Hà Nội: Doanh nghiệp kêu cứu, nhiều cơ quan Trung ương yêu cầu làm rõ

(Dân trí) - Trước các nội dung kêu cứu khẩn cấp của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Trung Dũng về các nội dung liên quan đến Quyết định công nhận sự thoả thuận giữa các đương sự số 02/2014/QĐST-KDTM của TAND huyện Duy Tiên (Hà Nam), Uỷ ban Tư pháp Quốc hội; Thường trực tiếp công dân của Quốc hội và Văn phòng Chính phủ đều chuyển nội dung đề nghị làm rõ.

Uỷ ban Tư pháp Quốc hội vừa có Công văn số 557/UBTP14 do ông Nguyễn Văn Luật - Phó chủ nhiệm ký gửi Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội và Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Hà Nội cho biết: Uỷ ban Tư pháp Quốc hội nhận được đơn của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Trung Dũng (Công ty Trung Dũng), địa chỉ số 52 phố Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) khiếu nại đối với Quyết định công nhận sự thoả thuận giữa các đương sự số 02/2014/QĐST-KDTM của TAND huyện Duy Tiên (Hà Nam).

Theo nội dung đơn, Công ty Trung Dũng trình bày, ngày 22/10/2010, bà Nguyễn Thị Thanh Sơn đã cho công ty Trung Dũng thuê quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất với thời hạn 30 năm đối với toàn bộ thửa đất số 56+58 thuộc tờ bản đồ số 5H-II-27 và tài sản gắn liền với đất số 52 Nguyễn Bỉnh Khiêm (theo Hợp đồng số công chứng 144.2010.HĐTN của văn phòng công chứng Nguyễn Tú).

Hà Nội: Doanh nghiệp kêu cứu, nhiều cơ quan Trung ương yêu cầu làm rõ - 1

Uỷ ban Tư pháp Quốc hội đề nghị làm rõ các nội dung kêu cứu của doanh nghiệp.

Uỷ ban Tư pháp Quốc hội đề nghị làm rõ các nội dung kêu cứu của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Quyết định số 02/2014/QĐST-KDTM của TAND huyện Duy Tiên lại công nhận sự thoả thuận giữa nguyên đơn là Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB) và bị đơn là Công ty TNHH thương mại và xây dựng Hà Nam (do bà Nguyễn Thị Thanh Sơn là người đại diện theo pháp luật) với nội dung Công ty TNHH thương mại và xây dựng Hà Nam phải thanh toán nợ cho Ngân hàng VIB số tiền gốc và lãi là 120 tỷ đồng với tài sản thế chấp là toàn bộ quyền sử dụng đất và toàn bộ tài sản gắn liền với đất tại Biệt thự số 52 phố Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng dất và quyền sở hữu nhà ngày 22/10/2011 giữa bà Sơn và chồng là ông Đoàn Hùng Dũng với ngân hàng VIB) là không phù hợp.

Ngoài ra, TAND huyện Duy Tiên không đưa Công ty Trung Dũng tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của Công ty Trung Dũng.

Từ đó, Uỷ ban tư pháp Quốc hội chuyển đến Chánh án TAND Cấp cao và Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Hà Nội đơn khiếu nại của Công ty Trung Dũng xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật, đồng thời báo cáo kết quả giải quyết đến Uỷ ban tư pháp Quốc hội.


Thường trực tiếp công dân của Quốc hội cũng có công văn chuyển nội dung đơn thư đề nghị làm rõ.

Thường trực tiếp công dân của Quốc hội cũng có công văn chuyển nội dung đơn thư đề nghị làm rõ.

Cùng đó, sau khi tiếp nhận nội dung đơn thư của Công ty Trung Dũng, Thường trực tiếp công dân của Quốc hội đã chuyển nội dung đến Cục thi hành án dân sự TP Hà Nội đề nghị chỉ đạo xem xét theo thẩm quyền, đúng quy định pháp luật và thông báo kết quả giải quyết về Thường trực tiếp công dân của Quốc hội để báo cáo.

Trước đó, Công ty Trung Dũng cũng đã gửi đơn thư đến Văn phòng Chính phủ. Ngày 18/4/2017, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 3835/VPCP -VI cho biết xác định đơn thư thuộc thẩm quyền giải quyết của VKSND Tối cao.

Thực hiện quy chế phối hợp giữa Chính phủ với TAND Tối cao và VKSND Tối cao, Văn phòng Chính phủ chuyển đến VKSND Tối cao đơn của Công ty Trung Dũng xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật, thông báo kết quả giải quyết đến Văn phòng Chính phủ.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm