác định quan hệ tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSD đất là không đúng pháp luật cần phải rút kinh nghiệm.

Nhận định là thế, tuy nhiên tại phần trích yếu của bản án phúc thẩm số 23/2013/DS-PT ngày 01/4/2013 của TAND tỉnh vẫn ghi “V/v Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” điều này cũng được thể hiện trong nội dung phần quyết định của bản án. HĐXX vẫn áp dụng các điều luật liên quan đến di chúc, hợp đồng tặng cho, chuyển nhượng quyền sử dụng để giải quyết tranh chấp cụ thể áp dụng các Điều 136, 146, 463, 656, 691, 692, 697, 708 BLDS năm 1995; khoản 2 Điều 305; Điều 608 BLDS năm 2005 là vi phạm nghiêm trọng về tố tụng;

Điều đáng nói, bản án phúc thẩm xác định sai vị trí thửa đất có tranh chấp, việc xem xét đánh giá chứng cứ không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án. Cụ thể, HĐXX đã tự biến đất “không có tranh chấp” thành “đất có tranh chấp” thể hiện: Tại phần quyết định của bản án HĐXX tuyên: buộc ông Công và bà Hiền trả lại toàn bộ diện tích đất ở cho bà Sửu có tứ cận: Đông giáp với đồi của bà Nguyễn Thị Mận; Tây giáp tỉnh lộ 292 rộng 5m; Nam giáp với phần đất còn lại của bà Sửu; Bắc giáp với đất của bà Sửu.

Trao đổi với PV Dân trí ông Công cho biết: Thực tế thửa đất ông Công, bà Hiền đang ở có tứ cận như nhận định trong bản án phúc thẩm không liên quan đến vụ án, bởi vì: theo cam kết chuyển nhượng tại “Đơn di chúc để lại cho các con” ngày 18/4/2003 của bà Sửu và tại bản án phúc thẩm số 32/2011/PT-DS ngày 14/7/2011 ghi nhận lời trình bày của bà Sửu thể hiện: bà Sửu đồng ý cho vợ chồng ông Công, bà Hiền thửa đất giáp với đất ông Tuyến. Năm 2005 bà có cho chị Lương con gái bà một lô đất cũng ở trong khuôn viên đất của bà.

Do đất của chị Hiền liền kề với đất của anh Tùng mà chị Hiền và anh Tùng lại có mâu thuẫn nên bà có thống nhất với chị Hiền và chị Lương đổi đất cho nhau. Lời trình bày của bà Sửu phù hợp với lời trình bày của Đỗ Thị Hiền và bà Đỗ Thị Lương tại phiên toà phúc thẩm xử ngày 14/7/2011 đều khẳng định có việc đổi đất cho nhau giữa bà Hiền với bà Lương. Như vậy việc đổi đất này được sự nhất chí của bà Sửu là có thật, vị trí thửa đất Toà án đang thụ lý giải quyết tranh chấp giữa vợ chồng ông Công, bà Hiền với bà Sửu là thửa đất của vợ chồng bà Lương và ông Thìn hiện đang ở, đã được UBND huyện Yên Thế cấp sổ đỏ.

Tuy nhiên, bản án phúc thẩm số 23/2013/DS-ST ngày 1/4/2013 đã bỏ qua chứng cứ quan trọng này, và cũng không triệu tập ông Thìn, bà Lương là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án tham gia phiên toà phúc thẩm để làm rõ việc đổi đất, đồng thời ra phán quyết buộc ông Công, bà Hiền trả lại quyền sử dụng đất cho bà Sửu đối với thửa đất ông Công, bà Hiền đang ở mà trước đây đã đổi cho bà Lương (đất không có tranh chấp) là không có căn cứ pháp luật. Bản án phúc thẩm đã tự biến “đất không có tranh chấp” thành “đất có tranh chấp” là vi phạm nghiêm trọng tố tụng.

Vì các lẽ trên, căn cứ vào Điều 283, Điều 284, Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự, ông Nguyễn Văn Công đề nghị Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao xem xét và có văn bản kháng nghị đối với bản án phúc thẩm số 23/2013/DS-PT ngày 01/4/2013 của TAND tỉnh Bắc Giang theo trình tự Giám đốc thẩm vì những dấu hiệu vi phạm tố tụng.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Ban Bạn đọc