Không cần thiết tạm giữ tất cả phương tiện vi phạm giao thông

PV

(Dân trí) - Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ cháy nổ liên quan đến phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính gây thiệt hại rất lớn về tài sản.

Mới đây nhất là vụ cháy bãi tạm giữ xe vi phạm của Công an huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa thiêu rụi 01 ô tô và 03 xe máy; hay vụ cháy tại bãi xe vi phạm của Công an huyện Tánh Linh (Bình Thuận) trước đó thiêu rụi khoảng 200 xe máy do bất cẩn từ tàn thuốc.

Có thể nói, việc tạm giữ phương tiện chủ yếu là để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ của người vi phạm giao thông. Tuy nhiên, hiện nay các bãi tạm giữ phương tiện vi phạm giao thông, tang vật tịch thu đa số đều đã quá tải do với số lượng phương tiện vi phạm ngày càng nhiều. Mặt khác, vì mức phạt cao nên nhiều người chủ động bỏ phương tiện thay vì đến nộp phạt để lấy phương tiện về.

Không cần thiết tạm giữ tất cả phương tiện vi phạm giao thông - 1

Hỏa hoạn bùng lên tại bãi giữ xe vi phạm của Công an huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận (Ảnh: Người dân cung cấp).

Hiện đang có nhiều cách có thể quản lý hiệu quả người dân cũng như phương tiện vi phạm như thông qua mã định danh cá nhân, mã định danh phương tiện, thẻ căn cước công dân gắn chíp... Do đó, đã đến lúc không cần thiết phải tạm giữ tất cả các phương tiện vi phạm giao thông như hiện nay.

Theo đó, ngoài lập biên bản vi phạm hành chính thì chỉ nên giữ giấy tờ tùy thân của người vi phạm, giấy tờ phương tiện vi phạm là đủ. Cùng với đó, thực hiện các biện pháp quản lý mới như lập cơ sở dữ liệu về vi phạm hành chính và thông báo việc tạm giữ giấy tờ người vi phạm, phương tiện vi phạm đến cơ quan liên quan nhằm ngăn chặn việc người vi phạm báo mất và làm lại giấy tờ.

Điều này nhằm hạn chế tình trạng quá tải, thậm chí không còn chỗ để giữ xe vi phạm. Ngoài ra, còn nhằm giảm áp lực công việc cho lực lượng chức năng khi phải tạm giữ, bảo quản, bảo vệ số lượng phương tiện vi phạm lớn, ẩn chứa nguy cơ cháy nổ rất cao. Mặt khác, hạn chế tình trạng hàng trăm, hàng ngàn phương tiện giao thông, có nhiều phương tiện giá trị rất lớn nằm giãi nắng, dầm mưa gây thiệt hại, lãng phí tài sản rất lớn cho người dân và nguồn lực xã hội.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng không cần thiết phải tạm giữ phương tiện mà chỉ giữ giấy tờ tùy thân người vi phạm, phương tiện vi phạm. Riêng đối với các xe không giấy tờ, có dấu hiệu phạm pháp, chống đối, không chấp hành hiệu lệnh của người thi hành công vụ hoặc vi phạm nghiêm trọng thì mới tạm giữ để xác minh, xử lý.

Thậm chí, trường hợp vi phạm nghiêm trọng mà có người bảo lãnh, cam kết chấp hành các nghĩa vụ liên quan thì cũng không cần thiết phải giữ phương tiện vi phạm.

Trường hợp cần thiết phải tạm giữ phương tiện thì nên quy định tối đa không quá 03 ngày là phải làm thủ tục giải quyết trả phương tiện cho người vi phạm nếu họ nộp đủ tiền phạt. Trường hợp quá thời hạn nêu trên mà người vi phạm không đến giải quyết mà không có lý do chính đáng thì tịch thu và làm thủ tục đấu giá ngay để sung công quỹ.

Như vậy, sẽ hạn chế tình trạng quá tải các bãi tạm giữ phương tiện vi phạm gây gây nguy cơ cháy nổ; đồng thời, tránh lãng phí khi phương tiện vi phạm hư hỏng không sử dụng được, vì một số bãi tạm giữ phương tiện vi phạm không còn chỗ trống.

                                                             Luật gia Phạm Văn Chung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm