Bài 15:

Vụ cấp sổ đỏ "ma" tại huyện Hoài Đức: Một câu trả lời mở ra ngàn câu hỏi!

(Dân trí) - Sau khi mua thửa đất đã có "sổ đỏ" tại xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội vào năm 2004, bà Nguyễn Thị Ái được các cấp chính quyền huyện Hoài Đức hoàn thiện thủ tục sang tên "sổ đỏ", chính danh là chủ sở hữu hợp pháp của thửa đất này. Hơn 10 năm sử dụng và đã đóng thuế đất ở đầy đủ cho cơ quan thuế, bà Ái "ngã ngửa" khi phát hiện thửa đất trên "sổ đỏ" của mình không phải là thửa đất có thật.

Quá bất ngờ, gia đình bà Ái đã gửi đơn yêu cầu UBND xã Đức Thượng xác định nguồn gốc đất đối với thửa đất này. Ngày 28/12/2014, bà Ái nhận được Công văn trả lời số 45/UBND của UBND xã Đức Thượng. Tuy nhiên, câu trả lời của UBND xã Đức Thượng đã nối tiếp thêm cả ngàn câu hỏi thắc mắc cho chính bà Ái và bạn đọc đã theo dõi diễn biến vụ việc.

Ngày 28/12/2014, bà Ái nhận được Công văn số 45/UBND của UBND xã Đức Thượng về việc trả lời đơn yêu cầu trong đó có hai nội dung xác định. Tuy nhiên, cả hai nội dung trả lời trong công văn đều đặt ra thêm vô vàn những vấn đề thắc mắc chưa có lời giải đáp.

Vụ cấp sổ đỏ ma tại huyện Hoài Đức: Một câu trả lời mở ra ngàn câu hỏi! - Ảnh 1.

Vụ cấp sổ đỏ ma tại huyện Hoài Đức: Một câu trả lời mở ra ngàn câu hỏi! - Ảnh 2.

Những cuốn sổ đỏ được ông Nguyễn Xuân Lĩnh - Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức ký cấp cho đất không có thật năm 2004.

Thứ nhất, Công văn số 45/UBND khẳng định: "thửa đất số 75 thuộc tờ bản đồ 4B có địa chỉ tại thôn Nhuệ, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội, có diện tích 321m2 được cấp GCNQSDĐ ngày 15/5/1991 cho ông Nguyễn Văn Tác. Hiện ông Tác vẫn đang quản lý, sử dụng thửa đất này"

Gia đình bà Ái hết sức bất ngờ trước câu trả lời này của UBND xã Đức Thượng, bởi năm 2004, bà Ái đã được UBND huyện Hoài Đức cấp "sổ đỏ" cho quyền sử dụng 308m2 đất ở, thửa đất số 75, tờ bản đồ số 4B tại xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức. Đây là thửa đất bà Ái đã nhận chuyển nhượng từ ông Ngô Đăng Thọ (trú tại thôn Cao Thượng, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây - nay là TP Hà Nội) theo Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất số 474/CN. Thửa đất này trước khi chuyển nhượng ông Thọ cũng đã được cấp "sổ đỏ".

Theo Công văn số 45/UBND của xã Đức Thượng thì thửa đất số 75 nói trên là của ông Nguyễn Văn Tác và hiện ông Tác vẫn đang quản lý, sử dụng. Thế nhưng theo điều tra của PV Dân trí, đầu năm 2002, ông Tác đã tặng cho quyền sử dụng đất trên cho hai con trai là anh Nguyễn Văn Phong và anh Nguyễn Văn Luyến. Thủ tục tách sổ đã hoàn tất, UBND huyện đã cấp GCNQSDĐ từ việc tách thửa đất số 75 tờ bản đồ số 4B thành hai thửa: thửa 75a tờ bản đồ số 4B mang tên anh Nguyễn Văn Phong có diện tích 177m2 (được cấp GCNQSDĐ số S553413 ngày 25/2/2002); thửa 75b tờ bản đồ số 4B mang tên anh Nguyễn Văn Luyến có diện tích 153m2 (được cấp GCNQSDĐ số S553414 ngày 25/2/2002). 

Tại Vi bằng số 238/2015/VB-TPLHĐ do Văn phòng thừa phát lại quận Hà Đông lập ngày 18/11/2015 tại nhà ông Tác (tại thôn Nhuệ, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức), ông Tác cũng đã xác nhận rằng: Thửa đất số 75, tờ bản đồ 4B có nguồn gốc do cha mẹ ông để lại. Ông sinh sống trên thửa đất này từ năm 1939 đến nay, năm 1991 thì được UBND huyện Hoài Đức cấp "sổ đỏ", đến năm 2002 ông Tác đã tiến hành tách thửa và chia thửa đất trên cho hai con trai, cơ quan nhà nước đã tiến hành đo đạc và cấp GCNQSDĐ cho hai con trai của ông. Ông Tác và các con trai, con dâu là chị Nguyễn Thị Phương (vợ anh Nguyễn Văn Phong), chị Đàm Thị Hoa (vợ anh Nguyễn Văn Luyến) đều khẳng định gia đình không hề chuyển nhượng thửa đất này cho bất cứ ai.

Vụ cấp sổ đỏ ma tại huyện Hoài Đức: Một câu trả lời mở ra ngàn câu hỏi! - Ảnh 3.

Mảnh đất có thật này đã bị biến hoá trong những cuốn "sổ đỏ ma".

Vậy không hiểu sao trong công văn trả lời bà Ái ngày 28/12/2014 UBND xã Đức Thượng vẫn khẳng định thửa đất trên được cấp cho ông Nguyễn Văn Tác, hiện nay ông Tác vẫn đang quản lý và sử dụng thửa đất này???

Có thể thấy, theo quy định pháp luật thì khi tách "sổ đỏ" thì song song với việc phát hành các "sổ đỏ" mới, "sổ đỏ" cũ cũng phải bị thu hồi. Điều này cũng có nghĩa là cũng tại thời điểm có Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Tác và ông Thọ (ngày 05/12/2003), GCNQSDĐ số A490094 của ông Tác không còn do đã bị thu hồi do năm 2002 ông Tác đã tách sổ tặng cho hai con trai ông Tác. Do đó, việc chuyển nhượng giữa ông Tác và ông Thọ (giả sử nếu có) thì ông Tác không đủ điều kiện để chuyển nhượng quyền sử dụng đất do không có GCNQSDĐ và không phải là người đứng tên trên GCNQSDĐ.

Thực tế này đã vén mức màn bí mật là Hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Tác, bà Đào (vợ ông Tác) cho ông Thọ là hợp đồng giả mạo. Tuy nhiên, với hợp đồng giả mạo này - trong điều kiện ông Tác không hề hay biết - thì làm thế nào UBND huyện Hoài Đức có thể làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất và cấp GCNQSDĐ từ ông Tác cho ông Thọ? Trong khi đó, theo các quy định của pháp luật thì đối với việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa các bên và việc cấp GCNQSDĐ, UBND xã Đức Thượng và UBND huyện Hoài Đức phải có trách nhiệm thẩm tra, xác minh về hiện trạng sử dụng đất. Việc UBND các cấp không thẩm tra, xác minh rõ về điều kiện chuyển nhượng mà đã tiến hành xác nhận vào hợp đồng chuyển nhượng và tiến hành các thủ tục khác để cấp GCNQSDĐ cho ông Thọ là vi phạm các quy định của pháp luật.

Thứ hai, Công văn số 45/UBND kết luận: "thửa đất ông Thọ chuyển nhượng cho bà Ái vào tháng 3/2004 là thửa đất có địa chỉ tại khu Rảnh, thôn Cao Xá, xã Đức Thượng với diện tích 285m2 thuộc tờ bản đồ số 5, thửa số 432, mục đích sử dụng là đất canh tác. Đây là thửa đất do ông Ngô Khắc Quy chuyển nhượng cho ông Thọ theo Hợp đồng chuyển nhượng số 485 ngày 09/9/2003. Thửa đất này được UBND huyện Hoài Đức cấp GCNQSDĐ số S565580"

Hồ sơ vụ việc cho thấy, Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Thọ và bà Ái có thỏa thuận nội dung chuyển nhượng 308m2 đất ở, địa chỉ tại tại thôn Nhuệ, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội, sau đó bà Ái đã được UBND huyện Hoài Đức cấp "sổ đỏ" đối với diện tích đất ở 308m2 đất nói trên, hơn 10 năm qua bà Ái đã đóng thuế đất ở đầy đủ cho cơ quan thuế. Thế nhưng theo kết luận của UBND xã Đức Thượng tại Công văn số 45/UBND thì 308m2 đất ở lại bỗng biến thành 285m2 đất nông nghiệp tại tại khu Rảnh, thôn Cao Xá, xã Đức Thượng. Tại sao lại có sự biến đổi kỳ lạ đến vậy?

Vụ cấp sổ đỏ ma tại huyện Hoài Đức: Một câu trả lời mở ra ngàn câu hỏi! - Ảnh 4.

Vụ cấp sổ đỏ ma tại huyện Hoài Đức: Một câu trả lời mở ra ngàn câu hỏi! - Ảnh 5.

Vụ việc đã được chuyển sang Công an huyện Hoài Đức điều tra hơn nửa năm nay nhưng liệu có "chìm xuồng"?

Theo quy định tại Điều 53 Luật Đất đai năm 2003, Điều 34 Luật Đất đai năm 2013 thì UBND các cấp thực hiện việc thống kê, kiểm kê đất đai theo đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn. Việc thống kê đất đai được tiến hành mỗi năm một lần, trừ năm thực hiện kiểm kê đất đai còn việc kiểm kê đất đai được tiến hành 05 năm một lần; Bản đồ hiện trạng sẽ được lập 05 năm một lần gắn liền với việc kiểm kê đất đai. Như vậy, thông qua việc kiểm kê, thống kê này, các cơ quan quản lý đất đai các cấp mà trước hết là UBND cấp xã phải nắm được hiện trạng sử dụng đất tại địa phương và tiến hành chỉnh lý, đề nghị chỉnh lý thông tin trên hồ sơ nếu có phát hiện sai sót. Vậy những lần kiểm kê đó, tại sao UBND các cấp lại có thể "bỏ sót" thửa đất của bà Ái.

Hơn nữa, ròng rã suốt hơn 10 năm trời, bà Ái đều phải đóng thuế sử dụng 308m2 đất ở. Vậy cơ sở nào để cơ quan thế thu thuế sử dụng đất ở của gia đình bà Ái? Nếu xét theo vị trí của thửa đất trên giấy tờ về quyền sử dụng đất thì cả bà Ái và gia đình ông Tác đều đóng thuế cho cùng một thửa đất (cùng đóng thuế cho thửa đất số 75 thuộc tờ bản đồ 4B). Còn nếu xét theo vị trí chính xác của thửa đất trên thực tế thì ông Thọ và bà Ái cùng đóng thuế cho một thửa đất nhưng đóng thuế cho hai loại đất khác nhau (cùng đóng cho thửa đất có nguồn gốc là nhận chuyển nhượng từ ông Quy): đóng thuế sử dụng 308m2 đất ở cho 285m2 đất nông nghiệp. Như vậy, rõ ràng dù xét trên giấy tờ hay thực tế sử dụng đất thì một thửa đất đã phải chịu thuế tới 2 lần. Điều này là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật về thuế. Vậy trách nhiệm thuộc về ai trước sai phạm nối tiếp sai phạm này?

Sau hơn 10 năm sử dụng ổn định thửa đất đã được cấp GCNQSDD, đến nay bà Ái hoàn toàn không hiểu được thực chất mình đang là chủ sở hữu của quyền sử dụng 308m2 đất ở theo "sổ đỏ" đã được UBND huyện Hoài Đức cấp năm 2004, hay là chủ sở hữu của quyền sử dụng 285m2 đất theo như trả lời tại Công văn số 45/UBND của xã Đức Thượng. Và thực chất việc ông Ngô Đăng Thọ nhận 616 triệu của bà để chuyển nhượng cho bà thửa đất thổ canh, thay vì là một thửa đất ở như đã ghi rõ trong Hợp đồng chuyển nhượng năm 2004, có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay ko? Việc xác minh của UBND xã Đức Thượng, việc cấp GCNQSDD của UBND huyện Hoài Đức có dấu hiệu của tội Làm giả giấy tờ nhằm tiếp tay cho hành vi lừa đảo hay không? Những câu hỏi này đã được gia đình bà Ái đưa ra và phản ánh trong suốt gần hai năm qua, kể từ ngày 28/12/2014, khi bà Ái nhận được Công văn số 45/UBND của UBND xã Đức Thượng và sau đó bà Ái đã gửi Đơn tố cáo đến Cơ quan cảnh sát điều tra – công an huyện Hoài Đức, thế nhưng đến  nay vẫn chưa có câu trả lời của các cơ quan liên quan.

Gia đình bà Ái vẫn đang mòn mỏi chờ đợi: cho đến bao giờ các cơ quan chức năng mới có câu trả lời cuối cùng để giải đáp cho cả ngàn câu hỏi đang đặt ra của vụ việc này?

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc!

Anh Thế